Hiệu phó trường đảng ĐCSTQ: Vấn đề người kế nhiệm nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được giải quyết
Hiệu phó trường đảng trung ương Trung Quốc Tạ Xuân Đào tiết lộ thông tin này trong một buổi tọa đàm mới đây.
Báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo đưa tin, Hiệp hội báo chí Trung Quốc đã tổ chức buổi Tọa đàm báo chí lần thứ 135 tại Bắc Kinh vào ngày 19/11 vừa qua.
Tại buổi tọa đàm, Ủy viên dự khuyết trung ương khóa XIX kiêm Hiệu phó trường đảng trung ương ĐCSTQ Tạ Xuân Đào đã tập trung phân tích về chủ đề “Thể chế và hệ thống quản lý quốc gia Trung Quốc”, đồng thời, ông cũng tiến hành thảo luận các khía cạnh liên quan với các phóng viên trong và ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ Ming Pao (Hồng Kông) cho biết, trong quá trình trao đổi, Hiệu phó trường đảng ĐCSTQ Tạ Xuân Đào tiết lộ, đã có nhiều tranh luận trái chiều dấy lên sau khi bản Hiến pháp sửa đổi vào năm ngoái đã xóa bỏ chế độ nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước.
Tuy nhiên, ông này khẳng định, có một số lo lắng là “không cần thiết, thậm chí là thừa thãi”.
Ông Tạ cũng chỉ ra rằng giới hạn về hai nhiệm kỳ đối với nhà lãnh đạo – theo thể chế của Trung Quốc trước đây – không phải là một thông lệ quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết định nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo quốc gia dựa trên nhu cầu của chính quốc gia họ.
“Trung Quốc bãi bỏ nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước, tôi hoàn toàn không lo lắng về vấn đề kế nhiệm lãnh đạo – được tiến hành chắc chắn và có trật tự”, ông Tạ Xuân Đào nói, “Bởi trước đó, ĐCSTQ đã giải quyết vấn đề này một cách tuần tự”.
Hiệu phó trường đảng Trung Quốc cho biết, ĐCSTQ đã hình thành một hệ thống tương đối tốt trong việc chọn người dùng người, đồng thời tính dân chủ trong đảng cũng có thể được phản ánh rất tích cực. Ví dụ, ông Tập Cận Bình đã dành 40 năm để từ Bí thư chi bộ thôn trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ với 16 lần thuyên chuyển chức vụ.
Ngoài ra, ông Tạ đưa ra dẫn chứng về ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa XIX cho biết, Ban Tổ chức Trung ương sẽ kiểm tra tư cách ứng cử viên dựa trên nhiều phương diện, bao gồm thu nhập, nhà ở và việc làm của các thành viên gia đình. Bất kỳ khâu nào xuất hiện vấn đề thì những trường hợp này đều mất tư cách bầu vào Ủy ban Trung ương. Học giả Trung Quốc cũng trích dẫn một báo cáo từ Tân Hoa Xã chia sẻ, trước Đại hội khóa XIX, hơn 150 ứng viên đã không đạt yêu cầu vào ủy ban trung ương. “Tôi đã bị sốc khi biết con số này, một số trường hợp có khả năng có vấn đề, một số trường hợp không nhất định có vấn đề nhưng có thể bị loại khi so sánh với những trường hợp khác có ưu tú hơn”, ông này nói.
Đáng chú ý là, theo Ming Pao, nội dung thảo luận liên quan đến vấn đề người kế nhiệm không được các phương tiện truyền thông Đại lục nhắc tới trong các bản tin về buổi tọa đàm ngày 19/11.
Trong bản tin ngày 20/11, hãng thông tấn xã Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn phát biểu ngày 19/11 của ông Tạ Xuân Đào cho biết: “Lý do Trung Quốc đạt được một loạt thành tựu lớn ngày nay có liên quan mật thiết đến thể chế quốc gia và hệ thống quản lý quốc gia. Một hệ thống có tốt hay không phụ thuộc vào hiệu quả thực tế của nó. Thực tiễn trong 70 năm kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập đã chứng minh rằng thể chế quốc gia và hệ thống quản lý quốc gia hiện tại của Trung Quốc có những ưu thế rõ rệt”.
Thủy Thu/Soha News