+
Aa
-
like
comment

Hiểu như thế nào về việc tranh luận trên nghị trường quốc hội?

Komi - 16/11/2020 18:53

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, chưa kể các kỳ họp bất thường khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Hoạt động này tưởng chừng đã quá đỗi bình thường, quen thuộc, nhưng, khi nó được truyền tải trên mạng xã hội thì đã bị biến tướng theo nhiều lối suy nghĩ tiêu cực.

Lướt trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để chúng ta thấy được những video chia sẻ ý kiến của các vị đại biểu quốc hội tại nghị trường. Trong đó, không ít những video nhận được hàng triệu lượt thích, bình luận, chia sẻ như màn phát biểu và chất vấn, tranh luận với 3 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường về diện tích rừng, xử lý pin năng lượng mặt trời, thủy điện… của nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai); màn chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) về việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng (ông Lê Vinh Danh) có đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Giáo dục đại học hay không;…

Thực tế, những vấn đề nêu trên đều là những trăn trở, băn khoăn của người dân nên dễ dàng nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Vấn đề là trong quá trình tiếp cận thông tin này, nếu sự việc được định hướng một chiều thì rất dễ tạo ra lệch lạc tư duy. Có thể kể đến một số kiểu dẫn dắt thông tin phiến diện, thiếu khách quan như sau:

Thứ nhất, ca ngợi cá nhân những đại biểu quốc hội dám chất vấn các Bộ trưởng, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, đồng thời hạ thấp uy tín, thậm chí sỉ nhục, bôi nhọ các bộ, ngành, các lãnh đạo có liên quan. Họ mặc nhiên coi hành động chất vấn, tranh luận của các đại biểu quốc hội như một sự “buộc tội, kết án”.

Thứ hai, cắt, ghép những câu trả lời của lãnh đạo các bộ ngành để thay đổi hoàn toàn nội dung, ý muốn diễn đạt nhằm đưa thông tin sai lệch, khiến dư luận hiểu sai, hiểu chưa đúng mà công kích lãnh đạo các bộ, ngành, phủ nhận tất cả kết quả đạt được của các bộ, ngành này.

Thứ ba, phủ nhận vai trò của các vị đại biểu quốc hội chưa trực tiếp đứng lên nêu ý kiến tranh luận trong các phiên họp. Họ vội vàng kết luận rằng cả nghị trường hàng trăm vị đại biểu thì chỉ có vài người là dám dũng cảm nói lên tiếng nói của người dân, những người khác có chỉ để đủ đội hình,…

Thứ tư, xuyên tạc về sự điều hành nghị trường của Chủ tịch quốc hội, cho rằng ngắt tranh luận khi các đại biểu nói quá thời gian là để “dập tắt ý kiến trái chiều”.

Thật đáng buồn, những kiểu dẫn dắt thông tin phiến diện này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của cộng đồng. Thế nên, đằng sau những video được chia sẻ trên mạng xã hội với hàng triệu lượt thích kia là toàn những lời chửi, lời chê,…

Từ bao giờ mà người ta xem họp quốc hội như một phiên tòa kết án và luận tội? Người ta quên rằng chất vấn, tranh luận tại nghị trường quốc hội là để hướng tới tìm giải pháp tối ưu cho các vấn đề quản lý nhà nước. Mục đích của chất vấn hoàn toàn không phải để nâng người này lên và hạ thấp người kia xuống hay để người này kết tội người khác.

Từ bao giờ mà người ta có thể đánh giá hiệu quả làm việc của cả tập thể một bộ, ngành chỉ qua vài ba câu trả lời của người đại diện các bộ, ngành khi đứng trước nghị trường? Ấy còn chưa kể là những câu trả lời này rất có thể còn bị cắt xén nên không diễn đạt đúng ngữ nghĩa.

Từ bao giờ mà người ta có quyền phán xét đại biểu quốc hội nào có mặt chỉ để “cho đẹp đội hình”, “diễn tròn vai”. Đừng vội quên rằng, ngoài việc chấp vấn trực tiếp trên nghị trường quốc hội, vào bất cứ thời điểm nào, đại biểu quốc hội đều có quyền gửi văn bản, thậm chí là trực tiếp gặp mặt để chất vấn lãnh đạo các bộ ngành khi phát sinh vấn đề trong công tác quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng người dân.

Từ bao giờ mà người ta lại dễ dàng xuyên tạc việc điều hành, tổ chức kỳ họp quốc hội theo thời gian định sẵn là việc “bịt miệng”, ngăn chặn tranh luận diễn ra? Chắc hẳn, người ta quên rằng tổ chức nào hoạt động cũng phải theo quy định, nội quy, có người điều hành thì mới đạt được hiệu quả.

Xin được trích dẫn một câu tại khoản 2, Điều 3, Luật Tổ chức quốc hội như sau: “…Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội…”. Mà hiệu quả của các kỳ họp quốc hội từ đâu mà ra? Xin trả lời chính là từ tranh luận, từ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề.

Vì thế, xin hãy nhìn nhận đúng bản chất vấn đề của các cuộc tranh luận trên nghị trường quốc hội. Đừng coi đây là hành động để đại biểu nào khẳng định mình hơn đại biểu nào, cũng không phải hành động để đại biểu quốc hội buộc tội cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước nào,… Quan trọng nhất, dư luận có hiểu đúng, hiểu trúng ý nghĩa của việc tranh luận, chất vấn, trả lời tại nghị trường quốc hội thì mới có cơ sở để đại biểu tiếp tục lắng nghe, để các bộ ngành tiếp tục thấu hiểu mà từ đó tiếp tục nâng cao chất lượng các kỳ họp quốc hội. Đó cũng chính là cách chúng ta xây dựng, hoàn thiện hơn nữa tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều