Hiểu đúng về quyết định “giải cứu” Vietnam Airlines
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua kế hoạch giải cứu Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện trong các diễn đàn, đặc biệt những kẻ chống phá đã lợi dụng cơ hội này để bịa đặt rằng Quốc hội, nhà nước dùng thuế của dân để “cứu” Vietnam Airlines nhằm gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân.
Sau khi có thông tin Quốc hội thông qua kế hoạch giải cứu Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngay sau đó trên các trang mạng của các đối tượng dân chủ đã đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc, cố ý hướng lái câu chuyện rằng Quốc hội dùng tiền thuế của dân để giải cứu Vietnam Airline. Cụ thể, Việt Tân đã liên tục đăng tải nhiều bài viết với tiêu đề như: “NGƯỜI DÂN CÒNG LƯNG ĐÓNG THUẾ ĐỂ QUỐC HỘI “GIẢI CỨU” VIETNAM AIRLINES”, “dùng 4 ngàn tỷ đồng thuế và tài sản nhân dân cứu Vietnam Airline?”. Với nội dung cố tình xuyên tạc rằng “Việc Quốc Hội sử dụng tiền ngân sách, mà cụ thể là tiền thuế của người dân giải cứu Vietnam Airline đã vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích của dư luận. Bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường, tập đoàn này buộc phải kinh doanh lời ăn, lỗ chịu. Không thể sống dựa vào sự “bao cấp” của nhà nước. Hơn nữa, không nên viện lý do Covid-19 để đổ lỗi cho những thất bại của Vietnam Airline. Với số nợ khổng lồ có sẵn, cách điều hành hoạt động của hãng bay này thiếu hiệu quả và gây ra nợ xấu, hà cớ gì mang nguồn lực quốc gia để cứu tập đoàn yếu kém như vậy.”
Nhưng thực chất, xin nói rõ rằng, đó không phải là nhà nước cho không Vietnam Airline, mà bản chất của kế hoạch này là cho vay có lãi suất cộng kéo dài thời gian trả nợ chứ không phải lấy tiền thuế của dân để cho không Vietnam Airlines. Theo quyết định của Quốc hội là tiền VNA được vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thông qua một tổ chức tín dụng của Nhà nước và đồng ý để VNA phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỉ đồng, giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước là cơ chế bình thường. Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước nên việc Nhà nước cho vay với lãi suất này là bình thường. Quyết định này được đưa ra dựa trên tính chất Nhà nước là chủ sở hữu của VNA, trong khoản cho vay này, VNA vẫn phải trả lãi 4%, cả lãi và nợ gốc đều tính vào phần vốn góp nhà nước.
Đây là cơ chế vừa đảm bảo vai trò là cơ quan quản lý của Chính phủ, hỗ trợ nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo tính thị trường, khi Chính phủ không cho vay trực tiếp, mà chỉ đứng ra bảo lãnh. Hơn nữa, VNA có 86% vốn nhà nước, tài sản là của toàn dân, Chính phủ có trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản có hiệu quả, chứ chẳng phải Nhà nước hưởng lợi rồi móc tiền túi của nhân dân gì cả. Bất kỳ một doanh nghiệp nào gặp khó khăn thì chủ sở hữu cũng phải cứu doanh nghiệp của mình, nó khác với các chính sách hỗ trợ chung cho toàn ngành. Phần tiền vay, lãi suất vay đều tính là phần vốn nhà nước góp vào doanh nghiệp, Chính phủ không bỏ tiền, chỉ ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn. Nếu để VNA phá sản thì Nhà nước sẽ mất nhiều hơn.
Hãy thử làm một phép tính nếu Vietnam Airlines phá sản thì các ngân hàng sẽ thiệt hại bao nhiêu? hệ luỵ rất lớn đối với ngành hàng không Việt Nam là không thể kể hết được? Chưa kể VNA là hãng hàng không quốc gia, ngoài nhiệm vụ chung, hãng còn phải phục vụ an ninh quốc phòng, vai trò Nhà nước giao phó, bay giải cứu, hồi hương người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện những chuyến bay vào tâm dịch, đón công dân Việt về nước. Những lúc đó, sao không ai lên tiếng để đến khi VNA khó khăn lại buông lời cay đắng như vậy!
Trên thế giới có rất nhiều hãng lớn đang đứng trên bờ vực phá sản, điển hình như Thai Airway ở nước bạn đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng 5/2020 (chỉ 5 tháng sau đại dịch Covid-19). Việc Vietnam Airlines duy trì được đến thời điểm này là nỗ lực rất lớn từ hãng và sự hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại (có thông thương mới có phát triển). Và thực tế, trước khi đi đến quyết định giải cứu Vietnam Airlines, Quốc hội đã có nhiều cuộc họp bàn, cân nhắc kỹ càng. Hiện không chỉ Việt Nam mà hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có nhiều cách hỗ trợ không để ngành hàng không đơn độc chống chọi với những tổn thất chưa từng có. Tiêu biểu như hãng hàng không Lufthansa đã nhận được khoản hỗ trợ 9,8 tỷ USD từ Chính phủ Đức, Mỹ cũng phê duyệt gói hỗ trợ 25 tỷ USD cho các hãng hàng không nước này.
Có thể thấy những kẻ chống phá đang cố tính hướng lái dư luận hiểu sai quyết định hỗ trợ của Quốc hội gây nghi kỵ, mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến thiếu thống nhất, đoàn kết dân tộc. Bề ngoài chúng tỏ vẻ đang đứng ra đòi quyền lợi cho nhân dân nhưng thực chất là thực hiện âm mưu chống phá, gây chia rẽ nội bộ giữa nhân dân và chính quyền. Chính vì vậy, trước khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội mỗi người dân cần thật sự tỉnh táo phát hiện và tẩy chay, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin sai lệch không đúng sự thật, nhất là trên không gian mạng.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả