+
Aa
-
like
comment

Hiểu đúng về tinh thần siết tín dụng của Chính phủ

Huy Hoàng - 28/07/2022 14:42

Tại nhiều diễn đàn kinh tế trong nước vừa qua, đã có nhiều chuyên gia phản đối việc siết tín dụng tràn lan với lĩnh vực bất động sản. Bởi việc siết dòng tiền vào thị trường này sẽ gây ra khủng hoảng cho nền kinh tế. Vậy có hay không việc chính phủ sẽ siết tín dụng đối với toàn ngành bất động sản?

Tín dụng cho bất động sản bị siết chặt trong vài năm qua đã tác động mạnh đến thị trường

Thời gian qua, nhiều khu đất bị thổi giá, đến cả đất nông nghiệp, đất rừng đất núi cũng bị phân lô bán nền. Một lượng lớn tiền trong dân thay vì cho vào sản xuất kinh doanh thì lại chảy vào túi một nhóm các nhà đầu cơ lái giá. Tuy nhiên, lỗi không nằm ở bất động sản mà nằm ở dòng tiền. Hay nói đúng hơn là do việc quản lý đã không đủ mạnh để dòng tiền chảy vào sai phân khúc, dẫn tới tác động xấu cho nền kinh tế.

Bất động sản đơn thuần chỉ là một công cụ, còn chuyện đúng sai thế nào phải do cách quản lý của con người. Nên trong bối cảnh mới, khi dòng tiền trở nên khó chịu hơn, thì việc cần làm nhất lúc này là quản lý sao cho để dòng tiền đi thật sự đúng hướng, chảy vào đúng phân khúc để tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế, thay vì là siết tín dụng tràn lan toàn ngành bất động sản.

Cũng chính vì vậy mà tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững vào chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã một lần nữa khẳng định lại rằng, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cho vay trong lĩnh vực bất động sản nhưng phải rà soát với “nghệ thuật mềm dẻo” để vừa kiểm soát được rủi ro vừa cấp vốn sao cho thật có hiệu quả.

Dù người đứng đầu chính phủ khẳng định không siết tín dụng bất hợp lý nhưng cũng không có nghĩa là để dòng tiền muốn đi đâu thì đi. Để có thể nắn dòng tín dụng vào đúng phân khúc như yêu cầu, thì trước tiên Nhà nước sẽ không thể thiếu các biện pháp mạnh tay với thực trạng đầu cơ đất.

Trong đó tiêu biểu sẽ là việc thu hồi đất, áp thuế trần thậm chí là vượt trần với các đối tượng sử dụng nhiều đất, bỏ hoang đất, những người có dấu hiệu đầu cơ đất đai. Việc này là nhằm để các đối tượng đầu cơ đã gom đất trước đây phải nhả đất ra trả lại cho xã hội. Hay như sẽ triển khai nhiều biện pháp kiểm soát gắt gao đối với đầu ra của tín dụng, thẩm định việc sử dụng của đối tượng đi vay có thật sự ích lợi cho sản xuất kinh doanh hay không. Hoặc như tình trạng chậm triển khai dự án do các cá nhân, tổ chức tham gia đầu thầu thực hiện, Nhà nước sẽ có chế tài cụ thể và đồng bộ để xử lý các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng.

Nói chung, chính phủ đang quyết tâm làm sạch thị trường, dọn đường dành đất cho sản xuất kinh doanh, cũng vì thế nên lĩnh vực đầu cơ sẽ là đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất sắp tới đây. Điều này đã được người đứng đầu chính phủ đề cập tới tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những vị trí đất đai đẹp nhất thì phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm. Từ đó, mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, như thế thì phát triển bất động sản mới bền vững.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều