Hiểu đúng về 6 loại vắc xin Covid-19 phổ biến
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành thông tin chính thức về 6 loại vắc xin Covid-19 phổ biến, được tổ chức này cấp phép sử dụng.
Pfizer/BioNTech
Đây là loại vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA (tức đưa phân tử RNA thông tin được tổng hợp vào cơ thể để dạy tế bào cách tạo ra protein, nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch), dành cho người từ 12 tuổi trở lên.
Vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả tới 95% trong việc phòng ngừa SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19); hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa Covid-19 chuyển biến nặng ở người đã chủng ngừa. Liều dùng là 2 mũi, cách nhau 21 – 28 ngày.
Tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin này là ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, đỏ và sưng tại chỗ tiêm. Những triệu chứng trên sẽ tự biến mất sau 1 – 2 ngày nghỉ ngơi. Trường hợp không thuyên giảm trong vòng 3 ngày, hoặc người đã tiêm chủng gặp phải các vấn đề về hô hấp, như ho hay khó thở, cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, vắc xin Pfizer/BioNTech có thể gây ra sốc phản vệ. WHO khuyến nghị các điểm tiêm chủng theo dõi kỹ mọi người trong vòng 15 – 30 phút sau tiêm.
Nhìn chung, Pfizer/BioNTech là loại vắc xin được đánh giá cao về độ an toàn, với rất ít tác dụng phụ nghiêm trọng được ghi nhận. Tuy nhiên, một bất lợi lớn khiến loại vắc xin này gặp khó khăn khi phân phối rộng là quy trình bảo quản đông lạnh phức tạp, với nhiệt độ yêu cầu để giữ được tính ổn định cho vắc xin là khoảng -70 độ C.
Moderna
Đây cũng là một loại vắc xin mRNA, mang nhiều điểm tương đồng với Pfizer/BioNTech, dành cho người từ 18 tuổi trở lên.
Vắc xin Moderna đã được chứng minh khả năng bảo vệ kể từ ngày thứ 14, sau khi tiêm mũi đầu tiên. Hiệu quả phòng ngừa SARS-CoV-2 đầy đủ sau khi hoàn thành liệu trình 2 mũi vắc xin (cách nhau 28 ngày) là khoảng 94,1% đối với người dưới 65 tuổi, khoảng 86,4% đối với những người 65 tuổi trở lên.
Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin Moderna cũng tương đồng với Pfizer/BioNTech.
Loại vắc xin này có thể bảo quản được trong thời gian dài bằng tủ đông tiêu chuẩn (từ 0 đến -18 độ C), giúp việc bảo quản và phân phối dễ dàng hơn.
Oxford/AstraZeneca
Vắc xin Oxford/AstraZeneca được sản xuất theo công nghệ vi rút vector (tức sử dụng loại vi rút an toàn có một số thành phần tương đương mầm bệnh nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch cho cơ thể mà không gây bệnh). Đây là loại vắc xin đang được sử dụng phổ biến tại Anh và nhiều quốc gia bởi chi phí sản xuất thấp và dễ bảo quản (từ 2 – 8 độ C trong ít nhất 6 tháng).
Vắc xin Oxford/AstraZeneca được dùng cho người từ 18 tuổi trở lên. Theo công bố mới nhất hồi tháng 3 năm nay từ nhà sản xuất, sau 15 ngày kể từ khi tiêm đủ 2 liều (cách nhau 4 – 12 tuần), mọi người sẽ tránh được khoảng 76% nguy cơ mắc SARS-CoV-2 có triệu chứng và 100% nguy cơ bệnh chuyển biến nặng. Ngoài ra, vắc xin này cũng được ghi nhận có hiệu quả đến 85% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhiễm Covid-19 ở người trên 65 tuổi.
Tác dụng phụ thường gặp sau tiêm là căng, đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng, bầm tím tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi. Tất cả triệu chứng này sẽ tự biến mất trong vòng 1 – 2 ngày sau đó.
Johnson & Johnson (J&J/Janssen)
Đây cũng là loại vắc xin dành cho người từ 18 tuổi trở lên, được sản xuất theo công nghệ vi rút vector và chỉ tiêm 1 liều duy nhất. J&J bảo quản từ 2 – 8 độ C trong 3 tháng.
Sau 28 ngày kể từ khi chủng ngừa, hiệu quả bảo vệ trước Covid-19 của vắc xin J&J được công bố là khoảng 72%, cùng khả năng chống lại nguy cơ bệnh chuyển biến nặng là 85,4%.
Cũng giống như các loại vắc xin Covid-19 khác, những người tiêm chủng J&J thường cảm thấy mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ớn lạnh, đau chỗ tiêm hoặc đau cơ. Phần lớn triệu chứng này sẽ tự biến mất sau 1 – 2 ngày nghỉ ngơi. Một số ít khác có thể bị tụ máu tĩnh mạch xoang.
Một vài trường hợp cực kỳ hiếm hoi khác có thể gặp phải chứng tụ máu với hội chứng giảm tiểu cầu (hội chứng TTS) sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 7/1.000.000 trường hợp được tiêm chủng và được ghi nhận xảy ra ở phụ nữ từ 18 – 48 tuổi.
Sinopharm và Sinovac Biotech
Đây là 2 loại vắc xin do Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc nghiên cứu sản xuất. Dù đã được WHO cấp phép, tuy nhiên, không như 4 loại kể trên, Sinopharm và Sinovac Biotech vẫn chưa được các quốc gia EU và Mỹ phê chuẩn sử dụng.
Theo thông tin từ WHO, cả 2 loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất đều sử dụng công nghệ vi rút bất hoạt (tức dùng chính vi rút gây bệnh đã được làm yếu để kích hoạt miễn dịch), dành cho người trên 18 tuổi, liệu trình 2 mũi tiêm cách nhau 2 – 4 tuần, bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8 độ C.
Đến nay, những đánh giá về hiệu quả của 2 vắc xin này cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra vẫn còn kém đồng nhất. Theo WHO, sau 14 ngày kể từ khi hoàn thành 2 mũi tiêm Sinopharm, hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ mắc SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%, tương tự với Sinovac Biotech là 51% cùng 100% khả năng chống lại nguy cơ mắc Covid-19 nặng.
Tuy nhiên, hồi tháng 4, tờ AP dẫn phát biểu của Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) Cao Phúc thừa nhận với truyền thông quốc tế rằng vắc xin Covid-19 do nước này tự sản xuất có khả năng bảo vệ không cao. Họ đang cân nhắc kết hợp các mẫu vắc xin hiện hành khác để tăng hiệu quả.
Mới đây, tờ Bangkok Post (Thái Lan) thông tin rằng giới chức y tế nước này đã ngầm thừa nhận vắc xin Covid-19 của Trung Quốc không hiệu quả, sau khi một biên bản họp bất ngờ bị lộ ra ngoài.
Trâm Anh