Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không “kêu cứu” lên Thủ tướng
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không từng bước khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.
Văn bản do Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề ký gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Mặc dù các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như: Cắt giảm tổng chi phí từ 50-70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt máy bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé…
Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Tổ chức dân dụng quốc tế cũng mới đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm; cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV. Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% (ít nhất là 50%) thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hãng hàng không đã liên tục công bố kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái (24.363 tỷ đồng).
Bamboo Airways hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trước đó Bamboo Airways cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng trong quý I/2020.
Với Vietjet, trong quý II/2020, nếu tính riêng công ty mẹ Vietjet với mảng kinh doanh vận chuyển hành khách và phụ trợ vận tải hàng không, hãng ghi nhận 1.970 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm thấp hơn khiến hãng mẹ lỗ gộp 1.926 tỷ đồng(cùng kỳ vẫn lãi trên 1.102 tỷ). Dù doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 8 lần cùng kỳ (đạt gần 1.200 tỷ) nhưng khoản lỗ gộp cùng với hàng trăm tỷ chi phí phát sinh đã khiến hãng bay mẹ Vietjet lỗ trước thuế 1.165 tỷ đồng.
Bộ GTVT nói gì về kiến nghị mở lại đường bay quốc tế?
Xung quanh kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được dịch COVID-19 của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại cộng đồng, Bộ đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị cho mở từ 1-8-2020.
Do dịch COVID-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp nên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện lại phương án này và xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… Hiện, Bộ GTVT đang đôn đốc Cục Hàng không Việt Nam trình phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam để xin ý kiến các bộ, ngành: Hiện Bộ GTVT không dừng các chuyến bay thường lệ quốc tế mà chỉ chưa cho chở khách nhập cảnh vào Việt Nam do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam hạn chế; đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách ly của các vùng dịch.
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa. Một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm COVID-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành Y tế trong nước.(Đặng Nhật)
Nhật Uyên