+
Aa
-
like
comment

Hiệp định EVFTA: Mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản sang châu Âu

16/06/2020 20:56

Hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Với hiệp định này, nông nghiệp được kỳ vọng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi có thể mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam tiếp tục bước vào giai đoạn hội nhập mới, toàn diện và sâu sắc hơn với sự tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Đặc biệt, trong bối cảnh hậu Covid-19, đây cũng là cơ hội lớn cho ngành Nông nghiệp Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh tăng trưởng. EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường 18.000 tỷ USD.

Hiệp định EVFTA có nhiều lợi thế cho sản phẩm thủy sản, trong đó có tôm thẻ chân trắng. Ảnh: NNK

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) nhấn mạnh, tham gia EVFTA các mặt hàng nông sản chiến lược và có lợi thế mở rộng thị trường XK nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Đồng thời, các doanh nghiệp (DN) sẽ nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới….

Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), một số sản phẩm nông sản chủ lực được hưởng ưu đãi về thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực sẽ có lợi thế khi XK sang thị trường EU như: sản phẩm trồng trọt, rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%; 85,6% dòng thuế áp cho rau quả chế biến cũng về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tỷ lệ này ở cà phê, hạt tiêu là 93% dòng thuế về 0% và ngành điều hưởng thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực…

Bên cạnh đó, thủy sản cũng là mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế khi EVFTA được thực thi. Chỉ tính riêng mặt hàng tôm, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, tôm sú được giảm từ mức thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký hiệp định thương mại tự do (FTA) – bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018; tuy nhiên, hiệp định EVFTA có hiệu lực có thể tạo kỳ vọng cho tăng XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

Không chỉ sản phẩm XK được hưởng nhiều ưu đãi, đối với thị trường trong nước, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn từ những nước tiên tiến như thịt, sữa…, đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới và thủy sản mà Việt Nam không có.

Cho rằng hội nhập và sẽ tạo nhiều cơ hội cho DN lĩnh vực nông nghiệp, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) nhấn mạnh: “Với sự cạnh tranh của giá cả hiện nay, vấn đề DN đầu tư chế biến sâu nông sản vô cùng quan trọng, nhất là hiệp định EVFTA này giúp các mặt hàng nông sản giảm được thuế rất lớn. Riêng đối với cà phê, việc giảm thuế về 0% sẽ mang lại nhiều lợi thế. Hiện nay, DN nhiều nước đã đầu tư vào ngành hàng này tại Việt Nam”.

Phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, những hiệp định thế hệ mới này cũng có những ảnh hưởng không nhỏ tới ngành Nông nghiệp Việt Nam thông qua các cam kết khác nhau về thuế quan, vệ sinh an toàn thực phầm, quy định đầu tư, lao động.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, không nên xem ưu đãi về thuế quan là màu hồng vì đó chỉ là nhưng thuận lợi trước mắt. Chúng ta cần tìm cách vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trước tiên, đó là các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP, hay năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với EU, nơi có khoảng cách địa lý lớn với Việt Nam. Đồng thời, các DN sẽ phải phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, bảo quản dài ngày, kể cả trái cây lẫn thủy sản để có thể chinh phục được thị trường này.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho hay, hiệp định EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ, thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp… EU cũng là một trong những thị trường có truyền thống sử dụng các công cụ này. Vì vậy, cộng đồng DN gỗ Việt Nam cần tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, đặc biệt có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.

Ở góc độ cơ quan nghiên cứu, TS. Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) đề xuất, cần nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng với điều kiện XK theo ưu đãi của EVFTA cũng như tiêu thụ trong nước. Nông sản Việt cần có cách tổ chức kênh phân phối sao cho hiệu quả để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Thông tin sản phẩm phải minh bạch để người tiêu dùng trong nước tin tưởng sản phẩm trong nước hơn sản phẩm nhập khẩu. Do đó, các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các hiệp hội, ngành hàng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà XK, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và DN.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, theo ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao. Thứ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh có sản phẩm cấp quốc gia cần khẩn trương rà soát, xác định rõ quy hoạch ổn định lâu dài các vùng, tiểu vùng và địa bàn sản xuất sản phẩm hàng hóa tập trung đảm bảo đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam và đáp ứng đúng yêu cầu, quy định của thị trường nước ngoài đối với sản phẩm đã, đang và sẽ XK. Trên cơ đó, thực hiện cấp mã vùng sản xuất, các số liệu cơ bản để đưa vào thông tin truy xuất nguồn gốc… “Giải pháp này phải thực hiện ngay và thật tốt để tạo cơ sở cho triển khai các giải pháp tiếp theo” – ông Lê Quốc Doanh nhấn mạnh./.

Khánh Linh/TBTC

Bài mới
Đọc nhiều