Hiện tượng “Tuyết dưa hấu”
Các ngọn núi, con đường tại khu vực ranh giới hai bang Utah và Idaho của Mỹ đang được bao phủ bởi lớp tuyết có màu đỏ hồng như dưa hấu.
Các chuyên gia cho biết tuyết đổi màu xuất hiện tại các khu vực ở độ cao nhất định so với mực nước biển, dưới các điều kiện phù hợp như có nước, ánh sáng Mặt Trời, nhiệt độ và các dưỡng chất, theo Guardian.
Điều kiện môi trường phù hợp sẽ đánh thức loài tảo xanh có tên Chlamydomonas nivalis vốn sinh trưởng mạnh trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Khi loài tảo này trồi lên trên lớp tuyết, chúng tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời và bị tia cực tím chiếu vào, màu sắc của chúng sẽ thay đổi để hấp thụ bức xạ và bảo vệ khỏi các tác động có hại.
“Chúng cần một số loại sắc tố để ngăn ngừa tác nhân gây hại từ tia UV, do đó chúng tạo ra sắc tố thứ cấp để tự vệ”, Scott Hotaling, chuyên gia sinh vật học Đại học Utah, nói.
“Tuyết dưa hấu” và tảo Chlamydomonas nivalis bản thân chúng không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo tuyết thường có lẫn bụi và đất, trong đó có thể chứa các chất độc hại.
Các chuyên gia cho biết việc tảo xanh phát triển mạnh làm tuyết đổi màu sang các màu sắc tối hơn sẽ khiến bề mặt tuyết hấp thụ nhiều ánh sáng hơn, đẩy nhanh tốc độ tan chảy của băng, tuyết.
Hiện tượng “tuyết dưa hấu” có thể khiến tuyến tan nhanh hơn, dấy lên lo ngại về tác động môi trường về thời gian tuyết tan cũng như sự tồn tại của các thềm băng nơi tảo xanh sinh sống.
Bích Vân