+
Aa
-
like
comment

Hiện tượng “lạ” từ kinh tế Việt Nam

Huy Hoàng - 08/07/2023 19:24

Kinh tế Việt Nam đang xuất hiện hiện tượng lạ, khi lãi suất cho vay giảm mà tăng trưởng tín dụng lại không tăng. Điều này khiến nhiều người đặt nghi vấn liệu việc xoay trục chính sách từ “chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” của Chỉnh phủ dạo gần đây có giải quyết được vấn đề? Cũng như tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm có được khởi sắc với quyết định này?

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, Chính phủ và NHNN đã có chủ trương hướng dòng vốn cho vay vào các ngành sản xuất và kinh doanh. Thế nhưng khi bước sang năm 2023, suy thoái toàn cầu trở nên rõ nét hơn, các doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng và bắt đầu sa thải nhân viên, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hộ gia đình, khiến cho sức cầu trong nước cũng chậm và thu hẹp dần.

Nhu cầu trong lẫn ngoài nước suy giảm khiến cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu yếu đi thấy rõ, do đó mà ngành này đã không thể đủ sức hấp thụ nguồn tiền cho vay đang dư thừa tại các ngân hàng.

Tác động theo sau đó còn làm cho thị trường bất động sản trầm lắng khi người mua nhà không thể đi vay do thu nhập đang bị ảnh hưởng. Hệ quả là lĩnh vực xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, … những ngành liên quan với bất động sản cũng lao đao theo.

Theo ước tính của GSO, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,9% yoy. Tuy nhiên tốc độ tăng đang thu hẹp dần. Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong Quý 2 chỉ tăng nhẹ 1.6% so với Quý 1. Sức cầu trong nước yếu dần và tình hình này có thể tiếp tục kéo dài trong những tháng còn lại của năm nếu không có biện pháp cải thiện.

Như vậy, cả hai trụ cột kinh tế chính đều gặp khó khăn. Thế nên không khó hiểu vì sao khi lãi suất giảm mạnh mà cầu tín dụng vẫn yếu. Và có thể thấy, để vực dậy tăng trưởng thì vấn đề không chỉ nằm ở hạ lãi suất mà phải điều chỉnh chính sách sao cho có thể kích cầu được tiêu dùng trong nước hoặc thu hút nguồn khách quốc tế đến Việt Nam.

Do đó trước mắt đó là phải tháo gỡ vướng mắc, thủ tục và điều kiện cho vay để các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận được nguồn vốn dùng vào việc kích cầu tiêu dùng.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng vay không được. Theo phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, đó là vì hiện nay, có những doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được các điều kiện có thể trả nợ được, mà nguyên tắc ngân hàng cho vay ra thì phải thu được nợ. Ngược lại, có những doanh nghiệp ngân hàng mời chào vay nhưng họ lại không có nhu cầu vay. Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những “khác thường” so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh.

Việt Nam hiện đang là điểm sáng của du khách quốc tế. Ngoài ra cuối năm cũng là mùa cao điểm du lịch. Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để trang trải và tung những chương trình ưu đãi thu hút du khách, song do không thể chứng minh được khả năng trả nợ nên nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay. Điều tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phục vụ tiêu dùng trong nước.

Thế nên cần linh hoạt trong điều kiện cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp qua đó kích cầu nền kinh tế, thay vì chỉ đơn thuần là giảm lãi cho vay tiêu dùng.

Đó cũng là phương hướng mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong cuộc họp thường kỳ 4/7, theo đó chủ trương sẽ là chuyển chính sách tiền tệ từ “chắc chắn” của tháng 10/2022 sang “linh hoạt, nới lỏng hơn”. Không còn “ăn chắc mặc bền” như năm 2022 do những ẩn số từ lạm phát, chính sách tiền tệ, của các nước giờ đã thấy rõ, thay vào đó sẽ là linh hoạt để vực dậy tăng trưởng.

Chính phủ cũng đánh giá việc chuyển hướng chính sách trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Do lạm phát tại nước ta đang giảm dần còn 3,29%, nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát, đã tạo ra điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới, đó là giúp có dư địa nới lỏng chính sách.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều