Hiện tượng bất thường khi mưa đá xuất hiện tại TP.HCM
Mưa đá tại TP.HCM vào chiều 25-4 không phải lần đầu, tuy nhiên với vùng đồng bằng, địa hình không có đồi núi như Nam Bộ lại xảy ra mưa đá là bất thường. Nguyên nhân được chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định do mùa khô năm nay kéo dài.
Chiều tối 25-4, tại khu vực phía bắc TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai xuất hiện hiện tượng mưa đá. Kích thước hạt mưa đá khoảng 0,5cm, mưa kéo dài trong vài phút. Tuy mưa đá chưa gây thiệt hại nhưng cũng khiến người dân lo lắng.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan – nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa đá tại TP.HCM không phải xảy ra lần đầu. Trong một số năm mùa khô kéo dài cũng từng xảy ra hiện tượng trên.
Mưa đá xảy ra tại vùng đồng bằng là khá bất thường, kích thước hạt mưa đá từng ghi nhận khoảng 0,5-1cm.
“Trong tháng 3 cũng xảy ra nắng nóng, nhưng không oi bức bằng tháng 4. Nguyên nhân do sau ngày Xuân phân (21-3), mặt trời dịch chuyển từ Nam bán cầu lên Bắc bán cầu, TP.HCM nói chung và Nam Bộ nói riêng nằm gần xích đạo nên thời tiết sẽ nóng, oi bức hơn.
Khi thời tiết nóng hơn, hơi nước bốc lên nhiều hơn và bị đẩy lên cao và hình thành mây đối lưu. Càng lên cao càng lạnh, nên các hạt hơi nước bị đóng băng. Nhiều hạt như vậy bám vào nhau và rơi xuống tạo thành mưa đá”, bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, hiện tại lượng ẩm vẫn đang tăng nên trong thời gian tới vẫn có khả năng xảy ra mưa đá ở một vài nơi trong giai đoạn chuyển mùa này. Ngoài ra thời tiết còn xuất hiện một số hình thái thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, dông sét, vòi rồng.
Mưa trái mùa
Ông Lê Đình Quyết – Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hiện nay không khí lạnh ở phía bắc đang tràn xuống, tạo ra những nhiễu động sinh ra mưa.
Ông Quyết cho biết vào những ngày này rất dễ sinh ra mưa đá. Do mây phát triển trên nền nhiệt độ cao đã tạo đối lưu rất mạnh, dẫn tới xáo trộn không khí lớn, đưa hạt liên kết lên tầng cao gọi là mực băng tạo thành mưa đá.
“Hiện nay đang chuyển mùa, sự xáo trộn không khí gây mất ổn định rất dễ sinh ra mưa dông, mưa đá. Dự báo trong vài ngày tới, hình thái thời tiết này sẽ tiếp tục lặp lại”- ông Quyết nhìn nhận.
Trong đầu tháng 5, khu vực Ấn Độ Dương có khả năng xuất hiện cơn bão sớm, kích thích gió Tây Nam hoạt động. Trên khu vực Thái Bình Dương gần Philippines cũng có một vài xoáy sẽ mạnh lên thành áp thấp. Các yếu tố này tạo thành dải thấp vắt ngang qua nước ta, trong đầu tháng 5 mùa mưa sẽ bắt đầu.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió nên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa, mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to.
Tại khu vực đồng bằng và đông bắc Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và dông, riêng các tỉnh Trung Trung Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Mưa lớn sẽ còn kéo dài trong 1-2 ngày tới với tổng lượng mưa dự báo phổ biến 10-30mm/đợt, có nơi trên 30mm/đợt. Cơ quan chức năng cảnh báo trong mưa người dân cần đề phòng lốc xoáy, mưa đá gây nguy hiểm cho tính mạng và tàn phá hoa màu.
Ngoài ra, mưa kéo dài nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ tại các tỉnh có thể xảy ra bất ngờ.
Thành Nhân