Hiện thực hóa lời hứa của Thủ tướng với 20 triệu người dân miền Tây
Dự kiến, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ chính thức được khởi công vào những ngày đầu tiên của năm mới 2021. Như vậy, “mảnh ghép cuối” của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ sắp thành hiện thực theo lời hứa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện bằng được “nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm hàng đầu của vùng mà nhân dân rất chờ mong”.
Bộ GTVT cho biết, ngày 4/1/2021, Bộ GTVT sẽ tổ chức Lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Cùng với dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã được khởi công hồi tháng 8/2020 kết nối 2 cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, toàn tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào năm 2023 sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các tuyến chính đã và đang xây dựng tại miền Tây Nam bộ.
Cấp bách và đồng bộ
4 năm trước, ngày 21/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại văn bản số 463/TTg-KTN. Nhưng phải đến ngày 28/8/2017, Bộ GTVT phê duyệt dự án, và ngày 3/4/2018, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển.
Do tác động của đại dịch COVID – 19, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội đất nước, tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã đồng ý chuyển đồi hình thức đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công.
Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ theo hình thức đầu tư công và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020.
Trong khoảng thời gian ngắn từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến nay (khoảng 6 tháng), dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng công ty Cửu Long đã hoàn thành một khối lượng rất lớn từ công tác phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu, phối hợp với địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đặc biệt tổ chức lễ khởi công dự án.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận: “Mục tiêu của tuyến này là giải quyết vấn đề phát triển cho miền Tây, tức là còn phía dưới Cần Thơ, chứ không phải đến Mỹ Thuận là ngưng lại. Nguyên lý hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ, thì tính cấp bách của vấn đề sẽ trở thành một tắc nghẽn rất lớn cho phát triển”.
Hoàn thiện mảnh ghép cuối
Trước tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, vấn nạn hạn mặn ở vùng Tây Nam Bộ đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong vùng… thì như PGS.TS Trần Đình Thiên đã nêu, tính đồng bộ và cấp bách ở đây là cần sớm có giải pháp cụ thể, tối ưu để thông tuyến đường cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ nhằm vực dậy, khai thông nhanh để phát triển tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đứng giữa công trường dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tháng 9 năm ngoái trực tiếp giao vốn tận tay công trình, giải quyết 100% các đề nghị liên quan đến dự án và tháng 3 năm nay, tiếp tục đến tận nơi thị sát, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát “phải làm cho được cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để giữ lời hứa với 20 triệu người dân miền Tây, một lời hứa đã cam kết từ nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được”.
“Chỉ có tinh thần quyết tâm làm thì mới hoàn thành tuyến cao tốc này tới Cần Thơ đồng bộ với tuyến TPHCM – Trung Lương, từ đó thông toàn tuyến TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ”. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra công trình dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào sáng 8/3/2020 tại Tiền Giang. Những lời này thể hiện sự trăn trở của Người đứng đầu Chính phủ, vừa động viên, vừa khẳng định tinh thần quyết tâm phải thực hiện tuyến cao tốc trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long.
Lần thứ 3 (kể từ khi Dự án được tái khởi động vào tháng 3/2019) trực tiếp thị sát tiến độ Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ngày 31/7/2020, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Đây là tuyến đường rất ý nghĩa đối với nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải tiếp tục triển khai dự án cầu Mỹ Thuận sớm nhất vì đã có nguồn vốn. Tuyến Mỹ Thuận đến Cần Thơ phải được xử lý khẩn trương trong thời gian tới. Đồng thời, nghiên cứu tuyến Cần Thơ- Cà Mau đưa vào kế hoạch 2021-2025 để hoàn thiện 365 km từ TPHCM đi Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ-Cà Mau. Các đơn vị, các nhà khoa học phải nghiên cứu để có chất lượng đường tốt trên nền đất yếu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể liên tục có những cuộc kiểm tra, thị sát và họp kiểm điểm tiến độ đối với dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ. Bộ trưởng yêu cầu “tranh thủ từng ngày, từng giờ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để khởi công dự án”.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là một đoạn trong tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, nối dài từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.814 km.
Đoạn cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ dài khoảng 123 km đến nay đã hoàn thành đoạn từ TPHCM đến Trung Lương (TPHCM, Long An, Tiền Giang) dài 40 km (đã đưa vào sử dụng năm 2010). Đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài khoảng 54 km dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài khoảng 6,6 km dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Như vậy, đến năm 2023 tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn từ TPHCM về Cần Thơ sẽ hoàn thành kết nối dài khoảng hơn 120 km.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có chiều dài là 22,97km, trong đó có 10,44km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, còn lại là trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Điểm đầu của dự án nằm tại phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối của dự án tại nút giao cầu Chà Và, kết nối QL1), thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Dự án có tổng mức đầu tư 4.826,23 tỉ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao làm đơn vị quản lý dự án.
Đến nay các địa phương đã bàn giao được 17,8 trên tổng số 22,97km, giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng đạt 96,68%.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được thiết kế với vận tốc 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc 80 km/h.
Dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ dự án giai đoạn 1 trong năm 2023.
Phan Trang/VGP