+
Aa
-
like
comment

Hiến tạng và lời lẽ cay độc của người còn sống

09/12/2019 11:09

Nửa đêm một ngày cuối tháng 11-2019, điện thoại của ông Lê Minh Hiển – phó đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – bất ngờ nhận được tin nhắn từ số máy lạ…

Giải oan cho gia đình hiến tạng - Ảnh 1.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (phải) – trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy – đến tận gia đình vợ chồng ông Tâm để tìm hiểu, giải oan – Ảnh: HOÀNG LỘC

“Dạ chú. Một năm rồi kể từ khi anh của con hiến tạng, mọi người xung quanh lời ra tiếng vào, miệng đời khổ quá chú ạ. Chú giúp cho gia đình, cũng như giúp cho anh của con được yên giấc”.

Lặng người đi trong giây lát, ông Hiển kịp nhận ra đó là những dòng tin nhắn khẩn cầu tha thiết từ Hà Minh Sáng, em trai của Hà Minh Nhật (37 tuổi, ngụ khu phố 12, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), người tròn một năm trước được gia đình hiến tạng sau khi qua đời bởi tai nạn giao thông.

Dù vết thương lòng khó có thể lành, nhưng ít nhất những gia đình bị hàm oan bán tạng được trả lại công bằng, phần nào an ủi, củng cố niềm tin về một việc làm nhân đạo.

Ông Lê Minh Hiển (phó đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy)

Quyết định hiến tạng

Sinh ra ở đất võ Bình Định, từ năm 1987 vợ chồng ông Hà Minh Tâm (cha mẹ của Nhật) dắt díu nhau lên vùng đất Đắk Lắk lập nghiệp, tìm kế sinh nhai. Hà Minh Nhật, người qua đời một năm trước, chính là con trai cả của vợ chồng ông Tâm.

Công việc nương rẫy không thể mang lại một cuộc sống đủ đầy nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nhật khăn gói lên Sài Gòn xin làm bảo vệ, sau đó xin đi học lái máy ủi và rồi may mắn được nhận vào một công ty xây dựng cầu đường làm việc tại Long An.

Tai họa ập đến với Nhật vào một buổi tối tháng 12-2018. Hôm ấy, khi đang chạy xe máy trên đường về phòng trọ sau giờ làm, Nhật bất ngờ bị tai nạn giao thông.

Anh được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, rồi do chấn thương sọ não quá nặng nên được tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Khi nhập viện, các bác sĩ đã tiên lượng Nhật khó qua khỏi.

Trong những ngày này, gia đình ông Tâm được một người thân (làm việc trong Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ về nghĩa cử hiến mô tạng cứu người. “Đó cũng chính là mong muốn của tôi và gia đình” – cố kìm nén nỗi đau mất con, ông Tâm nói.

“Nhật còn trẻ quá, chưa có vợ con gì cả. Tôi không muốn con mình mất đi một cách vô nghĩa như thế. Tôi muốn dù mất đi nhưng con tôi vẫn để lại một phần máu thịt ở trần gian nên quyết định hiến tạng. Mong muốn này của tôi được vợ và các con ủng hộ tuyệt đối” – ông Tâm chia sẻ.

Phải trải qua một quá trình tìm hiểu, cuối cùng ước nguyện hiến tạng con của gia đình ông Tâm được đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy chấp nhận. “Bệnh nhân đã hiến một lá gan, phổi, hai quả thận và hai giác mạc.

Ngoài giác mạc bị chấn thương không sử dụng được, phổi chưa có người nhận, tất cả các tạng còn lại đều được chúng tôi điều phối ghép thành công, mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân khác. Đến nay, những người được ghép đều đáp ứng rất tốt, tất cả đều khỏe mạnh” – bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy, nói.

Nỗi đau người ở lại

Hà Minh Sáng kể từ khi người anh của mình qua đời, gia đình như lâm vào một “bi kịch” bởi lời xầm xì ác ý từ hàng xóm, thậm chí có cả một số người trong dòng tộc cho rằng họ bán tạng con. “Đau lắm nhưng tôi cố nén trong lòng. Nhưng càng nén càng không thể chịu nổi, mệt mỏi lắm” – Sáng tâm sự. Đó chính là lý do anh quyết định nhắn tin cho ông Hiển để nhờ sự can thiệp từ bệnh viện.

Câu chuyện về những dòng tin nhắn khẩn cầu tha thiết của Sáng nhanh chóng được báo cho bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu. Và bà Thu quyết định tạm gác lại tất cả công việc bề bộn để lên đường trước ngày giỗ đầu của Nhật. “Từ khi nhận được những dòng tin nhắn này tôi trăn trở vô cùng. Chúng tôi phải có trách nhiệm giải oan cho gia đình và người đã khuất” – bác sĩ Thu tâm sự.

Từ nỗi day dứt ấy, rạng sáng 2-12, sau gần chín giờ ngồi xe vượt qua chặng đường dài 450km, bác sĩ Thu cùng một đồng nghiệp trong đơn vị điều phối có mặt tại nhà ông Tâm. Đây là lần thứ 2 bác sĩ Thu ghé kể từ khi gia đình ông Tâm hiến tạng con.

Ít ai có thể ngờ rằng cả gia đình ông đang phải sống trong một căn nhà xập xệ, có thể sập bất cứ lúc nào, nằm lọt thỏm dưới một thung lũng.

Trên bàn thờ của Nhật, ngoài di ảnh còn có chứng minh nhân dân, tấm thẻ hạ sĩ quan – binh sĩ dự bị và đặc biệt hơn cả là một kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy tặng. Cho đến lúc này, với Nhật, đây chính là các kỷ vật quý giá nhất mà một đời người ngắn ngủi từng trải qua.

Hành trình giải oan

Ngậm ngùi thắp nén nhang cho Nhật, bác sĩ Thu chỉ biết nắm chặt bàn tay của người mẹ già vừa mất con, lại mang tiếng oan bán tạng. Chỉ nhìn ánh mắt đỏ hoe chực chờ rơi nước mắt của người mẹ, người cha và người em, bác sĩ Thu dường như thấu cảm với nỗi đau ấy.

Và không được phép chần chừ, ngay trong buổi chiều hôm ấy bà cùng với gia đình lặn lội lên UBND thị trấn Ea Knốp tìm gặp chính quyền với mong muốn duy nhất là “giải oan”.

Khi nghe bác sĩ Thu chia sẻ câu chuyện hiến tạng cứu người của gia đình ông Tâm, ông Trần Xuân Ngọc – phó chủ tịch UBND thị trấn Ea Knốp – không khỏi bất ngờ trước nghĩa cử cao đẹp của một người dân nơi mình quản lý. Từ mong muốn của gia đình, ông Ngọc hứa rằng bản thân sẽ trực tiếp tìm hiểu, đến tận địa bàn để giải thích cho bà con hiểu được mục đích ý nghĩa của việc hiến tạng này.

“Đây là trường hợp hiến tạng đầu tiên ở địa phương mà tôi được biết. Tôi hoàn toàn ủng hộ và chân thành gửi lời cảm ơn đến gia đình đã có nghĩa cử hiến tạng cứu người cao đẹp. Đây thực sự là tấm gương không chỉ ở địa phương, mà còn cho cả tỉnh và lan tỏa ra cộng đồng cả nước” – ông Ngọc chia sẻ.

Sau cuộc gặp ấy, ông Tâm bảo gia đình phần nào trút bỏ được tâm lý nặng nề đeo đẳng bấy lâu nay. “Vợ chồng tôi già cả rồi, chỉ mong giải oan sớm để con tôi ra đi được thanh thản” – ông Tâm ngậm ngùi. Và khi bài báo này được đăng tải, người cha gần 70 tuổi ấy lại phải rời quê, một mình rong ruổi tận Long An làm bảo vệ để lo toan cho cuộc sống của gia đình…

Giải oan cho nhiều gia đình hiến tạng

Câu chuyện oan của gia đình ông Tâm cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình hiến tạng đang gặp phải. Và phía sau câu chuyện ấy là cả một hành trình giải oan âm thầm của nhân viên làm công tác điều phối.

Ông Hiển nói ngoài trường hợp của ông Tâm, đơn vị từng hóa giải nhiều câu chuyện tương tự như trường hợp hiến thận ở Đồng Nai; hiến thận ở Củ Chi và hiến tim, gan, giác mạc ở Trà Vinh…

HOÀNG LỘC

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều