Hiến kế gỡ tắc giao thông khu Đông TP.HCM
Theo nhiều chuyên gia, khu vực phía đông TP.HCM cần thêm cầu, mở thêm đường cao tốc để giảm tình trạng kẹt xe đang ngày càng nghiêm trọng.
Cầu, đường tắc nhiều nơi
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết nguyên nhân quá tải về hạ tầng giao thông ở khu Đông TP là do lưu lượng xe ở đây đang tăng mạnh. Theo đó, chỉ cần một sự cố về giao thông tại khu vực này cũng khiến cầu, đường ùn ứ nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, hằng ngày, các tuyến đường như hầm Thủ Thiêm ra Mai Chí Thọ, đường dẫn lên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội luôn trong tình trạng ken đặc người. Nhiều dự án thậm chí đã mãn tải so với dự báo.
Cụ thể, hầm Thủ Thiêm theo quy hoạch có 40.000 lượt ô tô và 10.000 lượt xe máy tham gia lưu thông mỗi ngày. Nhưng thống kê mới nhất của Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, năm 2019, riêng xe máy đã ở mức 320.000 lượt, gấp gần ba lần so với năm 2012 và gấp 32 lần so với dự kiến ban đầu.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng mãn tải tính theo giờ và đang được xem xét mở rộng. Tương tự, đường dẫn vào cảng Cát Lái, trước đây dự báo chỉ có 12.000 xe lưu thông/ngày đêm nhưng giờ đang phải gánh tới 22.000 lượt xe/ngày đêm.
Anh Trần Thanh Giang (tài xế xe container khu vực cảng Cát Lái, quận 2) chia sẻ: “Khu vực này ngày càng kẹt xe nghiêm trọng, cách đây một vài năm thì còn đỡ chứ như hiện nay thì rất khủng khiếp. Nhiều khi đi một đoạn đường chỉ chừng vài kilomet nhưng lại mất cả hơn một tiếng đồng hồ”.
Chị Hà Anh (ngụ quận 2) cho hay: “Tôi ngán ngẩm nhất là đi qua khu vực hầm Thủ Thiêm ra phía đường Mai Chí Thọ, ngày nào cũng đối mặt với “cuộc chiến kẹt xe” khiến giao thông khu vực này trở thành nỗi ám ảnh hằng ngày của chúng tôi”.
Chờ thêm cầu, đường
Ông Trần Quang Lâm cho rằng: “Để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực này thì cần mở rộng nút giao An Phú (Mai Chí Thọ – Lương Định Của). Nhưng để giải quyết hẳn bài toán kẹt xe thì phải khép kín được đường vành đai 2, đồng thời cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phải được mở rộng theo kế hoạch”.
Ngoài ra, theo giám đốc Sở GTVT, đối với khu vực cảng Cát Lái, Sở đang tiếp tục điều tiết và xử lý các tình huống thông qua tổ phản ứng nhanh. Trong đó, lực lượng chủ chốt là CSGT, Thanh tra Sở làm nhiệm vụ điều tiết, phối hợp nên thời gian qua cũng giảm thiểu tình trạng ùn tắc khu vực.
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng ĐH GTVT TP.HCM, cho rằng về đường bộ nên ưu tiên khép kín vành đai 2, 3 và làm cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. “Chúng ta phải xem lại toàn bộ mạng lưới giao thông theo quy hoạch ở khu vực này và cần làm sớm cầu Cát Lái (đang được triển khai), giảm tải cho cao tốc và việc vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái đi Đồng Nai cũng thuận tiện hơn” – ông Hoàng nói.
Ngoài ra, theo ông Hoàng, cần nghiên cứu làm thêm đường sắt vận chuyển hàng từ cảng Cát Lái đi Đồng Nai để giải quyết khối lượng xe container “khổng lồ” vào các tuyến đường khu Đông. Đường sắt vận chuyển hàng từ cảng Cát Lái có thể kết nối với đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu – Cái Mép để phục vụ mục đích chuyên chở hàng hóa.
Về vấn đề này, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học và công nghệ GTVT phía Nam, nêu quan điểm: “Hạ tầng là một bài toán tổng quát, không phải thấy kẹt đâu rồi mở rộng, làm cầu ở đó. Rồi cũng sẽ kẹt tiếp nếu không giải quyết các căn cơ khác như giao thông nội đô, tách giao thông khu công nghiệp, cảng ra khỏi giao thông nội đô, ưu tiên các việc giảm tải như xây khu lưu trú công nhân…”.
Từ góc nhìn khác, TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá: với thực trạng hạ tầng giao thông khu vực này thì câu chuyện tài chính quan trọng không kém gì quy hoạch. “Quy hoạch là chúng ta vẽ ra nhưng để thực hiện nó thì cần tài chính, cần huy động nguồn vốn. Có những dự án có trong quy hoạch nhưng chưa được triển khai vì không có tiền và nếu chỉ dựa vào ngân sách thì không khả thi” – ông Dương Như Hùng khẳng định.
Theo ông Dương Như Hùng, để có tiền làm đường, cầu thì phải nghiên cứu việc lấy nguồn thu từ các doanh nghiệp bất động sản có lợi ích khi cầu, đường làm xong. “Như đường Nguyễn Hữu Cảnh, xa lộ Hà Nội… hàng loạt dự án bất động sản mọc lên, chúng ta phải làm cách nào để lấy lợi ích của các doanh nghiệp này quay lại đầu tư cho hạ tầng giao thông” – ông Hùng phân tích.
Phải giải quyết nút thắt hạ tầng
Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, Bộ GTVT, nêu trong báo cáo chính sách và định hướng phát triển hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ: Để phát huy hết lợi thế của khu vực Nam bộ, trong giai đoạn tới cần tập trung đầu tư các dự án tăng cường khả năng kết nối, giải quyết nút thắt hạ tầng.
Các dự án đó là các cao tốc: Phan Thiết – Dầu Giây, đầu tư xây dựng trước năm 2025; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mở rộng quy mô 10 làn xe trước năm 2025; Long Thành – Bến Lức, đưa vào khai thác năm 2020; Bến Lức – Trung Lương, mở rộng quy mô tám làn xe trước năm 2025… Hoàn thành vành đai 2 trước năm 2023, vành đai 3 trước năm 2025.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)