Luật sư cảnh báo hiểm họa khôn lường từ các “sàn Giao dịch nhị phân”
Thời gian qua, đặc biệt là sau dịp Tết Nhâm dần 2022, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều nội dung mời gọi người dùng tham gia “đầu tư” vào các loại hình mang tên Đầu tư ngoại hối (Forex), “Giao dịch nhị phân” (B.O). Trên thực tế, đây là một hình thức lừa đảo, đánh bạc trá hình tinh vi đã bị các cơ quan chức năng cảnh báo, cũng như triệt phá hàng chục đường dây.
Trao đổi với Cánh Cò, Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú (Viện Nghiên cứu Pháp luật phía Nam), trong khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên Đán, anh đã nhận được rất nhiều ý kiến của người dân về vấn nạn đánh bạc trực tuyến núp bóng “Tài chính 4.0”. Theo đó, hiện nay xuất hiện hàng loạt các trang web kêu gọi “Đầu tư Ngoại hối” (Forex) và “Giao dịch nhị phân” (B.O). Để hiểu rõ bản chất của vấn đề, chúng ta cần có cái nhìn rõ ràng, đúng đắn theo quy định pháp luật về thị trường Ngoại hối Forex cũng như bản chất của B.O.
Forex là gì, liên quan đến B.O như thế nào?
Forex hay Fx là tên gọi của Thị trường Ngoại hối, một thị trường toàn cầu, phi tập trung (OTC) nơi mà nhà giao dịch, nhà đầu tư, các tổ chức trao đổi, đầu cơ, mua và bán các loại tiền tệ trên thế giới.
Về cơ bản, các nhà đầu tư mua một loại tiền tệ bằng một đồng tiền khác, sau đó chờ đợi tăng giá so với lúc mua để bán và thu lợi nhuận. Một thí dụ, giả định 1 USD hiện tương đương 23.000 đồng Việt Nam (VND). Nhà đầu tư dùng 230.000 VND đổi lấy 10 USD sẽ chờ đợi tỉ giá tăng. Sau một thời gian, 1 USD đổi được 24.000 VND, nhà đầu tư bán đi 10 USD và thu lời 10.000 VND từ giao dịch trên.
Hiện nay, một số lượng lớn người Việt Nam lựa chọn Forex như một kênh đầu tư. Điều đáng nói ở chỗ, “ăn theo” thị trường Forex, thời gian gần đây nổi lên một hình thức đánh bạc trá hình được gọi là “Giao dịch nhị phân”, tức B.O (Binary Option).
Cách thức vận hành của nó là một người khi “đầu tư” vào B.O (trade B.O) sẽ dự đoán sự biến động giá trị của một loại tài sản nào đó – thường là sự các loại tiền tệ – trong một khoảng thời gian nhất định. “Nhà đầu tư” sẽ dự đoán sự tăng hoặc giảm của loại tài sản đó mà “đặt lệnh” phù hợp để thu lời. Thực chất, nó tương tự như đánh bạc Tài Xỉu tại Việt Nam.
Luật sư Tú nêu thí dụ minh họa: Giả định tỉ giá VND-USD là 23.000 VND đổi 1 USD. Lúc này, người chơi “đặt cọc” 100 USD và dự đoán tỉ giá “Lên” hoặc “Xuống”. Sau 30 giây, sự chênh lệch tăng trên là 23.010 VND đổi 1 USD. Nếu người đặt chọn “Lên”, tức đã chọn đúng sẽ nhận lại 100 USD tiền cọc và gần 100 USD tiền đoán trúng (một chi phí nhỏ đối với “sàn giao dịch”). Còn nếu đoán sai, họ sẽ mất trắng số tiền 100 USD bỏ ra. Đây rõ ràng là một hình thức đánh bạc Tài Xỉu, bởi trong một khoảng thời gian rất ngắn, ngay cả một chuyên gia tài chính hàng đầu cũng không thể tuyên bố có thể đoán đúng tỉ giá lên hay xuống.
Forex và B.O có hợp pháp ở Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Vũ Tuấn Tú cho biết, theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Thông tư số 21/2004/TT-NHNN hướng dẫn về “Phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28/2016/TT-NHNN ngày 5/10/2016) thì chỉ có tổ chức tín dụng được phép thực hiện kinh doanh ngoại hối. Do vậy, các sàn giao dịch B.O tại Việt Nam không thuộc đối tượng được xem xét cấp phép hoạt động.
Một điều đáng nói nữa là các sàn đặt ở nước ngoài cũng không được phép hoạt động ở Việt Nam vì không tuân theo quy định của Chính phủ theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, các đối tượng cầm đầu hay tuyên bố sàn của chúng là hợp pháp để đánh lừa người chơi. Đa số các “sàn” ở Việt Nam đều tự xưng là nước ngoài nhưng thực chất đều do các băng nhóm tội phạm Việt Nam thành lập và điều hành. Và hiển nhiên, đã là bất hợp pháp thì những kẻ cầm đầu hoàn toàn có thể điều chỉnh lệnh, bơm tiền ảo kích cầu, làm sai lệch kết quả theo ý muốn…
“Rõ ràng, đây là một hành vi đánh bạc và lừa đảo cực kỳ tinh vi”, Luật sư Tú khẳng định.
Hậu quả pháp lý khi “sập sàn”?
“Sập sàn” là thuật ngữ ám chỉ việc “sàn giao dịch” (bất hợp pháp) đó bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và cấm hoạt động trở lại. Đây là điều thường thấy của các sàn B.O (và thậm chí là cả Forex) ở Việt Nam sau một thời gian, không sớm thì muộn. Và “tiền của người chơi sẽ đi về đâu? Có lấy lại được không?” là những câu hỏi mà Luật sư Tú rất thường xuyên gặp phải.
Về phía người chơi, Luật sư khẳng định khả năng thu hồi tài sản hay thu hồi được bao nhiêu tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả điều tra và kết luận của các cơ quan chức năng.
Thứ nhất, việc tham gia các sàn B.O nói trên tuy mang danh “đầu tư” nhưng thực chất là hành vi đánh bạc núp bóng. Các cơ quan chức năng trước nay cũng đã cảnh báo nhiều lần về nguy cơ trên thông qua các phương tiện truyền thông, báo đài. Do đó, nhiều khả năng kể cả người chơi cũng phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội “Đánh bạc” theo Điều 321 Bộ Luật hình sự hiện hành chứ đừng nói đòi lại được tiền.
Tuy nhiên, Luật sư cho biết với chính sách ưu tiên đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Công an vẫn chưa làm gắt việc này. Những người bị mất tiền ở các “sàn B.O” hoàn toàn có thể đệ đơn lên cơ quan chức năng với vai trò người bị hại và nhờ cơ quan chức năng xem xét thu hồi tài sản đã mất. Dù vậy, khả năng cao là số tiền dù thu hồi được cũng sẽ không còn bao nhiêu, bởi khi những kẻ cầm đầu bị bắt thì số tiền thu lợi bất chính hầu như bị thất thoát hết bởi các chi phí như marketing cho “sàn”, trả thưởng đại lý, sự kiện, tẩu tán đi nước ngoài…
Về phía người tổ chức, do thu lợi quá lớn mà những tên cầm đầu thường bất chấp pháp luật để tạo ra các sàn ảo này theo hình thức đa cấp, người trước dụ người sau vào chơi để lấy hoa hồng rất cao, gọi là “làm hệ thống”. Những kẻ cầm đầu luôn tỏ vẻ bề ngoài là những người trẻ tuổi, giàu có, thậm chí thuê cả xe sang, nhà lớn để dụ dỗ “con mồi”. Trên các kênh mạng xã hội, gần đây nổi lên là Tiktok, chúng luôn thể hiện có thể kiếm được vài triệu chỉ trong một lệnh để người xem ham tiền và gia nhập đường dây của chúng mà không hề biết đó là những cái bẫy được đặt ra. Bởi thực chất, kết quả mà chúng phô diễn đều đã bị điều khiển bằng nhiều phương thức như bơm tiền, hay trắng trợn hơn là sửa kết quả. Những thành phần “Chủ tịch”, “công chúa 2k” đó đặc biệt ngông cuồng và thách thức pháp luật mà không hề biết hậu quả khi bị bắt nặng nề khổ người thân ra sao.
Các tội danh trong Bộ luật hình sự thường được sử dụng để xử lý các hành vi nói trên bao gồm:
– Tội tổ chức đánh bạc (Điều 322): Hình phạt cao nhất 10 năm tù giam.
– Tội vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a): Hình phạt cao nhất 5 năm tù giam.
– Tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290): Hình phạt cao nhất 20 năm tù giam.
Đã bao nhiêu sàn bị triệt phá, đánh sập?
Trên thực tế, tại các quốc gia trên thế giới, việc sử dụng B.O để lừa đảo diễn ra cực kỳ nhiều. Và hầu như các tổ chức quản lý tài chính lớn như FCA, IFSC, FINMA, ASIC, CySEC… và chính phủ các nước đều đưa ra cảnh báo, ngăn chặn thậm chí xử lý hình sự các sàn trên. Có tới hàng ngàn “sàn B.O” đã bị triệt phá trên thế giới.
Riêng ở Việt Nam tính tới đầu năm nay đã có hàng chục “sàn B.O” bị đánh sập trên tổng số gần 240 sàn đang có mặt trên thị trường, bắt hàng trăm đối tượng cầm đầu, một số thì tự sập và những kẻ cầm đầu ôm tiền bỏ chạy thì vẫn đang bị truy nã. Có thể kể đến như:
– Busstrade sập ngày 7/5/2021: Gần 11.000 “nhà đầu tư” rơi và hoản cảnh khốn cùng do mất hết tài sản.
– Hitoption với 16 sàn con bị triệt phá ngày 22/06/2021 với gần 7.500 tỷ đồng bị thu giữ và hàng chục ngàn người chơi khó đòi lại được tiền. Bộ Công an tạm giữ hàng trăm đối tượng là người tổ chức, nhân viên, đại lý.
– Wefinex và hệ sinh thái hàng chục sàn với hàng trăm ngàn người chơi “bốc hơi” vào tháng 10/2021. Đây có lẽ là sàn lớn nhất và nhiều người chơi nhất, con số thiệt hại chưa thể ước tính vì quá nhiều người tham gia.
Ngoài ra còn rất nhiều sàn đã bị sập như Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, Ares BO, Binanex, Fxtradingmarket, GardenBO… Các nhóm điều hành như Lion, Evo… với hàng trăm “doanh nhân” tự xưng đều đã bị bắt hoặc truy nã.
Cảnh báo hậu quả khôn lường
Có thể thấy, vấn nạn đánh bạc núp bóng đầu tư ngoại hối đang có biểu hiện biến tướng phức tạp, gây nhức nhối cho toàn xã hội. Không chỉ gây nguy hiểm đến an ninh trật tự, các hoạt động lừa đảo, đánh bạc đã gây ra những thiệt hại nặng nề với các nạn nhân và gia đình. Thế nhưng, mờ mắt bởi đồng tiền và tự huyễn hoặc bản thân là các nhà đầu tư, những “con thiêu thân” vẫn đang nối đuôi nhau làm giàu cho những tên tội phạm, đưa bản thân và gia đình vào cảnh khốn cùng.
Dù các lực lượng chức năng vẫn luôn nỗ lực triệt phá các đường dây đánh bạc B.O, nhưng điều quan trọng nhất vẫn luôn là sự tỉnh táo, cảnh giác của chính mỗi công dân trước cám dỗ và những lời dụ dỗ hoa mỹ từ những kẻ trục lợi bất chấp luật pháp.
Nguyên Khánh
Điều 321 BLHS 2015 về tội “Đánh bạc”:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Điều 332 BLHS 2015 về tội “Tổ chức đánh bạc”:
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.00.000 đồng hoặc bị phạt tù từ từ 01 năm đến 05 năm.
a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần có giá trị 20.000.000 đồng trở lên;
c) Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; phân công người canh gác, người phục vụ, sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 217a BLHS 2015 về tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp”:
1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 290 BLHS 2015 về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”:
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.”