+
Aa
-
like
comment

Hiểm họa tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông

05/10/2019 10:56

Bên cạnh tàu ngầm và các thiết bị lặn không người lái, tàu ngầm không người lái của Trung Quốc là rủi ro đe dọa ổn định trên Biển Đông.

Tàu HSU-001 xuất hiện tại lễ duyệt binh ngày 1.10 vừa qua /// Reuters
Tàu HSU-001 xuất hiện tại lễ duyệt binh ngày 1.10 vừa qua

UUV đa nhiệm

Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc vừa diễn ra ngày 1.10, quân đội nước này đã giới thiệu cả tàu ngầm không người lái (UUV) loại HSU-001 có kích thước khá lớn. Hình ảnh này đã được truyền đi bởi truyền thông quốc tế.

Đến nay, thông tin về HSU-001 vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng theo giới chuyên gia thì loại UUV này với kích thước dài khoảng 5 m, thì khó có thể đủ sức mang theo vũ khí đạn dược. Tuy nhiên, nó lại có thể tích hợp nhiều tính năng về thu thập thông tin, do thám và trinh sát. Đây sẽ là một thách thức lớn cho cả tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm của nhiều nước. Cụ thể hơn, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) nhận xét HSU-001 đặt ra một thách thức cho nhiều nước tại các vùng biển như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Hiện nay, nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển UUV vì ngoài việc thu thập thông tin, loại thiết bị này còn cho phép triển khai tác chiến điện tử nhằm tấn công vô hiệu hóa chiến đấu cơ, thiết bị trên tàu chiến… Chính vì thế, nếu Trung Quốc triển khai UUV đến Biển Đông có thể dẫn đến nhiều rủi ro cực lớn bởi hầu hết vũ khí hiện đại ngày nay đều dựa trên nền tảng kỹ thuật điện tử.

Nhiều bước chuẩn bị

Thời gian qua, giới chuyên gia đã đặt ra nhiều lo ngại quanh việc Bắc Kinh đang thúc đẩy nhiều chương trình để mở đường cho việc tăng cường hoạt động của tàu ngầm ở khu vực Biển Đông. Vào tháng 9 vừa qua, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ.

Khi đó, trả lời PV về diễn biến này, PGS Stephen Robert Nagy (thuộc Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: “UAV có thể giúp Bắc Kinh mở rộng hoạt động sang nhiều khu vực ở Biển Đông để có được các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy…”. Đây là những cơ sở quan trọng để Bắc Kinh triển khai các phương tiện, thiết bị dưới mặt nước để kiểm soát khu vực. Qua đó, Trung Quốc có thể triển khai và đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm.

Trước đó, PGS Nagy cũng đề cập đến nguy cơ Trung Quốc tìm cách khai thác thông tin để tạo điều kiện triển khai tàu ngầm hoạt động trên Biển Đông thông qua kế hoạch khảo sát thăm dò lòng biển chung với Philippines.

Lo ngại tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân

Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Trung Quốc cũng là một thách thức khác xảy đến cho Biển Đông khiến giới chuyên gia quốc tế lo ngại. Mới đây, TS Satoru Nagao (chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đã có bài phân tích cho rằng các nước trong khu vực, điển hình là Nhật Bản, cần sớm có biện pháp ứng phó trước nguy cơ Bắc Kinh triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang vũ khí hạt nhân đến Biển Đông.

Theo chuyên gia này, địa hình Biển Đông đáp ứng điều kiện cho loại tàu ngầm trên hoạt động, triển khai tác chiến. TS Nagao cho rằng Bắc Kinh đã tiến hành bước đầu tiên khi xây dựng hạ tầng trên các thực thể tại vùng biển này đủ để phát triển căn cứ tàu ngầm. Tiếp đó, Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa, oanh tạc cơ, máy bay tiêm kích, tàu chiến hạng nặng… đến Biển Đông. Sau hai giai đoạn này thì Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiến hành bước thứ ba là điều động tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hạt nhân đến đây.

Tất cả nhằm hình thành một mạng lưới hỏa khí tài toàn diện tại Biển Đông. Khi đó, Bắc Kinh có đủ sức răn đe quân sự nhiều tầng mức, mà cao nhất là răn đe hạt nhân để đe dọa các nước khác.

Ngô Minh Trí

Bài mới
Đọc nhiều