+
Aa
-
like
comment

Hết thời xuất thô giá rẻ, Việt Nam phải nhập than, dầu ngày càng nhiều

10/12/2020 07:05

Từ một nước xuất khẩu năng lượng (than, dầu… ), Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu các nguyên liệu này với số lượng ngày càng lớn.

Ảnh minh họa

Nhập khẩu dầu thô để lọc dầu

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy xuất khẩu dầu thô ngày càng giảm, còn nhập khẩu tăng lên nhanh chóng.

Hiện nay, Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong đó: Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm vận hành từ năm 2010 sử dụng nguồn nguyên liệu là dầu thô ngọt nhẹ trong nước từ mỏ Bạch Hổ phối trộn cùng dầu thô có tính chất tương tự nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nigeria,… Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm vận hành từ cuối năm 2018, sử dụng nguồn nguyên liệu là 100% dầu thô nặng nhập khẩu từ Kuwait.

Trên cơ sở đặc thù của các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam nêu trên, Việt Nam là quốc gia vừa xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô. Sản lượng xuất nhập khẩu dầu thô từ năm 2015 đến nay cho thấy việc nhập khẩu dầu thô ngày càng nhiều. Lượng xuất khẩu dầu thô giảm nhanh chóng còn nhập khẩu tăng mạnh.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy: Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 9,18 triệu tấn dầu thô, thì đến năm 2020 dự kiến xuất khẩu giảm gần một nửa. Trong khi đó, lượng dầu thô nhập khẩu của năm 2015 mới chỉ là 0,18 triệu tấn, thì đến năm 2020 dự kiến lên đến 13,33 triệu tấn.

Hết thời xuất thô giá rẻ, Việt Nam phải nhập than, dầu ngày càng nhiều
Nhập khẩu dầu ngày càng nhiều.

Bộ Công Thương nhận định, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam vẫn là quốc gia vừa xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô, trong đó: Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành ổn định với công suất 6,5 triệu tấn/năm sử dụng nguyên liệu phối trộn giữa dầu thô trong nước và dầu thô nhập khẩu và có kế hoạch hoàn thành việc nâng cấp mở rộng nhà máy lên 8 triệu tấn/năm trong giai đoạn này. Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ tiếp tục vận hành ổn định tại công suất 10 triệu tấn/năm sử dụng nguồn dầu thô nhập khẩu từ Kuwait.

Trên cơ sở số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu dầu thô những năm gần đây tại Việt Nam, có thể thấy: sản lượng dầu thô khai thác nội địa đang có xu hướng suy giảm, trong khi các dự án tìm kiếm thăm dò khai thác và phát triển mỏ gặp nhiều khó khăn sẽ khiến sản lượng khai thác dầu thô trong nước suy giảm. Nguồn dầu thô nhập khẩu sẽ có xu hướng tăng để đáp ứng yêu cầu mở rộng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và hoạt động của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Ông Trần Công Tín, Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro, từng chia sẻ: “Hàng năm sản lượng đều đi xuống, Vietsovpetro duy trì bằng việc mở rộng sản xuất ra lô khác nhưng sản lượng không đáng kể. Mỏ Bạch Hổ đã vào giai đoạn suy giảm. Chúng tôi đầu tư thêm nhiều mỏ khác nhưng chủ yếu là các mỏ lân cận lô 09.1 nhờ tận dụng được cơ sở hạ tầng xung quanh đó”.

Nhập khẩu than là tất yếu

Tương tự dầu mỏ, việc khai thác than cũng đối mặt việc suy giảm sản lượng, phải tăng cường nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu trong nước.

Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, để đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là hộ điện, ngoài than sản xuất trong nước, ngành than đã tăng cường nhập khẩu than với khối lượng lớn (hàng chục triệu tấn) để pha trộn hoặc cấp trực tiếp cho các hộ.

Hết thời xuất thô giá rẻ, Việt Nam phải nhập than, dầu ngày càng nhiều
Than sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Giai đoạn 2015-2020, Việt Nam đều xuất khẩu dưới 2 triệu tấn than. Nếu năm 2015 Việt Nam mới nhập 0,8 triệu tấn than thì năm 2020, con số này dự kiến tăng lên 15,2 triệu tấn than. Một điều cần lưu ý, than xuất khẩu là than antraxit có chất lượng cao và xuất khẩu được giá, dùng cho các nhà máy luyện cốc, sản xuất thép. Trong khi đó, than nhập khẩu để sản xuất điện là loại rẻ tiền hơn nhiều.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản lượng than nguyên khai khai thác đạt khoảng 56 triệu tấn vào năm 2025 và 60 triệu tấn vào năm 2030.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, kế hoạch cấp than cho các hộ tiêu thụ được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên nguyên tắc: Ưu tiên cấp tối đa than cho sản xuất điện (bao gồm các chủng loại than cám 4b, cám 5, cám 6, cám 7); than còn lại cân đối cho các hộ khác; riêng luyện kim sử dụng than cốc nên cân đối hết các nguồn than cốc trong nước sản xuất được cho luyện kim, còn thiếu sẽ nhập khẩu.

Tính toán cân đối cung cầu, Bộ Công Thương thấy rằng: Khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành than từ nay đến năm 2030 tăng không nhiều, đạt khoảng từ 42÷50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ ngày càng tăng cao vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện (60-119 triệu tấn/năm).

“Do vậy, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu dự báo ngày càng tăng (khoảng 67 triệu tấn vào năm 2025, khoảng 98 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, nhập khẩu than cho điện chiếm khoảng 60-80%)”, Bộ Công Thương cho biết.

Việc Việt Nam phải tăng cường nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu sẽ giảm khả năng tự chủ về năng lượng của Việt Nam và tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác.

Tại Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ngày 11/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng: Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp phải tính đến bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là khai thác trong nước để đảm bảo phát triển bền vững. Nếu không cẩn trọng, việc nhập khẩu ồ ạt sẽ khiến an ninh năng lượng trở thành vấn đề an ninh quốc gia.

Lương Bằng/VNN

 

Bài mới
Đọc nhiều