+
Aa
-
like
comment

Hết đường cho doanh nghiệp sân sau, lợi ích nhóm

05/07/2019 16:45

Mới đây, ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Trong nội dung Nghị định 59 đã có quy định cảnh cáo, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo.

Người đứng đầu cấp phó của người đúng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

Nghị định 59/2019/NĐ-CP là thông điệp khẳng định mạnh mẽ nói không với “sân sau”, “lợi ích nhóm”

Hiện nay, một trong những điểm mới của Nghị định 59 là đưa ra chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có quy định về quy tắc ứng xử. Bởi như trong Luật, Điều 20 quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn đã quy định rõ những nội dung trên ở khoản 3, nhưng chưa có phương án xử lý.

Trong bối cảnh mà “sân sau”, “lợi ích nhóm” được miêu tả mối quan hệ của một số lãnh đạo quản lý dự án và doanh nghiệp cấu kết với nhau để kiếm lời bất chính ngày một nhiều. Thì Nghị định 59 ra đời, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng là một trong những bước tiến quan trọng.

Lợi ích nhóm, sân sau,… hiện nay được biết đến như một hiện tượng đặc biệt tiêu cực của tham nhũng, là các hành vi lợi dụng chức quyền để xây dựng nên “đế chế” cho nhóm lợi ích, cho gia đình mình của một số quan chức nhà nước.

Nghị định 59 ra đời khi hoạt động doanh nghiệp nhà nước cần phải đạt được những hiệu quả nhất định, khi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Không những 1 sân trước mà 4,5 sân sau. Có ông (DNNN) 14 -15 cái sân sau”. “Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP. Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”.

Thủ tướng cũng nói và nhấn mạnh, phải chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia. Bằng những lời nhắc nhở trên và Nghị định 59 được ký kết ban hành thì đây chính là thông điệp khẳng định mạnh mẽ nói không với “sân sau”, “lợi ích nhóm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhất là khi trong tình trạng hiện nay, việc xử lý người có hành vi “lợi ích nhóm”, “sân sau”, người bao che và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra “lợi ích nhóm”, “sân sau” đã thực hiện thiếu nghiêm túc, tìm cách thoái thác trách nhiệm. Dẫn tới hậu quả là đã làm cho môi trường kinh doanh bị chi phối bởi các mối quan hệ, bởi cách góp vốn bằng chính sách của cán bộ đương chức hoặc về hưu sẽ làm méo mó nền kinh tế.

Nghị định 59 ra đời còn nhận diện các trường hợp về xung đột lợi ích ở doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cả tình trạng sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình.Đồng thời đã đưa ra các biện pháp, trình tự thủ tục để xử lý, ví dụ là giám sát công chức để những xung đột không biến thành hành vi vi phạm pháp luật bằng việc tạm đình chỉ nhiệm vụ của người có liên quan.

Cụ thể, Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, xác định người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu như:

– Sử dụng thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

– Bố trí vợ/chồng, bố, mẹ, con, anh/chị/em ruột giữ chức vụ quản lý nhân sự, kế toán, thủ kho hoặc giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

– Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp quản lý hoặc để vợ/chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề đó;

– Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ/chồng, bố, mẹ, con, anh/chị/em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của những người này tham dự các gói thầu của cơ quan, đơn vị mình khi được giao mua bán, ký kết hợp đồng;

– Có vợ/chồng, bố, mẹ, con, anh/chị/em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;

Doanh nghiệp sân sau, lợi ích nhóm tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tính chất nguy hại nhất của nó là làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc ban hành nghị quyết 59 để ngăn chặn tình trạng này chính là một trong những bước đi đúng đắn, để xóa bỏ lợi ích nhóm, sân sau mà Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XII đó là: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”.

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều