Hết “bài Trung”, “thoát Trung” giờ lại đến “thoát Nga”, rồi thoát ai nữa?
Lợi dụng cuộc chiến Ukraine hiện tại, Việt Tân ra sức truyền bá thông điệp sai lầm rằng để có tương lai cường thịnh thì Việt Nam phải vứt bỏ quan hệ với các nước như Nga, Trung Quốc và “về phe” hoàn toàn của Mỹ và phương Tây.
Việt Tân vừa có bài viết nhằm mục đích so sánh quan hệ Nga – Ukraine và Trung Quốc – Việt Nam. Họ cố gắng vẽ ra hình ảnh Nga và Trung Quốc giống nhau, là những nước lớn và “thích” đi xâm lược, trong khi Việt Nam và Ukraine là những nước nhỏ và “chắc chắn” sẽ bị xâm lược, từ đó kết luận là Việt Nam nhất định phải tránh xa hai nước này. Để luận điệu này thêm phần thuyết phục, họ viện dẫn những lập luận “nhảm nhí” của ông tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu về việc “dứt khoát phải chọn phe” trong cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại để làm “vui lòng truyền thông thế giới”. Việt Tân cho rằng nay đã là “cơ hội” để Việt Nam quay sang chọn phe phương Tây, Mỹ, Nhật…để có tương lai tươi sáng hơn.
Những người biết rõ về Việt Tân tất yếu sẽ tự hỏi vì sao họ đột nhiên “tốt bụng” như vậy. Lâu nay, tổ chức này chuyên dựng chuyện xuyên tạc, chống phá các chính sách của Việt Nam. Họ thậm chí còn là một tổ chức với quan điểm khủng bố, chuyên đào tạo và lên kế hoạch cho các hoạt động phá hoại tại Việt Nam, vậy vì sao họ lại muốn Việt Nam có tương lai tươi sáng hơn? Phải chăng vì bất lực với các kế hoạch chống phá hiện tại nên họ đổi ý muốn đóng góp cho đất nước? Hay thực chất, cái “tương lai tươi sáng” mà họ đang vẽ ra chỉ là “cái bả chuột” mà thôi.
Việt Nam đang ở vị thế một đất nước trung lập, có quan hệ từ đối tác toàn diện đến chiến lược với cả 3 cường quốc Mỹ, Nga, Trung, và mỗi một quốc gia trong số này đều có thể giúp đỡ Việt Nam cũng như cân bằng ảnh hưởng của những nước còn lại. Đây là kết quả của một thời gian dài thực hiện chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng nói ngoại giao và đối ngoại thời bình là phải biết tìm bạn mà chơi, thậm chí chơi được cả với những “kẻ địch” để giữ hòa bình cho mình. Chúng ta luôn tăng cường nội lực của đất nước nhưng “Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn”.
Xung quanh cuộc chiến giữa Nga – Ukraine hiện tại có khá nhiều ý kiến tranh luận, và rất lạ là những quan điểm như của Việt Tân không hề hiếm. Nó đến từ hiểu biết hết sức hạn hẹp của những “chuyên gia cõi mạng”, đơn cử như ông võ sư Đoàn Châu hay ông tiến sỹ làm toán Nguyễn Ngọc Chu. Những người này ra sức xúi giục Việt Nam “chọn phe”, mà không hề biết gì về hậu quả của việc chọn phe. Gruzia trước năm 2008 hay Ukraine trước năm 2014 thì đất nước vẫn bình yên, lãnh thổ toàn vẹn, nhưng chỉ sau quyết định “chọn phe” quyết liệt thì họ bị rơi vào vòng xoáy của những cuộc chiến chưa bao giờ dứt. Hay tương tự là câu chuyện Philippines từng muốn chọn phe theo Mỹ ở biển Đông, dùng mọi biện pháp để đối địch với Trung Quốc. Kết quả là chính sách đó thất bại đến mức Tổng thống mới được bầu sau đó của họ là Rodrigo Duterte nhận ra sai lầm và quay ngoắt 180 độ trong chính sách.
Tương lai của đất nước cần những tiếng nói đóng góp có trách nhiệm, thấu tình, đạt lý, chứ không phải là những phát ngôn và quan điểm hồ đồ. Một nước Mỹ bỏ mặc Ukraine đối mặt với cuộc chiến và không có gì khác ngoài những ủng hộ tinh thần, trong khi trước đó chính họ xúi giục người Ukraine chọn phe. Một nước Mỹ và phương Tây từng ra sức ủng hộ chiêu bài “tự do, dân chủ”, khuyến khích và thậm chí trao giải thưởng cho các đối tượng vi phạm pháp luật của Việt Nam như Phạm Đoan Trang, Cù Huy Hà Vũ…Và một nước Mỹ với kinh nghiệm lâu năm về việc phá tan hoang các quốc gia khác như Lybia, Syria, Afganishtan. Đây có phải là quốc gia mà Việt Nam nên “chọn phe” hay không?
Rõ ràng, chỉ có một “phe” duy nhất nên chọn, đó là lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc, không lạ gì khi cả Việt Tân lẫn những trí thức ngáo ngơ như ông Đoàn Bảo Châu, Nguyễn Ngọc Chu không hề muốn chọn.
An Diễm