Hệ thống ngàn tỉ won của Hàn Quốc “tê liệt” trong thảm kịch Itaewon
Đội cảnh sát đầu tiên đến hiện trường vụ giẫm đạp ở quận Itaewon, thủ đô Seoul – Hàn Quốc khoảng 85 phút sau khi thảm kịch xảy ra.
Trong một cuộc họp giao ban gần đây, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc thừa nhận rằng mạng lưới liên lạc của chính phủ “gặp trục trặc” trong thảm kịch Itaewon. Hệ thống “Mạng lưới an toàn của Hàn Quốc” được thiết lập vào năm 2021 bắt nguồn từ vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng.
Trang Korea Times cho biết mạng lưới trên trị giá tới 1.500 tỉ won (khoảng 1,06 tỉ USD), giúp kết nối liên lạc giữa 8 cơ quan ứng phó thảm họa, bao gồm cảnh sát, cứu hỏa, quân đội và một số cơ quan chính phủ khác.
“Về mặt kỹ thuật, từng cơ quan này đều có thể gọi điện thoại bằng cách nhấn vào một cái nút. Tuy nhiên, cả hệ thống không hoạt động tối ưu vào thời điểm xảy ra thảm họa Itaewon”, ông Kim Seong-ho, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ cho biết.
Bộ trưởng điều phối chính sách của chính phủ Hàn Quốc Bang Moon-kyu cho biết: “Rất tiếc một hệ thống như vậy không được sử dụng hiệu quả vào thời điểm xảy ra thảm kịch. Cần phải điều tra về vấn đề này”.
Trong lúc này, làn sóng chỉ trích nhằm vào cảnh sát ngày càng tăng, đặc biệt là hành tung của những người đứng đầu lực lượng vào thời điểm thảm kịch xảy ra.
Cơ quan Cứu hỏa quốc gia tuyên bố cảnh sát không hỗ trợ hiệu quả dù họ đã gọi hàng chục cuộc điện thoại yêu cầu hợp tác – cuộc đầu tiên vào lúc 10 giờ 18 phút tối 29-10. Tổng cộng phía cứu hỏa gọi 15 cuộc cho Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA), Sở Cảnh sát Vùng đô thị Seoul (SMPA) và Đồn Cảnh sát Yongsan.
Theo điều tra của báo giới địa phương, người đứng đầu NPA Yoon Hee-keun không trực đêm đó. Ông cắm trại ở tỉnh Bắc Chungcheong, cách Seoul 120 km và đi ngủ từ 11 giờ đêm. Phải đến 12 giờ 14 phút, cấp dưới mới gọi được cho ông Yoon và ông này lập tức trở về Seoul. Lúc 2 giờ 30 phút sáng 30-10, ông điều hành cuộc họp ứng phó tình hình khi mà thảm kịch đã xảy ra hơn 4 tiếng trước.
Bà Ryu Mi-jin, người phụ trách SMPA đêm đó, lẽ ra phải trực ở phòng tình huống của cơ quan này lúc sự cố xảy ra. Thế nhưng, bà lại ở phòng riêng và chỉ biết được báo tin về thảm họa vào khoảng 11 giờ 40 phút đêm.
Ông Lee Im-jae, cựu đồn trưởng đồn Yongsan, nhận được tin báo vào khoảng 21 giờ 30 phút tối, lúc đang ăn tối gần sở cảnh sát. Thế nhưng phải đến 23 giờ 5 phút, ông mới tới được hiện trường – tức mất tới 50 phút.
Một nhóm điều tra độc lập tiết lộ ông Lee tới trễ sau khi khăng khăng muốn di chuyển bằng ôtô của mình bất chấp tắc đường xung quanh quận Itaewon thời điểm đó. Sau khi rời khỏi một nhà hàng, ông Lee tới ga Noksapyeong vào khoảng 22 giờ tối. Nhà ga chỉ cách hiện trường 10 phút đi bộ nhưng xe của ông Lee đã vòng ra khỏi ga tàu để tìm đường khác.
Cả bà Ryu và ông Lee đều đang bị đình chỉ chức vụ.
Bảo Trâm (Theo Korea Times)