‘Hệ thống cấp cứu đang rất nỗ lực, mong được sự chia sẻ từ người bệnh’
Ngành y tế TP.HCM khẳng định đang huy động mọi nguồn lực nỗ lực tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, song song việc phải đảm bảo tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân bệnh thông thường.
Ngành y tế TP.HCM khẳng định đang huy động mọi nguồn lực nỗ lực tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, song song việc phải đảm bảo tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân thông thường.
Trả lời PV tối 27-7, PGS.TS Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nói: “Bên cạnh điều trị người mắc COVID-19 với số lượng tăng cao đột biến, nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế vẫn phải đảm bảo chăm sóc điều trị cho người dân mắc các bệnh lý thông thường.
Dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng chắc chắn sẽ khó có thể đáp ứng được 100% yêu cầu bình thường của người dân như trước đây. Trong lúc này, ngành y tế rất mong được sự chia sẻ của người dân”.
* Thưa ông, với số ca mắc COVID-19 tăng cao, việc vận chuyển cấp cứu người bệnh đang gặp phải những khó khăn gì?
– Có thể thấy dịch tại TP.HCM đang bùng phát mạnh, có rất nhiều ca F0 mới và nhiều ca trong số đó trở nặng. Số cuộc gọi cấp cứu vì thế tăng vọt, phương tiện cấp cứu trong một số thời điểm cũng bị “nghẽn”, chưa thể đáp ứng hết yêu cầu từ người dân.
Với việc vừa phải cấp cứu bệnh nhân COVID-19, vừa cấp cứu bệnh nhân thông thường sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác cấp cứu chung, có thể chậm trễ vận chuyển cấp cứu ở một số tình huống nhất định. Dù mong muốn người dân chia sẻ, nhưng với vai trò của mình, chúng tôi đang có các điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới, đồng thời huy động tối đa nguồn lực của xã hội tham gia cấp cứu cho người dân.
* Những điều chỉnh đó là gì, thưa ông?
– Để giải quyết tình trạng nghẽn cuộc gọi, chúng tôi đã tăng từ 12 line cuộc gọi lên 40 line. Trung tâm điều phối cấp cứu 115 cũng sẽ được chuyển qua Khu phần mềm Quang Trung (Q.12) để có đủ điều kiện đáp ứng việc tăng quy mô tiếp nhận 100 line cuộc gọi trong thời gian tới.
Việc tăng số line điện thoại là một chuyện, số xe cấp cứu cũng phải tăng đồng bộ. Với sự ủng hộ của các nhà tài trợ, đến thời điểm này số xe cấp cứu tăng được thêm 12 chiếc (tổng toàn TP khoảng 200 xe, riêng hệ thống y tế công lập có 85 xe).
Ngoài xe cứu thương hiện có, để đáp ứng đủ nhu cầu, chúng tôi hoán đổi xe taxi vận chuyển cấp cứu và có thêm sự hỗ trợ từ các bệnh viện tư nhân, một số tỉnh thành. Đặc biệt thời gian tới Công ty ô tô Trường Hải sẽ đồng hành, sản xuất cho TP.HCM 50 chiếc xe cấp cứu với chi phí vừa phải.
Ngành y tế đang tăng thêm số cơ sở tiếp nhận cho cả bệnh thông thường và COVID-19, bằng việc huy động các bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện công lập cũng được hoán đổi sang mô hình “tách đội” để vừa điều trị COVID-19, vừa tiếp tục cấp cứu cho các bệnh nhân thông thường.
* Thực tế việc tổ chức cấp cứu đôi lúc có tình trạng bỏ bệnh, từ chối nhận bệnh… Ngành y tế TP.HCM sẽ làm gì để giám sát vấn đề này?
– Về vấn đề này, Sở Y tế TP đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên về điều phối các trường hợp cấp cứu khi trở nặng, tìm ra nơi có thể tiếp nhận và có khả năng điều trị. Tổ này gồm 15 thành viên, trực chiến 24/7.
Chúng tôi cũng đã đưa ra một quy chế quy định chuyển viện rất rõ là các bệnh viện không được từ chối khi bệnh nhân dù lỡ có được chuyển tới cấp cứu không báo trước. Bệnh viện phải tiếp nhận, tiến hành sơ cấp cứu đánh giá, nếu ổn định sẽ được chuyển về các cơ sở y tế tuyến dưới, tránh việc nằm tuyến trên không cần thiết mất giường của những bệnh nhân nặng. Và tất cả đều có quy định rất rõ về trách nhiệm của từng bộ phận khi chuyển cấp cứu.
* Cụ thể với một người bệnh cần phải cấp cứu khẩn cấp nhưng không thể gọi được cho 115, họ phải làm sao, thưa ông?
– Thực tế có hiện tượng gọi 115 nhưng kẹt xe chưa đến chuyển cấp cứu kịp. Trong tình huống này, tốt nhất gia đình nên chủ động đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện) bằng các phương tiện vận chuyển của gia đình. Ngoài ra ở các địa phương đều có tổ phản ứng nhanh, sẽ hỗ trợ đưa người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp.
Trước đó trên trang Facebook của một nguyên lãnh đạo UBND Q.1 phản ánh có một trường hợp bị “sốt và khó thở”; mặc dù gia đình “kêu gào trong điện thoại, từ lúc sáng” nhưng các cơ quan của phường, quận không một ai xuống xét nghiệm và đưa đi bệnh viện.
Ông Phạm Thành Kiên, bí thư Quận ủy quận 3, khẳng định thông tin trên Facebook không chính xác và cho hay bệnh nhân mất do viêm phổi, hoàn toàn không liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Ông Kiên cho hay qua kiểm tra xác định có cuộc gọi của gia đình đến phường (phường Võ Thị Sáu – PV) vào lúc 15h36 và lực lượng y tế phường có mặt tại nhà người bệnh lúc 15h45.
Hoàng Lộc