+
Aa
-
like
comment

Hệ quả khôn lường từ cuộc chiến năng lượng Nga – Châu Âu lên toàn cầu

Bảo Trâm - 11/06/2022 14:10

Trang Euro News cho biết, Liên minh châu Âu (EU) tuần này đã thực hiện một bước đi mạnh mẽ trong trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nước cờ này cũng để lại hệ quả đáng ngại cho chính khối này và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Châu Âu nhập khẩu tới hơn 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô đều đến từ Nga.

Châu Âu chịu đau

Cuối ngày 30/5, 27 nước thành viên EU cuối cùng đã đi đến thống nhất về lệnh cấm vận một phần dầu của Nga, nằm trong gói trừng phạt thứ 6 của khối đối với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Thỏa thuận được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi, chủ yếu là do sự phản đối của Hungary. Cuối cùng, Hungary được cho là đã đồng thuận có điều kiện, mà cơ bản là đã đưa chính nước này và 2 quốc gia thành viên khác ra khỏi lệnh cấm của EU, tạo ra lỗ hổng trong các hình phạt.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, lệnh cấm vận này của EU sẽ ảnh hưởng đến khoảng 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga ngay lập tức và 90% vào cuối năm nay. Ngay cả khi chỉ là một phần, đây vẫn được cho là một bước đi ấn tượng của EU, từng tưởng như là bất khả thi với một châu Âu quá phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Theo Euro News, EU đã đề xuất các biện pháp trừng phạt khác như một phần của gói thứ 6 này, bao gồm cả lệnh cấm bảo hiểm đối với các tàu chở dầu của Nga – sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc xuất khẩu các sản phẩm dầu của mình ra khắp thế giới.

Rõ ràng, lệnh cấm vận của EU ít nhiều sẽ gây tổn hại cho Nga – quốc gia đã vượt qua nhiều áp lực trừng phạt bằng cách tiếp tục xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU nhận khoảng 1/4 lượng dầu từ Nga vào năm 2021, tương đương khoảng 2,2 triệu thùng/ngày. Lệnh cấm vận lần này của EU sẽ làm giảm khối lượng thương mại và dòng tiền giữa châu Âu và Nga – một điểm gây áp lực khác đối với chính quyền Nga, trong khi phương Tây cũng tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và tài chính.

Nhưng cùng với đó, lệnh cấm này cũng sẽ kéo theo cái giá không nhỏ cho châu Âu, đặc biệt là khi giá năng lượng đang ngày một cao hơn. Emily Holland, trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga, trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ nói: “Thật là sốc khi thời điểm này EU thực sự đang tiến tới trừng phạt dầu mỏ của Nga, bởi vì điều đó là vô cùng đau đớn đối với EU… Nó thực sự sẽ gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng”.

Trên thực tế, việc cắt đứt nguồn cung dầu của Nga là một “quả bom nguyên tử” đối với nhiều nền kinh tế châu Âu – như lời Tổng thống Hungary Viktor Orban đã cảnh báo khi lý giải sự phản đối của Budapest. Hungary hiện nhận hơn 60% dầu và 85% khí đốt tự nhiên từ Nga.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu ‘lao đao’ vì khí đốt của Nga

Các quốc gia Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia vốn không giáp biển và phụ thuộc vào khí đốt của Nga, cho rằng họ cần thêm thời gian để chuyển đổi khỏi dầu mỏ của Nga. Chẳng hạn, bên cạnh quyền miễn trừ tạm thời, Hungary cũng đang yêu cầu châu Âu trợ cấp thêm tiền để nâng cấp các nhà máy lọc dầu của nước này để có thể chấp nhận dầu thô từ nơi khác.

Nhiều chuyên gia nhận định, doanh thu từ dầu mỏ của Nga thậm chí có thể tăng lên trong ngắn hạn sắp tới, khi các nước châu Âu sẽ tranh thủ nhập khẩu nhiều dầu hơn từ Nga trước khi việc này trở thành bất hợp pháp, hướng đến việc dự trữ càng nhiều càng tốt. Đồng thời, Nga cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giá dầu cao hơn.

Benjamin Schmitt, một cộng sự nghiên cứu tại Đại học Harvard và thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, nói với Vox: “Lệnh cấm vận tạo ra một bước nhảy vọt lớn trong việc cắt giảm lượng nhập khẩu dầu mà chính người châu Âu đang mua từ Nga, hiện chiếm khoảng 2/3 tổng số lượng. Nhưng nó vẫn còn thiếu sót so với những gì cần phải làm trong điều kiện gia tăng áp lực lên chính quyền Nga”.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Áp lực lên toàn cầu

Không chỉ dừng ở châu Âu, những hệ quả từ cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang tràn khắp nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặc biệt gây ảnh hưởng lớn đối với các nước nghèo hơn, những quốc gia dễ bị tổn thương hơn bởi các cú sốc do giá dầu nhảy vọt. Sau thông báo cấm vận của EU hôm 30/5, giá dầu Brent đã tăng lên khoảng 120 USD/thùng trước khi dịu lại.

“Như một viên đá lớn được ném xuống mặt hồ, thị trường dầu mỏ sẽ cảm nhận được nó (lệnh cấm vận)”, Georg Zachmann, một thành viên cấp cao tại Viện Bruegel có trụ sở tại Brussels cho biết. Khi giá dầu tăng trở lại vào sáng 1/6, Đài truyền hình Hà Lan NOS đã phát hình ảnh cho thấy hàng dài ô tô ở miền Đông nước này đổ xô qua biên giới để đổ xăng ở nước láng giềng Đức – nơi Chính phủ Berlin đã cắt giảm thuế, giúp một lít xăng tại đây rẻ hơn nhiều so với ở Hà Lan.

Giá dầu thế giới dự báo tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng chung tới các nước nhập khẩu dầu thô và xăng thành phẩm như Việt Nam

Trong khi các chính phủ phương Tây đang phải tính toán kỹ về những đánh đổi để trừng phạt Nga mà chính người tiêu dùng trong nước mình phải chịu – bao gồm giá năng lượng cao giữa bối cảnh lạm phát, Nga được cảnh báo đang nắm trong tay một đòn trả đũa đáng ngại: Khí đốt.
Nga có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và hiện là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất toàn cầu.

Nhưng khả năng để các nhà lãnh đạo của khối 27 quốc gia sớm ký lệnh cấm vận khí đốt Nga là rất khó. EU nhập khẩu 40% là khí đốt Nga – được sử dụng cho mọi thứ, từ sản xuất điện đến sưởi ấm gia đình – và việc tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế khó khăn hơn so với dầu mỏ.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer từng công khai thừa nhận: “Nguồn dầu của Nga dễ dàng hơn nhiều để bù đắp… khí đốt thì hoàn toàn khác, đó là lý do tại sao lệnh cấm vận khí đốt sẽ không phải là một vấn đề trong gói trừng phạt mới”.

Cùng trong ngày 30/5, tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga đã thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho đối tác GasTerra của Hà Lan và công ty Oersted của Đan Mạch, đồng thời cũng đang ngừng các chuyến hàng đến Shell Energy Europe cho Đức. Gazprom trước đó cũng đã “tắt vòi” đến Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan, với cùng một lý do rằng các nước châu Âu này đã không chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble, thể theo một sắc lệnh đã ký bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 3 năm nay.

Một giàn dầu khí dán logo của Công ty Lukoil (Nga) trên biển Caspi – Ảnh: REUTERS

“Vấn đề chỉ là nước nào sẽ là kẻ tiếp theo (bị Nga cắt khí đốt)”, Lucia van Geuns, một chuyên gia năng lượng từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh The Hague, nói với Vox. Bà nhận định việc Nga thắt chặt mạng lưới “các quốc gia không thân thiện” có thể khiến các nước EU phải cạnh tranh lẫn nhau về nguồn cung cấp khí đốt khác. Đặc biệt, để tranh thủ lấp đầy các cơ sở dự trữ trong mùa Hè này và sử dụng vào mùa Đông năm sau – một động thái có thể sẽ khiến giá cả tăng hơn nữa, gây áp lực lên túi tiền người dân.

Để thấy, lệnh cấm vận của EU đã và sẽ làm lộ ra không ít đứt gãy trong sự thống nhất của phương Tây. “Mọi người tỏ ra đồng hưởng ứng lời kêu gọi “hãy trừng phạt Nga”. Nhưng điều đó còn nghĩa lý gì khi tất cả sẽ lại phân rã?”, chuyên gia Georg Zachmann đặt câu hỏi đáng suy ngẫm.

Bảo Trâm (Theo Euro News, Guardian)

Bài mới
Đọc nhiều