Hé lộ “sân sau” khủng của ông Nguyễn Đức Chung
Tại phiên toà sáng 11/12, ông Nguyễn Đức Chung đã có gần 30 phút để tự bào chữa, “kêu oan” cho mình. Ông cho biết, chưa bao giờ có ý nghĩ bàn với bị cáo Nguyễn Trường Giang để “đẻ” ra một công ty gọi là “sân sau” của mình.
Ông Nguyễn Đức Chung từng gây bão dư luận khi chỉ thẳng cánh rằng các quán bia, bãi đỗ xe ở Hà Nội có sự bảo kê của chủ tịch phường, nhưng cuối cùng những cái “sân sau” của ông Chung còn lớn hơn nhiều lần những “sân sau cấp phường” đó. Khi Toà án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm liên quan đến vụ làm sạch nước Hồ Tây ngày 10 và 11/12/2021, có lẽ sẽ có người nhớ đến một dấu mốc khác của ông Chung đúng 6 năm trước. Ngày đó, ông được bầu chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016, đối với ông Nguyễn Đức Chung, con đường phía trước đang rộng mở.
Trong số đoạn trích lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ấn tượng câu, nhiều bãi đỗ xe, trông giữ xe ở mỗi địa bàn cũng nắm bởi “người nhà” của các bí thư, chủ tịch phường cả. Với thái độ cương quyết, “bóc mẽ” không nể nang như thế, ông Chung đã từng gây bão trong dư luận vì trực tiếp làm việc với các quán bia vỉa hè có “sân sau”. Lần đầu tiên một quan chức nói thẳng về “sân sau”, về tình trạng bảo kê cho một số dịch vụ ở Hà Nội mà lâu nay dư luận vẫn râm ran. Có tờ báo lạc quan đăng viết bài “Ông Nguyễn Đức Chung đã tóm được tổ con tò vò. Thế nhưng cuộc đời không ai học hết chữ ngờ”.
Trong hai ngày 10 và 11/12/2021, ông Nguyễn Đức Chung cùng đồng phạm là Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Là người đầu tiên được HĐXX cho tranh tụng, bị cáo Nguyễn Đức Chung, tiếp tục phản bác lại tội cáo buộc ông lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc chỉ đạo Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic. Ông Chung lại khẳng định chưa bao giờ đặt vấn đề với bị cáo Giang cho mình gửi phần trăm vào công ty của bị cáo Giang để được hưởng lợi.
Theo bị cáo Chung, bản thân chưa bao giờ có ý nghĩ bàn với bị cáo Giang để “đẻ” ra một công ty gọi là “sân sau” của mình. “Gia đình tôi có công ty từ năm 1996, đã kinh doanh được 20 năm, kinh doanh hàng chục ngàn mặt hàng. Nếu tôi muốn làm RedOxy-3C cho cá nhân mình, tôi chỉ cần nói với ông Deepark Chopra cho vợ tôi làm đại diện, nhập về bán công khai, không phải lằng nhằng như thế này”- bị cáo Chung phân trần và cho rằng ở tuổi của bị cáo, ai chẳng muốn phấn đấu, ai chẳng muốn làm tốt. Ông Chung đề nghị: “Tôi không bao giờ bàn cách làm ăn trắng trợn như trên. Do đó, tôi mong HĐXX và những người cầm cân nảy mực xem xét thấu đáo, minh bạch cho tôi”.
Về thiệt hại của vụ án, bị cáo Chung khẳng định, nếu cơ quan chức năng chỉ rõ bị cáo thu nhập bất hợp pháp, thiệt hại của vụ án này là “hậu quả, nhân quả từ sự chỉ đạo” của bị cáo thì sẵn sàng mang tiền của gia đình ra khắc phục.
Tóm tắt cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao như sau: Năm 2016, bị can Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức) để khắc phục ô nhiễm nước các sông hồ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau đó ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water như chỉ đạo bằng văn bản.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc hành vi phạm tội của ông Nguyễn Đức Chung có động cơ vụ lợi. Công ty Arktic do vợ ông Chung bỏ 100% vốn thành lập và lấy tên con trai ông Chung trong giấy đăng ký kinh doanh, trước khi nhờ người quen đứng tên sở hữu vốn điều lệ. Vì thế Arktic đã được xác định hoàn toàn là “công ty gia đình” của Nguyễn Đức Chung. Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C qua Công ty Arktic để công ty này được hưởng khoản lợi hơn 36 tỉ đồng.
Như vậy, bằng động tác “lấy tiền túi nọ, bỏ vào túi kia” của chính công ty gia đình của mình, chẳng những ông Chung gây thất thoát tiền của Nhà nước mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường các hồ ở Hà Nội khi sau này, hoá chất Redoxy-3C được xác định chất lượng không đúng như công bố trên nhãn mác. Nếu như các “sân sau” là bãi trông xe, quán bia của một số lãnh đạo quận, huyện, phường của Hà Nội được ông Chung “thống kê” mỗi nơi khoảng từ vài chục đến vài trăm mét vuông thì riêng một cái Hồ Tây, “sân sau” của ông đã rộng 500 ha tức là rộng 5 triệu mét vuông.
Không biết ông Chung đã chỉ đạo cho thuộc hạ đổ bao nhiêu hóa chất của công ty gia đình mình xuống những cái hồ nào nữa ở Hà Nội (bởi vì nhiều hồ vốn đã bị ô nhiễm nặng lại không nuôi cá nên không thể xác minh rõ mức độ nước bị ô nhiễm ở đó). Chỉ biết, đến năm 2016, diện tích mặt nước của các hồ ở ở Hà Nội là 1.165 ha, tức là 11 triệu 650 nghìn mét vuông. Đó là chưa kể những cái “sân sau” khác mà ông Chung đã xây dựng từ trước, trong đó có “sân sau” ở Công ty Nhật Cường. Nếu không, tại sao ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa đối với gói thầu với động cơ cá nhân là để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu, trúng thầu và hưởng lợi ích. Và cũng vì “sân sau” là Công ty Nhật Cường mà ông Chung đang trong vòng lao lý vì bị buộc tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.
Khi được lên tiếng ở phiên toà, ông Chung nói: “Tôi có nhiều điều kiện để làm ăn. Tôi chỉ góp một câu hoặc chỉ đạo cấp dưới vài ý thì tiền nhiều hơn nhiều. Nhưng tôi không làm. Lương tâm một con người chẳng có ai làm ăn trắng trợn như thế…”. Dường như ông chỉ “cãi cố” khi sự việc bại lộ. Mỗi dự án, mỗi công việc ông chỉ đạo có cái nào có mục đích mục tiêu không tốt? Nhưng điều quan trọng là làm có đúng không, có lợi dụng để trục lợi không?
Nhìn lại hàng loạt vụ án mà ông Chung đã bị điều tra truy tố, có thể nói, những cái “sân sau” của ông Chung là quá rộng lớn rồi.
Phạm Hùng