+
Aa
-
like
comment

Hé lộ nội dung “bí kíp” đào tạo điệp viên KGB siêu hạng: Ông Putin đã từng phải học những gì?

28/07/2019 21:03

Những tài liệu quý báu không chỉ cung cấp kiến thức về hoạt động tình báo mà còn cho thấy bối cảnh phức tạp thời Chiến Tranh Lạnh.

Hé lộ nội dung "bí kíp" đào tạo điệp viên KGB siêu hạng: Ông Putin đã từng phải học những gì?
Hé lộ nội dung “bí kíp” đào tạo điệp viên KGB siêu hạng: Ông Putin đã từng phải học những gì?

Tài liệu quý báu

Đài phát thanh Quốc tế Công chúng Mỹ (PRI) mới đây đã trích dẫn các tài liệu được đăng tải trên tờ The Interpreter – một tạp chí dịch thuật và phân tích chuyên về Nga – và hé lộ những nội dung ít được đề cập trong giáo trình đào tạo nhân viên tình báo thời Liên Xô.

Dự án dịch thuật có tên “The Lyubanka Files” sẽ đi sâu vào lịch sử hoạt động gián điệp, phản gián và đào thoát của các đặc vụ vào thời kì đó. Ông Michael Weiss, tổng biên tập tờ The Interpreter, cho hay những nội dung sẽ được dịch từ tiếng Nga và giữ nguyên bối cảnh lịch sử như được ghi trong tài liệu gốc.

Theo ông Weiss, các tài liệu đều được xuất bản từ những năm 1970 hoặc 1980, ví dụ như “Cơ hội để sử dụng Phương pháp Tâm lý” (1988), “Một số Phương diện trong Đào tạo Điệp viên và Gây ảnh hưởng tới Tâm lý của Người nước ngoài” (1985), và “Phơi bày thông tin sai lệch trong tài liệu tình báo” (1968).

Bên cạnh đó, những tài liệu này hiện vẫn được xếp vào loại bí mật ở nước Nga “bởi chúng vẫn được sử dụng trong việc đào tạo điệp viên ở các học viện tình báo trong và ngoài nước của Nga” – theo phỏng đoán từ dự án dịch thuật của ông Weiss.

Hé lộ nội dung bí kíp đào tạo điệp viên KGB siêu hạng: Ông Putin đã từng phải học những gì? - Ảnh 1.

Khi tìm hiểu cụ thể nội dung được ghi chép cách đây nhiều thập kỉ, có thể thấy hầu hết đều là “bí kíp” hướng dẫn các kĩ năng gián điệp, ví dụ như “làm thế nào để tuyển dụng và chi phối tâm lí các đặc vụ trên lãnh thổ phương Tây”, “làm thế nào để phá kế hoạch tung tin đồn giả của kẻ địch”, “làm thế nào để xâm nhập hội nghị khoa học quốc tế để tuyển dụng đặc vụ” và “làm thế nào để lừa ngược lại những kẻ khuyến khích kích động”.

Toàn bộ tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng Nga sẽ được đăng tải song song cùng với bản ghi âm từ các cựu nhân viên tình báo và tư liệu bằng video về các tình huống tình báo phức tạp thời Chiến Tranh Lạnh.

Ông Weiss cho biết điều quan trọng nhất ông rút ra được từ dự án là sự tài tình của tình báo. Ông cho rằng điệp viên và đặc vụ KGB là lực lượng có kiến thức thông thạo về những thời điểm then chốt, điểm yếu và những mánh khóe cần được sử dụng.

“Một điệp viên KGB là tổng hợp của một vị linh mục, một nhà trị liệu, một người bạn tốt và một kẻ thù nguy hiểm. Đó là người sẽ khiến bạn làm những điều hủy hoại bản thân dù là với tư cách cá nhân hay là một đặc vụ chuyên nghiệp.”

Quá khứ và hiện tại

Ông Weiss tin rằng các sách này vẫn cực kì hữu ích trong thời điểm hiện tại.

“Chúng không chỉ là báu vật lịch sử cho chúng ta biết về những gì đã xảy ra thời Chiến Tranh Lạnh mà còn là tài liệu vẫn được sử dụng tại các học viện của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và Tổng cục Tình báo Nước ngoài (SVR),” ông Weiss phỏng đoán.

Khi được hỏi về tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Weiss nhận định ông Putin vẫn sử dụng các bài học từ khi còn hoạt động trong KGB.

“Đặc biệt khi mọi người cố tìm hiểu về cách ông Putin suy nghĩ, quan điểm của ông Putin về địa chính trị, dường như ông ấy luôn cố gắng chi phối những người liên quan. Đây là phương pháp nhìn người, tìm ra điểm yếu của họ, học cách tuyển dụng và buộc họ làm những điều mà họ vốn không muốn làm.

Sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại – theo tôi nghĩ – đã được thể hiện rất rõ rệt trong những bài hướng dẫn thời Liên Xô.

Trong loạt tài liệu tôi dịch hai năm trước đây, có những bài còn nói về cách tuyển dụng gián điệp từ đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ; cách thuyết phục những quan chức Trung Đông có quan điểm trung lập hoặc thân Mỹ và cách gia nhập các tổ chức của Nga nằm rải rác trên thế giới.”

“Tuy nhiên cũng có một số điểm thú vị mà tôi không biết là chỉ có thể áp dụng được vào những năm 1960, 1970 hay còn áp dụng được cả vào bây giờ.

Ví dụ như việc tuyển dụng gián điệp từ đại sứ quán, theo quan điểm trong sách, hầu như người Mỹ nào cũng ngoại tình, buông thả và nghiện rượu,” ông Weiss chia sẻ.

Ngoài ra, theo vị tổng biên tập, lí do để các tài liệu này được xếp vào hàng tuyệt mật ở Nga là chúng vẫn còn được sử dụng. Vài tháng trước, khi Channel 1 – kênh truyền hình nhà nước phổ biến nhất ở Nga – phát sóng phim tư liệu về SVR, đã có một cảnh quay các sĩ quan đang trong quá trình đào tạo. Trong cảnh quay, ông Weiss phát hiện trên bàn có tài liệu “khá giống” những văn bản mà ông đang dịch.

“Vậy nên có thể kết luận người Nga vẫn sử dụng tư liệu cũ để giải quyết mọi việc,” ông Weiss đoán.

(Theo Soha News)

Bài mới
Đọc nhiều