Hé lộ nhân vật quan trọng có thể xoay chuyển thương chiến Mỹ – Trung
Việc Bắc Kinh chọn Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, nhà đàm phán mới theo khuynh hướng diều hâu của Trung Quốc, có thể khiến thỏa thuận thương mại đang bế tắc càng thêm mờ mịt.
Ông Chung đã tham gia một cuộc điện đàm với phía Mỹ ngày 9/7 bên cạnh Phó thủ tướng Lưu Hạc, người đã chủ trì đám phán bên phía Trung Quốc hơn một năm nay và được mệnh danh là “cánh tay phải” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cùng lúc này, những hy vọng nhen nhóm từ hội nghị G20 cuối tháng trước về một thỏa thuận thương mại đang dần biến mất. Trung Quốc vẫn chưa có đơn hàng lớn nào với nông sản Mỹ, dù Tổng thống Trump tuyên bố ông Tập sẽ đặt hàng “gần như ngay lập tức”. Vẫn chưa có ngày giờ cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo, theo Washington Post.
“(Việc xuất hiện ông Chung) thể hiện sự mất niềm tin vào ông Lưu Hạc và mong muốn của lãnh đạo Trung Quốc bổ sung thêm một người khôn khéo hơn về chính trị”, Dennis Wilder, từng là chuyên viên phân tích Trung Quốc ở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). “Tôi chắc chắn ông ấy được lệnh cứng rắn hơn với Mỹ”.
Triển vọng từ G20 ngày càng mờ nhạt
Đàm phán chưa tiến triển thêm sau cuộc điện đàm 9/7, khi ông Chung và ông Lưu vẫn không cam kết cụ thể việc mua nông sản Mỹ, điều mà Tổng thống Trump tưởng rằng Trung Quốc đã hứa ở Osaka cuối tháng sáu, theo một quan chức giấu tên của Nhà Trắng. Tại G20, ông Trump đã đồng ý hoãn đợt tăng thuế mới lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc và cho phép Huawei tiếp tục mua linh kiện Mỹ.
Hai bên vẫn chưa chốt ngày cụ thể để đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tới Bắc Kinh tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tỏ ra lạc quan về cuộc gặp.
Craig Allen, chủ tịch hội đồng doanh nghiệp Mỹ – Trung, nói các lệnh của Mỹ về nới lỏng cấm vận Huawei đang “khó hiểu đối với các công ty Mỹ”, và cho thấy các thảo luận ở Osaka dường như đang bị bỏ dở. “Mọi thứ mà họ nhắc đến – chưa có gì diễn ra cả”, ông Allen nói với Washington Post, tỏ ra lo ngại hai bên đang mất dần sự tin tưởng.
“Rõ ràng đây sẽ là một quá trình chậm chạp”, kinh tế gia theo khuynh hướng bảo thủ Stephen Moore, một cố vấn không chính thức của Tổng thống Trump, nói với Washington Post.
Các quan chức Mỹ, khi trao đổi riêng, đã tỏ ra lo ngại khi Trung Quốc đang chần chừ và tránh những cam kết chắc chắn.
“Họ cứ dền dứ, và phe cứng rắn của Trung Quốc lại càng chọc giận phe cứng rắn ở Mỹ”, ông Moore nói.
Hai bên vẫn đứng trước các bất đồng giống thời điểm hai tháng trước, khi đàm phán đổ vỡ do Mỹ yêu cầu Trung Quốc đưa vào luật những biện pháp giải quyết nạn ăn cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc.
Một trở ngại nữa là Bắc Kinh yêu cầu Washington gỡ bỏ toàn bộ thuế quan mà ông Trump đánh lên hàng Trung Quốc kể từ khi thương chiến bắt đầu, tổng giá trị nay đã lên tới 250 tỷ USD.
“Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ… vẫn chưa đi đến đâu cả”, Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc ở viện American Enterprise Institute, đồng thời là cố vấn cho chính phủ Mỹ, nói với Washington Post.
Nhân vật ‘diều hâu của những diều hâu’
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn lên chức bộ trưởng sau khi làm giám đốc hai công ty nhà nước và phó thống đốc tỉnh Chiết Giang, trong thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình làm bí thư tỉnh này.
“Ông Chung là diều hâu của những diều hâu”, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Stephen Bannon nói với Washington Post.
Ông là quan chức thương mại lão làng thứ hai được tăng cường vào nhóm đàm phán của Trung Quốc, sau ông Du Kiến Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, và là một trong những nhà đàm phán thương mại giàu kinh nghiệm nhất Trung Quốc.
Dù vậy, có ý kiến nói ông Lưu khó bị lép vế bởi các nhân vật mới. Ông Lưu và ông Tập là bạn từ thuở nhỏ.
“Một số người ở Nhà Trắng, không có kinh nghiệm sâu đàm phán với nhiều đại diện Trung Quốc, có thể đang võ đoán quá nhiều về ai quan trọng hơn”, James Green, từng là quan chức thương mại cao cấp trong đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cho tới đầu năm nay, nói với Washington Post.
Clete Williems từ công ty luật Akin Gump, tư vấn cho Nhà Trắng về đàm phán thương mại cho đến tháng tư vừa qua, cho rằng Bắc Kinh cũng có các nhân vật có quan điểm “diều hâu” lẫn “bồ câu”, y hệt như đoàn Mỹ có sự dung hòa của cả ông Lighthizer, người nhất quyết cứng rắn, và Mnuchin, người cảm thông hơn với hậu quả của căng thẳng thương mại lên doanh nghiệp.
“Nếu ông Tập muốn một thỏa thuận, ông cần phải để cả hai khuynh hướng cùng hợp tác”, ông Williems nói.
Ông Chung sẽ quyết liệt bảo vệ lợi ích thương mại của nước mình, theo Scott Kennedy, cố vấn cao cấp về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược.
Theo nguồn tin giấu tên của Washington Post, các quan chức Trung Quốc có thể đang trì hoãn mọi nhượng bộ cho tới khi biết ông Trump sẽ triển khai việc nới lỏng cấm vận Huawei như thế nào, và Mỹ sẽ phản ứng với biểu tình ở Hong Kong như thế nào.
Trung Quốc cũng có thể sẵn sàng đợi tới hết nhiệm kỳ của ông Trump (năm 2020), vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bình ổn nhờ các gói kích cầu của chính phủ, sau năm ngoái tăng trưởng trì trệ. Các lời đe dọa thuế quan của ông Trump khiến Bắc Kinh không còn tin ông có thể chắc chắn với một thỏa thuận nào.
“Trên thực tế, có thể không có thỏa thuận nào trong tương lai gần”, ông Kennedy nói. “Trung Quốc có thể không còn hứng thú đạt thỏa thuận với tổng thống Mỹ hiện tại”.
Trong cuộc trao đổi gần đây với Zing.vn, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ kéo dài vì là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa “một nước đang vươn lên và một nước đang muốn giữ vị trí của mình”.
“Trên chặng đường đó, sẽ có những thỏa thuận mang tính cục bộ, mang tính bộ phận cho từng thời điểm để đáp ứng lợi ích các bên, nhưng cuộc cạnh tranh vẫn còn kéo dài”, ông Vinh cho biết.
(Theo Zing News)