+
Aa
-
like
comment

Hé lộ kết quả đánh giá của tư vấn Pháp về đường sắt Cát Linh-Hà Đông

29/11/2019 15:37

Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường vừa cho biết sơ bộ về kết quả đánh giá của tư vấn Pháp về đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông.

Tại hội nghị An toàn giao thông toàn quốc năm 2019 sáng nay, ông Vũ Hồng Trường cho biết, theo đánh giá của tư vấn thẩm định của Pháp, tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu.

Theo ông Trường, tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ GTVT nghiệm thu sẽ bàn giao cho công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) vận hành khai thác.

Trước khi đưa vào khai thác, việc đảm bảo an toàn trong mọi khâu vận hành cần được khẳng định.

Quá trình đánh giá chứng nhận an toàn tuyến Cát Linh Hà Đông đang được tư vấn Pháp thực hiện và cơ bản đánh giá theo đúng tiêu chuẩn thế giới đã cam kết, bao gồm quy trình vận hành và bảo dưỡng, các kịch bản vận hành, biểu đồ chạy tàu, quy trình xử lý sự cố, nhiệm vụ các chức danh…

“Việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo rằng tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn”, ông Trường cho hay.

Hé lộ kết quả đánh giá của tư vấn Pháp về đường sắt Cát Linh-Hà Đông
Đường sắt Cát Linh Hà Đông được tư vấn Pháp đánh giá tổng thể, đảm bảo an toàn mới đưa vào khai thác 

Theo ông Trường, sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đã đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát.

“Lúc đầu cũng có chút lo lắng, nhưng qua thực tế vận hành thử chúng tôi đã sẵn sàng tiếp nhận vận hành”, ông Trường nói.

Tuy vậy, Tổng giám đốc Metro Hà Nội cũng nhìn nhận, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vận hành nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Dù đội ngũ nhân sự được đào tạo nhưng không tránh khỏi các tình huống khó khăn trong thực tế. Do đó, để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyên giao công nghệ trong 1 năm đầu khai thác.

Ông Vũ Hồng Trường thông tin thêm, Hà Nội quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh BRT. Trong đó, đã có 4 đoạn tuyến đã phê duyệt và đang triển khai xây dựng.

2 tuyến nghiên cứu kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Đáng chú ý, tuyến số 6 (đoạn Nội Bài Hà Đông Ngọc Hồi) đã lập báo cáo dự án theo hình thức hợp tác công tư và công ty CP Tập đoàn VinGroup đang đề xuất đăng ký đầu tư.

Vũ Điệp/Vietnamnet

Bài mới
Đọc nhiều