Hé lộ gia thế khủng của nữ trưởng phòng Đắk Lắk hỗ trợ bà “trèo cao, chui sâu”
Nhiệm vụ của Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy là điều hành các hoạt động lễ tân, xe cộ, quản lý hồ sơ cán bộ nhân viên thuộc phòng. Khi một người có nhân thân giả mạo được giao trọng trách này, thì còn sợ gì ai dò được gốc tích của họ nữa? Và thực tế, tổ chức Tỉnh ủy không biết cho đến khi có đơn tố cáo…
Không học cấp III vẫn thành thạc sĩ!
Cuộc xác minh liên tỉnh của phóng viên cho thấy: Người suốt 20 năm qua đánh tráo nhân thân, dùng tên họ bằng cấp của người khác để thăng tiến ngày càng sâu vào cơ quan Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, có họ tên khai sinh là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975, thuở nhỏ sống cùng gia đình tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
PV thu thập được Bản tường trình tự khai về quá trình sinh sống và học tập của nữ trưởng phòng này, do bà Thêm tự tay viết, trích nguyên văn như sau: “Từ năm 1995-1997 tôi xin sống và học tập ở Lâm Đồng. Từ năm 1997-1999 tôi xin sống ở tại gia đình nhà chồng số nhà … đường …. Buôn Ma Thuột. Từ 1999-2005 tôi làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Cty 2/9 thời gian nay tôi đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái là: Trần Thị Ngọc Ái Sa hiện đang làm lại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng để học trung cấp kế toán rồi liên thông lên đại học và học thạc sỹ tôi biết việc làm của tôi là sai trái không đúng …”
Bản tường trình ngắn mà đầy lỗi chính tả cho thấy học vấn thực có của nữ thạc sỹ mạo danh. Theo xác minh của phóng viên, sau khi “mượn” bằng cấp nhân thân của chị gái để học Trung cấp Kế toán, bà Thêm đã tiếp tục học đại học Tài chính Kế toán theo chương trình đào tạo từ xa của trường Đại học Đà Nẵng, rồi vừa có thêm tấm bằng thạc sỹ Tài chính kế toán đầu năm 2019.
Công luận có quyền đặt câu hỏi: chất lượng của những tấm bằng cử nhân, thạc sỹ mà trường Đại học Đà Nẵng đã cấp cho bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) có đáng tin không, khi bà này chưa từng tốt nghiệp trung học phổ thông?
Ai tạo điều kiện cho Ái Sa giả “trèo cao, chui sâu”?
Ông Trần Phú, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk giai đoạn 2004-2010 cho biết tháng 6/2004, ông Trần Xuân Bảy, khi đó là Trưởng phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy là người tuyển dụng bà Thêm về làm việc tại Nhà khách Tỉnh ủy. Còn ông Bạch Văn Mạnh nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk sau ông Phú cho biết 2 người chịu trách nhiệm tổ chức xác minh, kết nạp bà Thêm vào Đảng là ông Trần Xuân Bảy – lúc đó là Trưởng phòng Quản trị kiêm Bí thư Chi bộ phòng này, và ông Bùi Văn Bang-lúc đó là Phó chánh văn phòng kiêm Bí thư Đảng ủy văn phòng Tỉnh ủy.
Việc kết nạp Đảng cho Trần Thị Ngọc Thêm rõ ràng là bước tiến quan trọng để người phụ nữ đánh tráo nhân thân suốt 20 năm này thăng tiến lên các chức vụ cao hơn. Kết quả điều tra của phóng viên cho thấy tháng 9/2012 Đảng ủy văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ nhờ Đảng uỷ phường 4, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận về đảng viên Trần Thị Ngọc Ánh là chị gái của bà Sa (thật), chứ không xác minh gì về bản thân bà Sa giả, tức là bà Thêm.
Thật khó tin sự lỏng lẻo, tạo điều kiện cho người mạo danh kia vào Đảng chỉ là vô tình. Thế nhưng suốt mấy ngày qua, phóng viên các báo đài tìm hiểu về vụ “nâng đỡ kỳ lạ” này không ai liên lạc được với ông Trần Xuân Bảy hiện là Giám đốc Nhà khách Tỉnh ủy, và ông Bùi Văn Bang hiện là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk. Không chỉ bà Thêm mà tất cả những người thân của bà tại Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, và hầu hết các cán bộ chức trách đều im lặng, né tránh báo chí. Bà Sa thật thì cáo ốm điều trị ngoại tỉnh. Chồng bà Thêm thì công tác nước ngoài “còn lâu mới về”-lãnh đạo cơ quan chồng bà Thêm cho biết.
Điều tra của phóng viên cho thấy năm 1997 bà Thêm kết hôn với ông Lê Thanh Sơn vừa tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, rồi cả đôi sang Đắk Lắk sống chung với bố mẹ ông Sơn. Bố ông Sơn là ông Lê Văn Kh nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk. Mẹ ông Sơn cũng là cán bộ nhà nước. Về Đắk Lắk, ông Sơn được nhận vào làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu 2/9, là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy, rồi được kết nạp Đảng. Ông Kh mất năm 2012. Ông Sơn hiện là Trưởng phòng Kinh doanh, trợ lý Tổng giám đốc của doanh nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy này.
Hai năm sau, năm 1999, bà Thêm mới dùng bằng tốt nghiệp PTTH và mạo danh tên họ chị gái Ái Sa để xin vào làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu 2/9. Gia cảnh bà Thêm lúc đó không có gì là “khó khăn” như lời bà mới khai. Từ doanh nghiệp này, bà tiến vào nhà khách Tỉnh ủy, rồi được điều động qua Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2013 bà Thêm được kết nạp Đảng, lên Phó phòng Quản trị, rồi năm 2016 trở thành Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk.
Thật bất thường khi không học Phổ thông trung học mà dễ dàng có bằng thạc sỹ. Cũng thật vô lý nếu những cán bộ, đảng viên trong gia đình bà Thêm không hề biết việc con-em-vợ mình đã đánh tráo nhân thân để thăng tiến. Ai đã đồng phạm với bà Thêm trong hành trình “trèo cao, chui sâu” này, là điều mà Tỉnh ủy Đắk Lắk cần chỉ đạo điều tra nghiêm túc, để xử lý nghiêm minh!
Quy trình xác minh lý lịch đảng nữ trưởng phòng mạo danh ở Đắk Lắk
Ông Lâm Dũ Hùng – Bí thư Đảng uỷ phường 4, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận, tháng 9/2012 Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk có gửi công văn qua đường bưu điện cho Đảng uỷ đề nghị xác nhận thông tin liên quan đến cô Trần Thị Ngọc Ánh, đảng viên đang sinh hoạt tại địa phương, và là chị gái của Trần Thị Ngọc Ái Sa.
Minh Ngọc/Tiền Phong