Hé lộ doanh số bán vũ khí khủng của các “ông trùm” Mỹ, Trung Quốc và Nga
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển hôm 6/12 đã đưa ra một báo cáo cho biết, mặc dù đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu suy giảm, 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh doanh số bán hàng của họ trong năm 2020, đạt mức 531 tỉ USD. Trong số đó, Mỹ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai, trong khi Nga giảm mạnh.
Kinh tế toàn cầu giảm nhưng doanh số của 100 công ty vũ khí tăng
Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng nền kinh tế toàn cầu đã bị giảm 3,1% trong năm ngoái, nhưng lợi nhuận của 100 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu vẫn tăng năm thứ sáu liên tiếp với mức tăng 1,3% so với năm 2019. Có 41 công ty Mỹ lọt vào danh sách 100 công ty hàng đầu với doanh số bán vũ khí lên tới 285 tỉ USD, chiếm 54% tổng doanh số của top 100 công ty thế giới.
Trung Quốc có 5 công ty lọt vào top 100 với doanh thu 66,8 tỉ euro, chiếm 13% tổng doanh thu của 100 công ty hàng đầu; Anh Quốc đứng thứ 3. Báo cáo cho rằng các Công ty Trung Quốc đã được hưởng lợi từ kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, thúc đẩy sự kết hợp quân-dân sự.
Các công ty vũ khí khác được xếp hạng trong số 100 công ty hàng đầu bao gồm của Israel, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chỉ có các công ty của Pháp và Nga sụt giảm doanh số bán hàng. Các công ty vũ khí Nga có mức sụt giảm lớn nhất về doanh số, được cho là có liên quan đến sự phát triển của các nhà máy sản xuất vũ khí ở Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo cáo, các nhà sản xuất quân sự phần lớn được bảo vệ do nhu cầu liên tục của các chính phủ đối với các vật tư và dịch vụ quân sự; chính phủ nhiều nước đã gia tăng chi tiêu quân sự để triệt tiêu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Năm 2020, tổng doanh số của 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới đạt 531 tỉ USD, vượt tổng sản lượng kinh tế của Bỉ. Những người khổng lồ quan trọng nhất trong ngành công nghiệp chết người này đều nằm ở Mỹ. 41 công ty Mỹ chiếm hơn một nửa (54%) tổng doanh số của 100 công ty hàng đầu. Riêng Lockheed Martin đã bán được các hệ thống vũ khí khoảng 58 tỉ USD, nhiều hơn tổng GDP của Lithuania.
Vận động hành lang mang lại lợi nhuận khủng
Markus Bayer, một nhà khoa học chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Bonn (BICC) trích dẫn một Báo cáo của tổ chức phi chính phủ Mỹ “ Open Secrets ” chỉ ra rằng: các hãng sản xuất vũ khí có sức ảnh hưởng Chính trị trực tiếp rất mạnh, “Trong 20 năm qua, các công ty vũ khí của Mỹ đã bỏ 285 triệu USD tài trợ cho các chiến dịch tranh cử và 2,5 tỉ USD cho các hoạt động vận động hành lang.”
Các số liệu mới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp cũng thu hút sự chú ý của Simone Wisotzki, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Quỹ Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột Hessen của Đức (PRIF). Bà đặc biệt chú ý đến hiện tượng “thị phần ngày càng tăng của các công ty vũ khí từ Nam bán cầu” được chỉ ra trong báo cáo. Trong số đó, Ấn Độ là quốc gia đi đầu với 3 công ty nằm trong top 100 thế giới, chiếm 1,2% tổng doanh thu, tương đương với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, số lượng vũ khí được bán nhiều hơn từ Trung Quốc, nước láng giềng phía bắc của Ấn Độ. Từ năm 2015, Viện SIPRI đã đưa Trung Quốc vào đối tượng nghiên cứu của họ. Theo báo cáo mới nhất này, 5 công ty Trung Quốc đã lọt vào top 100 toàn cầu và doanh số bán vũ khí chiếm tới 13% tổng doanh thu toàn cầu. Theo báo cáo, cả 5 công ty này đều được hưởng lợi từ kế hoạch hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.
Khi đề cập đến các doanh nghiệp Trung Quốc, chuyên gia vũ khí Marksteiner đã lấy ví dụ về doanh nghiệp sản xuất vũ khí số một của nước này là Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc (NORINCO), chỉ ra rằng các doanh nghiệp quân sự-công nghiệp của Trung Quốc được hưởng lợi từ cái gọi là chính sách “hội nhập quân sự-dân sự”: NORINCO đã giúp phát triển một hệ thống vệ tinh quân sự-dân sự lưỡng dụng và kiếm được rất nhiều tiền.
Ngành công nghiệp quân sự Nga thụt lùi?
Ngoài Pháp ra, doanh số bán vũ khí của Nga bị giảm nhiều nhất: Doanh số bán vũ khí của 9 công ty Nga trong danh sách top 100 đã giảm 6,5% so với năm 2019. Markus Bayer, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Bonn, cho rằng việc các công ty Nga trong 100 doanh nghiệp bán vũ khí hàng đầu bị giảm mạnh doanh số có liên quan trực tiếp đến việc phát triển và mở rộng ngành công nghiệp vũ khí của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quốc gia này từng là những khách hàng mua vũ khí lớn của Nga.
Châu Âu nằm ở đâu?
Trong số 100 công ty doanh thu hàng đầu vào năm 2020, ngành công nghiệp vũ khí châu Âu chiếm 21% với 26 công ty trong danh sách và tổng doanh thu là 109 tỉ USD. Trong số đó, tổng doanh thu của 4 công ty vũ khí thuần Đức lên tới gần 9 tỉ USD.
Doanh số bán vũ khí của các công ty đa quốc gia châu Âu như Airbus đạt gần 12 tỷ euro, tăng 5% so với năm 2019. Châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia như vậy. Markus Bayer giải thích, “Châu Âu đang cố gắng thúc đẩy hợp tác thông qua các kênh chính trị để phát triển các ‘hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo’, ‘hệ thống không quân chiến đấu trong tương lai’ hoặc ‘hệ thống chiến đấu mặt đất’, để có thể chịu được chi phí phát triển của các hệ thống vũ khí mới này.”
Thu Trần