+
Aa
-
like
comment

Hé lộ “bệnh án” đặc biệt của học sinh 14 tuổi điên cuồng tát cô giáo

Chu Mộng Long - 19/02/2021 10:24

Tôi chỉ thốt lên một từ “buồn” mà không dám viết lời bình về vụ lộ clip cậu học sinh 14 tuổi tát cô giáo.

Clip học sinh đánh giáo viên trên mạng xã hội đang gây bức xúc lớn trong dư luận (ảnh nguồn internet).

Clip ngắn, không đầu không đuôi. Chỉ đoán được lý do đơn giản là trước đó cô giáo có thu điện thoại của cậu bé. Trong clip có tiếng ồn rồi cậu bé đi thẳng lên bàn cô giáo lấy điện thoại và bất ngờ tát cô giáo một cái. Trong lúc cậu bé lên bảng, có sự giơ tay ngăn chặn của các bạn nhưng không kiên quyết, vì có lẽ các bạn cũng không lường trước sẽ có cái tát kia. Cô giáo thì đứng như trời trồng vì cũng không tin có cái tát như vậy.

Trong lúc mọi người chỉ trích dữ dội, chỉ trích sự bố láo, vô đạo đức của cậu bé, chỉ trích leo thang đến bố mẹ cậu bé, chỉ trích luôn cả ngành giáo dục…, thậm chí đòi xử lý hình sự, đòi cách chức cả lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi vẫn phải im lặng. Vì trong nhạy cảm của tôi, hình như ở đây có vấn đề về tâm lý của cậu bé.

Cách vùng dậy đi thẳng lên bàn cô, cách tát bất ngờ của cậu bé vào cô giáo, rất nhiều khả năng tăng động do rối loạn cảm xúc hơn là một sự hỗn xược, bố láo của một đứa học sinh “mất dạy”. Mọi chỉ trích, chửi bới, quy chụp trong trường hợp này đều có thể hồ đồ và tác hại khôn lường đến cậu bé và gia đình cậu bé nếu cậu bé có bệnh.

Hành vi của học sinh này, triệu chứng này rất giống và thường xuyên diễn ra ở những trẻ vị thành niên bị tự kỷ, rối loạn cảm xúc. Thậm chí, với một người có “bệnh” này, còn có những lúc bộc phát và hành động “bạo lực” hơn nữa. Ý thức trong lúc người này thực hiện là 0, và thậm chí, họ không biết mình đã có hành động gì khi sự việc đã đi qua. Có khi, họ “mặc định” rằng, sự ngăn cản của mọi người là “khuyến khích”, khiến cho sự tăng động trở nên mãnh liệt hơn.

Gia đình nào gặp hoàn cảnh con cháu như thế này không sung sướng gì

Không ít những trẻ vị thành niên bị tự kỷ, rối loạn cảm xúc trên học đường ngày nay, mà còn có rất nhiều trẻ bị chứng rối loạn nhân cách, tâm thần và ảo tưởng – tất cả là những căn bệnh đáng lo và suy ngẫm của thời đại. Thế nên, khi sự việc chưa điều tra ngọn ngành, thì người lớn và người trí thức, cần bình tĩnh tiếp nhận thông tin. Trên đời, có nhiều sự việc thấy vậy, nhưng chưa chắc đã vậy. Nếu lỡ như, em học sinh kia là có bệnh thật, thì bao lời chì chiết vội vàng hôm nay của chúng ta sẽ là mũi dao, làm tổn thương, xé nát trái tim của người cha, người mẹ – phụ huynh của em ấy!

Chu Mộng Long

(Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm của tác giả)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều