+
Aa
-
like
comment

Hé lộ 3 thủ phạm chính gây “sốt đất” trong thời gian vừa qua

26/04/2021 08:14

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương”

Lợi dụng “tâm lý đám đông – hám lợi”

Trong văn bản “Đề xuất giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà” gửi Thủ tướng mới đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay.

Tình trạng này đã gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình. Đặc biệt, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Thủ phạm chính "sốt đất" là giới cò đất, doanh nghiệp bất lương? - Ảnh 1.
“Sốt đất” ở nhiều địa phương đang tiềm ẩn những hệ lụy lớn.

Theo Chủ tịch HoREA, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá – thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông – hám lợi”, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.

Về hệ lụy “sốt đất”, ông Lê Hoàng Châu chỉ rõ, khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng theo đám đông do thiếu vốn phải vay với lãi suất cao, lại không có đủ thông tin và kỹ năng, nên đã sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, “trắng tay”.

“Nhiều khu đất trở thành hoang hóa. Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn”, ông Châu nhấn mạnh.

“Áp đặt” giá bán nhà

Cũng theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, bên cạnh tình trạng sốt đất, còn có tình trạng giá nhà tăng vọt. Nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, thiếu sản phẩm nhà ở.

Cụ thể, thị trường thiếu căn hộ có giá vừa túi tiền (tầm trên dưới 35 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng), hoặc nhà ở thương mại giá thấp (tầm 20-25 triệu đồng/m2; giá căn hộ 2 phòng ngủ khoảng trên dưới 1,5 tỷ đồng), nhất là rất thiếu loại căn hộ nhà ở xã hội.

Thủ phạm chính "sốt đất" là giới cò đất, doanh nghiệp bất lương? - Ảnh 3.
Thị trường thiếu hụt nguồn cung khiến giá nhà bị tăng cao.

“Tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do các dự án nhà ở mới không được phê duyệt do bị “ách tắc” thủ tục đầu tư xây dựng, vô hình chung đã tạo lợi thế cho một số doanh nghiệp đã có sẵn dự án, có sẵn sản phẩm nhà ở “áp đảo” thị trường, “áp đặt” được giá bán và đạt lợi nhuận rất cao (thậm chí là “siêu lợi nhuận”)”, ông Châu nói.

Nói về nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc nguồn cung dự án nhà ở, nguồn cung sản phẩm nhà ở trong 05 năm qua, Chủ tịch HoREA cho rằng, có nguyên nhân bắt nguồn từ một số “vướng mắc, xung đột pháp luật” và từ công tác thực thi pháp luật tại một số địa phương.

Bởi lẽ, theo ông Châu, cùng mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng một số địa phương vẫn xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng (điển hình là Quảng Ninh, Long An), do Lãnh đạo các địa phương này đã vận dụng sáng tạo, quyết liệt và dám chịu trách nhiệm.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều