+
Aa
-
like
comment

Hãy tôn trọng các chuyên gia và lực lượng cứu hộ

Phạm Khoa - 09/01/2023 18:40

Câu chuyện bé H.N bị đã nhận được sự chú ý của dư luận cả nước. Đến lúc này, dù thông tin bé tử vong đã được xác nhận, nhưng các ý kiến liên quan đến công tác cứu hộ vẫn chưa hạ nhiệt.

Tỉnh Đồng Tháp lập tổ điều hành và bổ sung thêm người, thiết bị đến hiện trường vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông.

Với những người tiếp nhận thông tin không đầy đủ, ở khoảng thời gian sau khi công tác cứu hộ diễn ra, thì dễ nhận thấy nhất, vẫn là những câu hỏi, kiểu như: “Sao không cắt ống thành từng đoạn?”, “Sao không thòng dây xuống cho bé nắm?”, hay thậm chí, “Sao không dùng robot cứu hộ?”…

Do hiểu sai bản chất vấn đề, nên những câu hỏi trên khiến những người nắm được câu chuyện, hoặc người hiểu biết kỹ thuật vừa lắc đầu vừa chạnh lòng.

Độ sâu cọc trụ lên đến 35m, tương đương với độ cao của một tòa nhà từ 13-15 tầng bị dốc ngược. Thêm nữa, độ dài 35m này được nối bởi 3 trụ bằng các mối hàn, chứ không phải là một trụ có chiều dài xuyên suốt 35m. Do vậy, chắc chắn không có đủ ô-xy, và có thể có nước trong trụ (do xuyên qua các mạch nước ngầm), là những yếu tố cản trở cứu hộ tiếp cận được với Hạo Nam. Điều đó giải thích tại sao khi đưa camera xuống vào ngày 02/01/2023, đã hoàn toàn không nhận được tín hiệu nào.

Thứ nữa là trụ bê-tông, một khi đã đóng xuống để thiết lập mố cầu, thì chủ đầu tư hay đơn vị thi công nghĩ lại dám nghĩ đến câu chuyện sẽ nhổ lên. Cọc trụ càng “ăn” đất, chất lượng công trình càng đảm bảo. Do đó, phương án đưa trụ lên là giải pháp bắt buộc phải làm, chứ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, và ẩn chứa nhiều sự cố khó lường. Ngay cả các chuyên gia kỹ thuật cầu đường lão làng cũng không dám đảm bảo phương án rút cọc khả thi, với điều kiện máy móc, thiết bị trong thực tế tại công trường.

Khi các chuyên gia Nhật Bản tới hiện trường và đề xuất phương án cứu hộ, dù tính khả thi cao, nhưng năng lực thiết bị không đáp ứng được. Do công trường nằm giữa đồng ruộng, không thể huy động máy móc cơ giới nặng trong thời gian ngắn.

Cho đến lúc này, không thể không ghi nhận nỗ lực vượt bậc của lực lượng cứu hộ, và nhiệt tâm cứu người của nhiều công nhân, cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước. Hy vọng, em Hạo Nam sẽ sớm được đưa lên mặt đất, để an ủi nỗi lòng gia đình em. Việc nên làm lúc này, là thôi bàn tán, hoặc đưa ra các giải pháp phi thực tế. Hãy để việc cứu hộ cho đội ngũ chuyên gia, và lực lượng cứu hộ. Vì hơn ai hết, họ mới là những người có đủ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, cũng như trách nhiệm đối với xã hội để làm việc. Hãy kiên nhẫn, và tôn trọng họ.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều