Hãy thưởng cho đội tuyển Việt Nam như đã hứa!
Hai tuần sau tấm HCV SEA Games 30, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chỉ mới nhận được gần 1/4 số tiền được hứa thưởng từ các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiền thưởng vẫn chưa đến tay các nữ cầu thủ
Giống như vận động viên các môn thể thao khác hay những đồng nghiệp ở đội tuyển U22 Việt Nam, những tuyển thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã chiến đấu hết sức mình, thậm chí phải chịu chấn thương, chịu đổ máu để mang về tấm HCV SEA Games 30.
Những khoản tiền thưởng kỷ lục, cả lời hứa thưởng vì thế cũng dồn dập đến với thầy trò HLV Mai Đức Chung ngay từ thời điểm SEA Games còn chưa kết thúc. Theo thống kê, tổng số tiền mà các doanh nghiệp và Mạnh thường quân hứa thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau SEA Games 30 là 22 tỷ đồng. Nhưng theo tìm hiểu, thực tế số tiền đã được chuyển đến với đội tuyển bóng đá nữ đến thời điểm này mới là khoảng 5,3 tỷ đồng.
Có thể hiểu cái cảm giác ngất ngây “tận trời mây” khi tuyển nữ vượt qua đại kình địch Thái Lan để bảo vệ ngôi hậu, vì vậy các quyết định, những lời tuyên bố trao thưởng đượt thốt ra rất dễ dàng.
Còn bây giờ, khi niềm vui ấy qua đi, phải đối diện với chuyện thực hiện lời hứa, đem “tiền tươi thóc thật” trong nhà đi tặng đội tuyển, mới là chuyện thực sự khó khăn. Vì thế, trong 22 tỷ đồng “hứa thưởng”, đội tuyển mới chỉ nhận được 5 tỷ đồng là điều dễ hiểu.
HLV Mai Đức Chung hy vọng tiền thưởng sớm được chuyển không phải cho cá nhân mình mà những người mà ông nghĩ đến trước tiên chính là các học trò. Các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp quần đùi, áo số, họ cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nỗ lực chẳng kém gì các đồng nghiệp nam thậm chí có thể nói là hơn để có thể thành công với bóng đá, trong màu áo đội tuyển quốc gia. Vì thế, họ xứng đáng được hưởng thành quả và tấm HCV SEA Games và những phần thưởng đi kèm là một trong số đó.
Hành động thể hiện trách nhiệm với xã hội
Cũng là một cách thưởng cho các cô gái vàng, nhưng cách mà Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang làm là thưởng bền vững. Theo đó, để ghi nhận sự đóng góp và cống hiến của các nữ cầu thủ cho nền thể thao nước nhà, giúp các tuyển thủ yên tâm thi đấu, cống hiến vì màu cờ sắc áo của dân tộc, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ đồng hành cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong việc thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội thông qua việc sẽ nhận bảo trợ nghề nghiệp cho các cầu thủ nữ đội tuyển Quốc gia Việt Nam sau khi giải nghệ trên cơ sở nguyện vọng và địa bàn sinh sống của các cầu thủ. Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết: “Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mong được góp một phần trách nhiệm của mình đối với nền bóng đá nước nhà đặc biệt là bóng đá nữ, tạo điều kiện cho các cầu thủ nữ yên tâm phấn đấu và rèn luyện, góp phần đem lại những thành tích xuất sắc cho nền thể thao Việt Nam trên trường quốc tế”.
Đừng để lời hứa chỉ là lời hứa
Dừng ở đây chúng ta thấy, nếu như sáng kiến “bảo trợ nghề nghiệp” cho các vận động viên, cầu thủ nữ đạt thành tích cao của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có ý nghĩa bao nhiêu thì “những lời hứa thưởng hão” của một số cá nhân/doanh nghiệp càng đáng trách bấy nhiêu.
Dù pháp luật không có quy định xử lý đối với việc người hứa thưởng không thực hiện trả thưởng. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp, cá nhân đã hứa thưởng cho đội tuyển nữ nhưng chưa hoặc không thực hiện thì trước hết họ sẽ đánh mất uy tín, niềm tin của các cầu thủ trẻ, đối tác kinh doanh và nhất là niềm tin của người tiêu dùng.
Từ đây kéo ra một vấn đề đó là: Danh dự của ngưởi hứa thưởng. Chẳng lẽ danh dự con người lại rẻ mạt đến thế? Tại sao có những người lại có can đảm “hứa cho vui”, “hứa lấy danh lấy tiếng” mà chưa hoặc không thực hiện, để cho người được nhận thưởng phải mỏi mòn chờ đợi và ngậm ngùi cay đắng?
Cần phải nhớ, khác với các cầu thủ nam với mức lương hàng chục triệu đồng, lương cứng của cầu thủ nữ ít hơn nhiều, tiền thưởng dành cho bóng đá nữ từ xưa đến nay cũng ít hơn hẳn. Đó là lý do sau những lần hiếm hoi được thưởng “khủng” như thế này, các cầu thủ ai cũng lên kế hoạch sử dụng tiền thưởng sao cho có hiệu quả nhất, giúp đỡ gia đình, tích lũy cho bản thân và đầu tư cho tương lai.
Đơn cử như tiền vệ Tuyết Dung quyết định dành một phần tiền thưởng để trả nốt tiền xây nhà cho bố mẹ còn nợ, đi du lịch. Một vài cầu thủ khác của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa dự SEA Games 30 cũng ấp ủ hy vọng mua được cho mình chung cư, một phần từ số tiền thưởng được nhận để tương lai có một cuộc sống ổn định hơn.
Mục tiêu ấy, mong muốn đó của bất cứ cầu thủ hay VĐV thể thao nào là hoàn toàn chính đáng nhưng không phải ai cũng có cơ hội và điều kiện thực hiện. Và có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng nếu không có được tiền thưởng kỷ lục hậu SEA Games thì các tuyển thủ bóng đá nữ sẽ không thể nào mua nổi chung cư hay giúp gia đình vài trăm triệu đồng.
Nói ra câu chuyện trên để thấy, không ai bắt ép các vị phải hứa thưởng cả. Vì vậy, các cá nhân/doanh nghiệp đã hứa thưởng cho các vận động viên thì hãy thực hiện lời hứa của mình đi.
Hãy để “lời nói đi đôi với việc làm”, để giữ danh dự cho mình, và cũng đồng thời qua việc thực hiện lời hứa đó, hiện thực hóa giấc mơ cho các vận động viên, cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn.
Diệu Hương