+
Aa
-
like
comment

Đâu phải lúc buông lời cay nghiệt với những nạn nhân có thể là người Việt

Ái Dân - 29/10/2019 14:40

Chấn động. Sốc. Choáng. Xót xa… là những cảm xúc đang tràn ngập trên mạng xã hội mấy ngày nay khi nói về 39 thi thể được phát hiện trên chiếc xe container tại Anh. Dù có thế nào, đọc những dòng tin nhắn cuối cùng gửi cho mẹ của cô gái xinh xắn chỉ hơn em gái mình vài tuổi, tôi vẫn thấy tim như bị bóp nghẹt và cảm giác đau nhói…

39 con người mà phỏng đoán phần lớn hoặc tất cả đều là người Việt đã đánh đổi sinh mạng của mình trên hành trình đến miền “đất hứa”. Khi hay tin về trường hợp của Trà My, cô gái đã phải vay mượn một khoản tiền lên tới 30.000 bảng Anh để có thể tham gia đường dây vượt biên dạng này, tôi đã nghĩ về cái nghèo, cái quẫn khiến nhiều người trẻ lựa chọn cách thoát nghèo như thế. Nhưng rồi, những bình luận hồi đáp của bạn bè lại cho tôi thấy một bức tranh khác, một: GIẤC MỘNG ĐỔI ĐỜI.

Thật buồn khi phải chứng kiến những giấc mơ đổi đời như vậy. Những giấc mơ phải đánh đổi không chỉ tính mạng như 39 nạn nhân vừa được phát hiện, mà còn là gia tài  những người cha, người mẹ đi vay mượn để cho con mình “đánh cược với số mệnh” đi theo những đường dây đưa người vượt biên. Tối hôm trước, trên chương trình thời sự, tôi thấy những gương mặt người cha, người mẹ ướt đầm nước mắt. “Giấc mơ đổi đời” khiến nhiều người vợ dứt con mới sinh, bỏ lại chồng để sang Đài Loan lao động xuất khẩu. “Giấc mơ đổi đời” khiến nhiều người trẻ bỏ cả tương lai của mình chấp nhận lên đường sống chui lủi xứ người. “Giấc mơ đổi đời” khiến người ta mê hoặc trong những hành trình dài, bất tận và mong manh mạng sống…

Nhìn lại không chỉ là câu chuyện vượt biên trái phép, sống chui xứ người mà còn là câu chuyện của giấc mộng đổi đời nhanh chóng của nhiều người. Vấn đề không phải nằm ở những kẻ buôn người – những đường dây đưa người vượt biên. Vấn đề còn nàm ở lối tư duy làm giàu, kiếm tiền bằng việc đẩy con em mình, vợ mình, chồng mình tham gia những đường dây đó. Để có tiền con cái gửi về, vợ hoặc chồng gửi về đỡ phải lao động vất vả. Phải thẳng thắn nhìn nhận để thay đổi, để không còn đau lòng nghe tin về những chuyến xe tử thần như thế này một lần nào nữa, chứ không phải chua chát như những gì chúng ta đang chứng kiến, sau thảm kịch, cõi mạng đã vội chia làm hai phe.

Một người cha ở Nghệ An đau đớn khi tia hy vọng về sự sống sót của con đang ngày càng tắt dần

Phe thứ nhất cho rằng do đất nước nghèo đói, khổ cực, ô nhiễm nên họ phải bỏ đi tìm xứ thiên đường. Nguyên nhân ra đi của những nạn nhân xấu số bị họ gán cho, biến thành tị nạn chính trị, tị nạn cộng sản…, những lý do mà người trong cuộc không nghĩ tới. Chi phí cho chuyến đi, nhiều hay ít cũng bị mổ xẻ với ngôn từ nhiều khi không hay lắm. Phe thứ hai lại cho rằng, họ bỏ ra 30.000 bảng Anh để đi thì không thể nói họ nghèo, mà vì họ tham nên phải chịu…

Vô tình, nỗi đau mất mát càng bị khoét thêm sâu. Mình không dám phán xét, đổ lỗi hay chê trách những người bỏ xứ mà đi ấy vì không đủ thông tin và không nằm trong hoàn cảnh của họ. Chỉ thấy thương cảm vô cùng, khi nghĩ đến cảnh họ vật lộn trong thùng container kia rồi chết dần theo kiểu chôn sống thời trung cổ mà ớn lạnh, xót xa. Chỉ mong nếu có nạn nhân người Việt, họ sẽ sớm được đưa về quê nhà, để những cánh chim không còn phải cô đơn, lạnh lẽo ở xứ người.

Trước mắt chúng ta là người đồng hương có thể nằm trong chiếc xe tải đông lạnh đó. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, điều cần thiết là liên tục chắp nối thông tin, chia sẻ, để người nhà sớm xác nhận nạn nhân có phải người thân của mình đã mất hay không?. Bây giờ chưa phải lúc lên án, gièm pha những nạn nhân mất tích hoặc có thể đã chết trong chuyến xe tử thần đó. Điều cần hơn là để cho những người đang có ý định ra đi bằng con đường tương tự biết rõ thực tế đang chờ đợi họ không phải khi nào cũng đầy hứa hẹn, không phải ai cũng có thể đổi đời.

Người Anh biết rằng khi những người nằm lại trong container kia vào nước Anh sẽ gây phiền toái cho họ nhưng vẫn cố gắng làm những điều tốt nhất cho họ. Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao vẫn làm việc với tinh thần tốt nhất để xác minh thông tin, hỗ trợ các gia đình trình báo cũng như bảo vệ quyền công dân Việt Nam dù ở thân phận, hoàn cảnh nào. Còn chúng ta, nhiều người vẫn còn đang lên mạng cãi nhau chuyện đúng, sai và buông những nói lời gây tổn thương cho thân nhân những nạn nhân có thể là người Việt.

Thật buồn…

Ái Dân

Bài mới
Đọc nhiều