+
Aa
-
like
comment

Hãy thận trọng khi nhấn nút share trong đại dịch

Hải Anh - 28/07/2020 17:51

Mới đây vừa có ca nghi nhiễm ở Đà Nẵng, đến chiều thứ sáu, tin tức như “sân bay Đà Nẵng vỡ trận” đã lan đầy trên mạng, người người rủ nhau đi mua gạo, mì tôm, đổ xô mua khẩu trang. Và hôm qua một bài viết mạo danh tung tin sai về phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng được nhiều người like, share nhiệt tình. Câu hỏi “nên share gì trong thời dịch bùng phát” lại phải được đặt ra.

Thực tế, like, share là để tương tác giúp bài viết đó đến với nhiều người hơn. Nhiều người suy nghĩ đơn giản cứ like đâu mất gì, đâu bị gì… để rồi sau đó lại than phiền trên mạng xã hội toàn thứ nhảm nhí. Bạn like, share thứ nhảm nhí, mạng xã hội cho rằng bạn quan tâm đến chúng và hiển thị thêm những thông tin tương tự và bạn vẫn vô tư like share để tiếp tục nhận thông tin nhảm nhí. Chính hành động của bạn góp phần tung hô những thứ nhảm nhí tồn tại trên mạng xã hội. Tin tức giật gân, tin fake, tin sai sự thật… có đất sống vì người ta quan tâm đến vấn đề đó, nhưng đáng sợ hơn là nhiều người biết đó là tin giả, sai sự thật nhưng vẫn like như một thói quen với suy nghĩ: trong thời đại này ai ngốc thì ráng chịu.

Để không bị “cuốn” vào một “rừng” thông tin trên mạng, bản thân người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo, kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin để tránh mắc lừa, hoang mang vô cớ.

Việc share một thông tin gì đó có thể tạo ra hiệu ứng rất lớn. Mới đây thôi tôi còn phải tranh biện với những người share nội dung: “trẻ biết đi sớm khiến chân vòng kiềng”. Thông tin này được 1 người bán hàng online đăng kèm hình một đứa bé bị bó bột 2 chân tạo ra một làn sóng mạnh mẽ đến mức gần nửa bạn bè của tôi tin đó là sự thật. Tôi nghĩ, những trường hợp đăng tin giả, nếu như có cơ sở khẳng định thông tin đó sai sự thật, cần có chế tài xử phạt thích đáng. Nếu chỉ mong chờ ý thức của người sử dụng mạng, thì vẫn sẽ tràn ngập những thông tin kiểu “không ăn đường khỏi ung thư”, “bôi kem nano trị 46 bệnh”…

Bạn có thể tự hỏi rằng trong những gì mình đã share trên mạng xã hội suốt nửa năm qua liên quan đến đại dịch? Ngay lúc này, mỗi người trong chúng ta đều là một chiến binh chống dịch. Covid-19 khiến mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm lớn hơn với cộng đồng. Ngày thường, thể trạng xã hội khỏe mạnh và năng lực tự điều chỉnh cao. Nhưng cơ thể xã hội đang yếu. Nó mẫn cảm với thông tin và các lời kêu gọi.

Trong bối cảnh chính phủ các nước và cả Việt Nam đang căng sức với “cuộc chiến” chống dịch bệnh nCoV bùng phát trở lại thì những thông tin sai lệch, thiếu chính xác hoàn toàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân, tạo nên các cơn khủng hoảng, gây bất an trong cộng đồng. Ai cũng biết rằng, những tin như vậy sẽ không đem lại ích lợi gì, nếu không nói rằng, đôi khi nó vô cùng nguy hiểm.

Nhiều facebooker rất giỏi suy luận, hư cấu. Các nguồn tin qua tay họ, đã được “nhào nặn, thêm mắm, thêm muối”, “tam sao thất bản”, đủ “hù doạ” cư dân mạng. Cũng không ít người vừa tiếp nhận thông tin vỉa hè, truyền miệng, thậm chí cả những thông tin ngụy tạo, đã ngay lập tức “like, comment và share”, thay vì tiếp nhận thông tin từ những kênh chính thống, hoặc thận trọng, kiểm chứng thông tin để đảm bảo tính xác thực.

Để không bị “cuốn” vào một “rừng” thông tin trên mạng, bản thân người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo, kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin để tránh mắc lừa, hoang mang vô cớ. Hơn ai hết, chúng ta hãy là người chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm để tự bảo vệ mình và chiến thắng sự hoang mang, hoảng loạn. Tiếc rằng quá nhiều người sẵn sàng chia sẻ một dòng trạng thái chỉ 2 chữ “Toang rồi”.

Khi trên tay mỗi người có ít nhất là một smartphone thì việc share vô tội vạ các thông tin như là một căn bệnh đang ngày càng nghiêm trọng nếu người share không đủ tỉnh táo. Mong rằng bất cứ ai trước khi share một thông tin nào đó nên trả lời 3 câu hỏi “Thông điệp này ở đâu ra, Nó được tạo ra đủ trách nhiệm hay không và việc chia sẻ để làm gì, có giúp được ai không…”. Nếu nhiều người cùng thực hiện điều này thì tác dụng của việc sử dụng internet là rất lớn đối với xã hội!

Trước đại dịch, phản ứng lo âu là bình thường. Tuy nhiên, thay vì bị cuốn vào vòng xoáy lo âu thái quá và không hồi kết, bạn hãy chủ động nhận diện nguồn gốc của các nỗi lo âu, tìm ra giải pháp tương ứng, và biết khi nào cần phải dừng lo toan.

Sự lo lắng, hoang mang quá mức sẽ không có lợi gì cho phòng chống dịch Covid-19. Thay vì quá lo lắng, hãy cẩn thận làm những cách rất đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả giúp phòng tránh bệnh: tránh những chỗ đông người, rửa tay thường xuyên và đúng cách… Hãy chấp nhận rằng bạn không thể tính toán trước mọi điều ở tương lai. Trước khó khăn, chúng ta sẽ cùng nhau ứng biến. Như cách Tom Hanks nói khi thông báo tin nhiễm Covid-19 – “one-day-at-a-time-approach” – chúng ta sẽ giải quyết từng vấn đề, từng ngày một.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều