Hãy “nói dân hiểu, làm dân tin, thực sự vì nhân dân”!
Vừa qua, bão lũ triền miên, thiệt hại khó lòng đong đếm hết được. Đáng chú ý là đằng sau bão lũ, tình trạng sạt lở đất đang trở nên phổ biến càng khiến người dân ở nhiều địa phương trở nên bất an.
Có những vụ sạt lở nghiêm trọng nhấn chìm cả thôn bản, làm tê liệt giao thông, đe doạ tính mạng người dân. Hàng tấn đất đá đổ ập xuống, mới tưởng tượng thôi cũng kinh hãi.
Nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, sạt lở đã được đề cập đến nhiều. Bên cạnh yếu tố cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu, đặc điểm cấu trúc địa chất… thì những hoạt động có bàn tay của con người như xây dựng công trình, khai thác tài nguyên khoáng sản, để mất rừng tự nhiên cũng là yếu tố “nhân tai”, gián tiếp gây nên thảm hoạ.
Những cuộc toạ đàm liên tục được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, những câu hỏi, chất vấn được đưa ra giữa nghị trường Quốc hội… Cả nước đau đầu về việc làm sao để tăng diện tích che phủ rừng, chống để mất rừng phòng hộ, tăng khả năng chống đỡ, ứng phó với thiên tai… Thậm chí, nhiều cá nhân tổ chức tự bỏ tiền để gây quỹ trồng rừng, phủ thêm cây xanh.
Ấy vậy mà chẳng hiểu sao, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” ấy, UBND tỉnh Ninh Bình lại có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Duyên Hà.
Đã đành khai thác mỏ đá vôi, sản xuất xi măng là thế mạnh của các doanh nghiệp trên địa bàn Ninh Bình, mục đích là phát triển kinh tế và tăng đóng góp cho địa phương. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ NN&PTNT cho rằng, tờ trình của tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17 ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi, là không đúng với quy định hiện hành.
Cụ thể, căn cứ vào các quy định hiện nay, Chính phủ quy định: “Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản…”.
Do đó, Bộ khẳng định, dự án không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.
Tóm lại là đề xuất này đã bị bác bỏ!
Người viết đánh giá cao sự tỉnh táo và trách nhiệm của Bộ NN&PTNT ở quyết định nói trên. Đồng thời cũng bày tỏ mối băn khoăn và lo ngại, còn bao nhiêu địa phương như Ninh Bình vẫn sốt sắng với phát triển kinh tế thiếu bền vững như vậy?
Phải chi các địa phương đều giữ được thái độ nhiệt tình, ủng hộ như thế này với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp!
Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp từng cho biết, nếu so sánh những vụ chặt phá rừng tự nhiên thì sẽ không thấm vào đâu so với những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (Báo Chính phủ, 14/3/2019).
Với việc Bộ Nông nghiệp “bác” hàng loạt dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chỉ trong 3 năm (2016-2018), bình quân mỗi năm cả nước giảm 35% vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011-2015.
Có thể, việc bác bỏ những đề xuất “chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ” sẽ khiến mếch lòng các địa phương và một số doanh nghiệp nhưng người viết cho rằng, không thể làm khác!
Hơn tất cả, lãnh đạo địa phương cần phải hiểu rõ nhất điều gì là cần thiết cho dân và cho phát triển kinh tế bền vững. Nếu chỉ vì ngân sách địa phương mà đánh đổi môi trường, ảnh hưởng đến an toàn người dân… liệu có đáng?
Trong sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra sáng 18/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra thông điệp nhắc nhở:
“Phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Phải áp dụng triệt để nguyên tắc nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, đồng thời làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước, không mị dân”.
Thiết nghĩ, yêu cầu đó của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tránh biểu hiện hình thức trong hoạt động cũng là điều cần phải được thực hiện trong toàn bộ máy, nhất là cấp chính quyền địa phương, những đơn vị, tổ chức tiếp xúc gần với dân nhất. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, trích lời dạy của Bác Hồ.
Nhân dân rất tinh tường. Và họ biết, lãnh đạo địa phương làm điều gì là tốt cho họ và điều gì không.
Bích Diệp/DT