Hãy ngừng xuyên tạc Tổng Bí thư và Đảng Cộng sản Việt Nam
Dưới con mắt của nhiều đối tượng “dân chủ” ở hải ngoại, những vấn đề xung quanh công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII luôn bị “bẻ” hướng, hòng lái dư luận tới sự hoài nghi, mất tin tưởng vào Đảng.
Mới đây, trên trang VOA phiên bản Tiếng Việt có đăng bài “Thiên hạ tỉnh cả, chẳng lẽ đảng muốn ngược lại?” của tác giả Trần Văn. Dĩ nhiên, đọc xong chúng ta dễ nhận thấy tác giả đã “bẻ” ngòi bút sang những luận liệu xuyên tạc, khích bác… về Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, về Đảng, cũng như công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII sắp tới.
Xuyên tạc một cách trắng trợn
Vừa qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII họp và bế mạc vào chiều 14/5. Tại Hội nghị, Trung ương đã xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiêu chuẩn, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.
Thế nhưng, dưới con mắt của nhiều đối tượng “dân chủ” ở hải ngoại, những vấn đề xung quanh công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII luôn bị “bẻ” hướng, hòng lái dư luận tới sự hoài nghi, mất tin tưởng vào Đảng. Chẳng hạn như trong bài viết của Trần Văn nói trên, tác giả này đã cả gan bịa đặt rằng Tổng Bí thư không tỉnh táo.
Rằng: “Không có thông tin nào về việc ông Trọng không được bình thường nhưng rõ ràng là ông thiếu tỉnh táo. Có người tỉnh táo nào lại đặt vấn đề như thế này: Phải chăng trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, không tham vọng quyền lực, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?”
Thực tế, với chủ trương lật đổ chính quyền, xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta, các thế lực thù địch chú trọng nuôi dưỡng các tổ chức phản động sống lưu vong ở nước ngoài kết hợp với một số phần tử cực đoan, bất mãn trong nước, gây rối, kích động ly khai và tôn giáo hóa dân tộc, làm mất ổn định xã hội ở một số vùng, khu vực nhạy cảm, những trung tâm kinh tế – xã hội của Việt Nam, nhằm từng bước lật đổ chính quyền ở địa phương và Trung ương.
Hãy ngừng xuyên tạc và nhìn thẳng vào thực tế ở Việt Nam
Để tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Đảng ta đã khẳng định: “Phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Đây là nguyên tắc cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và là nhất quán của Đảng ta. Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang vừa là yêu cầu, nội dung vừa là tư tưởng, phương châm chỉ đạo của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.
Song song, tư duy của Đảng là không tách rời phương thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang, cũng không tuyệt đối hóa một phương thức nào dù trong tình huống có bạo loạn lật đổ hay trong điều kiện hòa bình. Yêu cầu của việc kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh phi vũ trang là phải tạo nên sức mạnh tổng hợp cao nhất, tạo sự tác động, hỗ trợ lẫn nhau tốt nhất nhằm phục vụ thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, triệt phá mọi âm mưu, thủ đoạn bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Vì thế, những luận điệu xuyên tạc như đã nói ở trên, về cơ bản không thể thay đổi được bản chất tốt đẹp của chế độ, của Đảng mà nhân dân Việt Nam đã dày công xây dựng qua nhiều thời kỳ.
Hơn bất kỳ những nhà hoạt động “dân chủ” nào ở hải ngoại, cử tri – nhân dân Việt Nam luôn trực tiếp thấy hình ảnh Tổng Bí thư. Thậm chí, trong một buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, một cử tri nói rằng: “Thấy đồng chí mạnh khỏe, chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng, phấn khởi”. Đây dường như là tiếng nói, sự quan tâm sâu sắc toàn thể nhân dân với sức khỏe của những người đứng đầu nói chung.
Chẳng phải ngay chính Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 11/5/2020 vừa qua là một một minh chứng đó sao. Tổng Bí thư đã cho dư luận trong nước lẫn quốc tế thấy sự minh mẫn, tỉnh táo cả về sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào. Đó là chưa nói đến cả một chuỗi hoạt động trong công tác điều hành đất nước suốt thời gian qua.
Cũng chính sự minh mẫn, sức khỏe tốt đó đã và đang giúp Tổng Bí thư đưa ra những quyết sách đúng đắn, phương hướng hợp lý để chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội, giúp Đảng chọn ra được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ sức đủ tài, đủ tâm, xứng tầm lãnh đạo đất nước.
Đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc hoàn toàn không do sự sắp đặt, không phải là do ý muốn chủ quan, duy ý chí của cá nhân một ai hết. Mà nó xuất phát từ nguyên tắc dân chủ trong bầu cử.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương, mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng.
Thực tế lúc này, gần như đi đến đâu, ở chỗ nào, cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân tỏ ra quan tâm, theo dõi và có phần băn khoăn, lo lắng, đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó?
Đặc biệt, Đại hội XIII sắp tới được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; vào thời điểm có nhiều dấu ấn quan trọng của đất nước. Đây cũng là thời điểm đặc biệt, khi đất nước có sự chuyển giao mạnh mẽ thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến và lớp cán bộ sinh ra thời bình.
Chính bối cảnh đó lại càng đòi hỏi Đại hội phải lựa chọn cho được những cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng, có đủ Tài, đủ Đức, đủ bản lĩnh chính trị. Vì thế, công tác lựa chọn, quy hoạch cán bộ phải đồng bộ từ trên xuống dưới, ở các cấp đều phải được coi trọng.
Nếu coi nhẹ để dẫn đến nảy sinh tiêu cực sẽ rất nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời đòi hỏi “thế hệ chuyển giao” kế cận phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, phải luôn trau dồi, học hỏi và làm theo tư tưởng của Người.
Có thể thấy, từ những người đứng đầu, cho đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và cử tri nhân dân, tất cả đang dồn hết tâm trí, sức lực vì một Việt Nam hùng cường, vì một Việt Nam phát triển để có thể tự chống chọi với những diễn biến hết sức phức tạp từ bên ngoài cả về an ninh-quốc phòng, kinh tế-chính trị…v..v.
Vì vậy, đã đến lúc những “cây bút hải ngoại”, nhà “dân chủ rởm” kia, hãy ngừng xuyên tạc và hãy thử một lần nhìn thẳng vào thực tế Việt Nam đang có, sẽ có để thay đổi nhận thức tư tưởng.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả