+
Aa
-
like
comment

Hãy luôn trân quý giá trị của sự hi sinh cho độc lập, tự do!

Hải Anh - 21/07/2020 17:57

Gần đây, những hình ảnh bệnh nhân là những thương binh, bệnh binh cầm cờ đỏ sao vàng chạy vòng quanh sân, miệng hô vang khẩu hiệu xung phong hò reo như thể ngày ăn mừng cho chiến công của quân ta, mải miết phất lá cờ đỏ sao vàng như báo hiệu tin vui khiến người xem không khỏi xót xa. Thế mới thấm hết giá trị của sự hi sinh cho độc lập, tự do!

Như lời Bác Hồ từng viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ người trở về lành lặn, người trở về thiếu hụt đôi mắt, đôi tay hay phải bước đi trên đôi nạng gỗ, người phải vào viện tâm thần… Thực tế, chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi ám ảnh về những trận đánh khốc liệt, về bom đạn, tiếng súng vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí những người lính.

Có lẽ đối với họ, trong ký ức còn sót lại giờ đây chỉ đơn giản là nỗi đau chiến tranh, là nỗi niềm thương tiếc đồng đội và cả niềm vui chiến thắng. Có những vết thương không bao giờ chữa lành, có những con người ra khỏi trận chiến là một con người khác, không nhớ nổi bản thân mình.

Chiến tranh đã qua đi và lùi xa theo năm tháng nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ người trở về lành lặn, người trở về thiếu hụt đôi mắt, đôi tay hay phải bước đi trên đôi nạng gỗ, người phải vào viện tâm thần…

Vì nền độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, nhiều người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam, trong đó có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi, họ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, để lại những trang sách, giảng đường đại học lên đường chiến đấu chống quân thù. Nhiều người đã hi sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường hay trong những nhà tù của thực dân, đế quốc vì lí tưởng cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân. Sự hi sinh của các mẹ, của những thương, bệnh binh, liệt sĩ đã đi vào lịch sử dân tộc như những huyền thoại.

Còn nhớ từng câu, từng chữ trong cuốn nhật ký của bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. “Tuổi trẻ gửi lại vào những năm tháng chiến tranh, bom đạn, những gian khó thời chiến. Họ ra đi, mang niềm tin và hoài bão, ước mơ của tuổi xuân gửi vào từng câu từ trong những cuốn sổ đượm mùi thuốc súng, mùi bom đạn. Họ vẫn sống và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, dẫu luôn biết trước rằng, trong khúc ca khải hoàn của ngày mai chiến thắng sẽ chẳng có mình”.

Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết nhưng Tổ quốc đang trong cơn nguy biến, cần đến sự dốc sức của tất cả mọi người, vì vậy họ sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn lòng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ cũng gác lại ước mơ hạnh phúc, bỏ lại giếng nước, gốc đa, bỏ lại người vợ trẻ “mòn chân bên cối gạo canh khuya”, bỏ lại sau lưng “thềm nắng lá rơi đầy” để thực hiện nghĩa vụ với quê hương.

Tháng 7 luôn là khoảng thời gian mà cả xã hội, trong đó có thế hệ trẻ hướng sự quan tâm, chia sẻ, tình cảm về những thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các hoạt động của tuần lễ “Đền ơn đáp nghĩa” và lễ “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 luôn là những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như những lời tri ân sâu sắc nhất của tuổi trẻ đối với lớp cha anh. Chiến tranh khốc liệt và đau đớn như vậy, để hôm nay những thế hệ sau luôn phải biết ơn những người đã hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho cuộc sống độc lập tự do hôm nay. Chúng ta đừng than vãn hay buồn mà thay vào đó hãy sống bình yên, cố gắng, và yêu quý trân trọng những người đã cho ta cuộc sống đáng quý này.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều