Hãy là một người đọc thông thái!
Hiện nay, khi hàng triệu đồng bào trên cả nước đang hướng về miền Trung, chia sẻ những khó khăn với người dân trong cơn hoạn nạn thì một số trang mạng, tờ báo liên tục chia sẻ những hình ảnh từ nước ngoài, hoặc trong quá khứ, rồi xào xáo lên để minh họa cho nỗi khổ của người dân nơi rốn lũ để mục đích câu like, câu view. Điều này đã khiến nhiều người dân nhẹ dạ cả tin sử dụng những tấm ảnh đó để chửi bới, bôi nhọ chính quyền.
Đến thời điểm hiện tại, nước lũ đã rút ở nhiều nơi, công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ vẫn đang tiếp tục. Nhiều lực lượng chức năng chưa thể nghỉ ngơi, nhiều đoàn thiện nguyện vẫn đang lên đường, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn đang ngày đêm chia sẻ những thông điệp của lòng tốt, biến mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để kêu gọi sẻ chia và cứu trợ cho miền Trung thân yêu.
Trong những ngày qua, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ sức mạnh của mạng xã hội – trở thành nơi huy động sức mạnh cộng đồng. Nhờ truyền thông, mạng xã hội mà nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay chia sẻ những thông điệp của lòng tốt, biến mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để kêu gọi sẻ chia và cứu trợ cho miền Trung thân yêu. Tuy nhiên, vẫn có những người đang lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để tung tin thất thiệt, câu like, câu view rất đáng chỉ trích.
Chưa dừng lại ở đó, một số trang tin còn lấy lại câu chuyện nhiều năm trước và đăng tải lại, cố tình phủ nhận sự nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, các nhà hảo tâm, gây bức xúc trong dư luận.
Ví dụ như hình ảnh “anh Võ Quang Nông gỡ mái nhà, đưa cha mình lên xuồng cứu hộ để đến bệnh viện cấp cứu” đăng trên báo điện tử Vietnamnet đã biến thành “con cháu của mẹ phải dỡ gạch, ngói trên mái nhà để mang mẹ đi chôn cất”… Hay như thông tin người mẹ ôm con dưới bùn trong vụ sạt lở tại Quảng Trị thu hút hàng trăm lượt chia sẻ trên Facebook nhưng lại là thông tin sai sự thật. Thực chất, đây là hình ảnh bức tượng tại Trung Quốc. Bản chất, tại khu vực mà Facebooker này đề cập (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngày 17/10 đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến một gia đình 6 người bị chôn vùi. Thông tin chính thức nói rằng trong số 6 người gặp nạn có một người mẹ mang thai, không phải “ôm con với tư thế chở che” như thông tin đăng trên Facebook.
Đặc biệt một số “nhà báo” lại lấy thông tin các báo đăng năm 2016 để dùng và xào xáo lại đăng bài viết về việc “chính quyền thu lại 400/500 ngàn của người dân được nhà từ thiện hỗ trợ” để mập mờ đánh lận con đen, nhằm tấn công chính quyền. Thực tế vụ việc này xảy ra ở thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào năm 2016. Ngay sau khi sự việc được báo chí đưa tin, chính quyền đã có giải thích rất rõ ràng rằng: sau trận lũ lịch sử năm 2016, các đoàn thiện nguyện ồ ạt mang tiền và vật chất tới địa bàn này để ủng hộ nhưng đoàn nào cũng chỉ chăm chăm tìm và ủng hộ “những người có hoàn cảnh khó khăn nhất, thiệt hại nặng nhất”… dẫn đến tình trạng có người, có hộ được ủng hộ rất nhiều, mì tôm cả lương khô ê hề ăn không hết, trong khi đó trên cùng địa bàn có nhiều người, nhiều hộ cũng bị ảnh hưởng thiệt hại nhưng không được hỗ trợ. Chính vì thế, chính quyền đã phải can thiệp vận động người dân nộp lại một phần tiền và vật chất được ủng hộ để phân bổ lại cho những hộ dân khó khăn hơn. Chủ trương này được đông đảo người dân ủng hộ. Nhưng rất tiếc, báo chí đã lợi dụng chuyện này để đăng lại câu like, câu view ám chỉ cán bộ chính quyền ăn chặn tiền cứu trợ của dân. Mới đây, tại Quảng Trị cũng xuất hiện nhiều tin xuyên tạc về công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn của chính quyền.
Hiện nay, trước tình hình mưa bão phức tạp ở miền Trung, đã xuất hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội không chính xác gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Thật tiếc, vẫn có không ít người dân nhẹ dạ cả tin bị dắt mũi nên đã like, share những tin như vậy. Thực tế, thông tin sai sự thật có thể đẩy mọi người vào tình thế nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực của các nhân viên cứu hộ và các tổ chức cứu trợ.
Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/4/2020, hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội có thể bị phạt mức cao nhất là 20 triệu đồng. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Như vậy việc đưa thông tin không đúng về tình hình mưa lũ, gây hoang mang sẽ bị phạt rất nặng. Hiện tại, Việt Nam có 60 triệu tài khoản Facebook cùng rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Đây có thể coi là kênh thông tin đa dạng nhất, đơn giản nhất và có sức ảnh hưởng rất lớn. Dù với bất cứ mục đích gì, việc lợi dụng thiên tai, nỗi lo lắng của cộng đồng để câu like, câu view bằng những thông tin giả mạo là rất đáng lên án. Bà con miền Trung vốn đã phải gồng mình quá sức để chống chịu với mưa lũ, nếu không giúp được gì thì cũng đừng khiến họ thêm bất an.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả