Hãy là một cổ động viên có văn hóa!
Hai đội tuyển Việt Nam và Indonesia đã có một trận đấu lượt về vòng loại World Cup 2022 khá kịch tính trước khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng với tỷ số 4-0. Nhưng sau đó có không ít cổ động viên Việt Nam chửi bới, miệt thị trọng tài và cầu thủ đội bạn.
Về phía Việt Nam, là một lối chơi đẹp mắt, linh động và cũng có phần may mắn, một kết quả tốt, một bước chạy đà chắn chắn cho lượt trận tới với Malaysia. Còn về phía đội bạn Indonesia, thì dường như người Indonesia đang chơi Pencak Silat – môn võ truyền thống của người Indonesia chứ không phải là đá bóng. Đó là ở trong sân cỏ, còn bên ngoài sân cỏ thì sao? Có rất nhiều cổ động viên Việt Nam tràn vào trang cá nhân của trọng tài chính Ahmad Alali, những cầu thủ Indonesia để miệt thị, chế ảnh bậy bạ, xúc phạm tôn giáo và thậm chí có cả những hành vi phân biệt chủng tộc.
Có một số bài đăng trên trang cá nhân của trọng tài Ahmad Alali nhận được khoảng gần 10 ngàn lượt phẫn nộ, 15 ngàn lượt bình luận mà phần lớn là những bình luận xúc phạm, miệt thị rất sâu cay, không chỉ ở đời tư mà còn về tôn giáo, đất nước, gia đình của vị trọng tài này. Ngoài việc “khủng bố” trang cá nhân của các tuyển thủ Indonesia, nhiều người Việt còn đổ xô vào trang cá nhân của những thành viên trong gia đình của các tuyển thủ này, như quấy rối vợ thủ môn Indonesia Argawinata. Tự hỏi không biết một số cổ động viên này đang làm cái gì nữa? Họ đang phơi bày cho thế giới thấy sự hung hãn, nguy hiểm, bầy đàn? Hay nhiều người nghĩ rằng những việc họ làm lần này có thể khiến trận đấu công bằng, trọng tài điều khiển công tâm hơn?
Cách đây ít ngày, chúng ta bức xúc, lên án một số cổ động viên Indonesia bình luận khiếm nhã trên các trang mạng xã hội của Văn Hậu. Nhưng chúng ta đâu có khác gì họ, nếu không muốn nói là còn hơn thế. Điều buồn cười là có rất nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ, MC… các trang mạng lớn cũng hùa theo, chia sẻ trang cá nhân của trọng tài. Họ hả hê và đắc thắng vì điều gì?
Biết là nhiều người hâm mộ Việt Nam bực tức vì những quyết định có phần nhẹ tay của trọng tài Ahmad Alali trong hiệp đầu và những hành vi có phần phi thể thao của những cầu thủ Indonesia. Nhưng đó là một phần của thể thao, ở bất cứ một giải đấu lớn nào, các cầu thủ Việt Nam đã đáp lễ lại những hành động đó bằng một thái độ thi đấu đúng mực, bằng một thắng lợi thuyết phục. Đó mới là sự “phản pháo” tốt nhất, chứ không phải là một đám đông hung dữ với những hành động mà nói thẳng ra là thiếu văn hóa.
Trong thể thao, những khái niệm như “troll”, “trash talk” hay nôm na là “gáy” là điều hết sức bình thường. Nhưng trong thể thao cũng có cụm từ “No to racism – Respect”, có nghĩa là không phân biệt chủng tộc, tôn trọng. Đặc biệt là môi trường kết nối rộng mở như hiện nay, sẽ ra sao nếu bạn bè thế giới nhìn về những hành động của những cổ động viên quá khích, rồi đánh giá người Việt là phân biệt chủng tộc, văn hóa kém… rồi xa hơn là hình ảnh đất nước, đến mối quan hệ làm ăn, du lịch, phát triển kinh tế, ngoại giao.
Đây không phải là lần đầu tiên mà cổ động viên Việt Nam “tấn công” trang mạng xã hội của những trọng tài điều khiển trận đấu có sự góp mặt của đội tuyển Việt Nam. Tại AFF Cup 2018, cư dân mạng Việt Nam tấn công trang cá nhân của trọng tài Phubes Lekpha – vị trọng tài điều khiển trận đấu giữa Việt Nam và Myanmar. Tại Asian Cup 2019, Facebook cá nhân của trọng tài Mohammed Abdulla Hassan đã bị giới “hacker” Việt Nam đánh sập. Tại giải đấu U23 châu Á 2020, một trọng tài khác cũng bị cư dân mạng thả mưa “phẫn nộ” và những bình luận xúc phạm, đó là trọng tài Mohanad Qasim Eesee Sarray – điều khiển trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Triều Tiên.
Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ trọng tài người Oman Ahmed Al-Kaf, từng được cổ động viên Việt Nam ca tụng lên mây xanh, tay bắt mặt mừng trước trận đấu với Thái Lan hồi cuối năm 2019. Nhưng sau đó, khi ông có những phán quyết bất lợi cho Việt Nam thì cổ động viên đã “trở mặt”, tấn công Facebook, Instagram cá nhân của vị trọng tài này. Đó, liệu có phải là tinh thần của những người yêu bóng đá đích thực? Liệu có phải là sự ủng hộ mà đội tuyển của chúng ta cần hay không? Đôi khi, sự ủng hộ tốt nhất lại là không cần làm gì cả. Chửi bới, miệt thị và “khủng bố” trang cá nhân của trọng tài hay cầu thủ đội bạn có thể giúp chúng ta thỏa mãn cảm xúc tạm thời, nhưng điều đó không giúp các cầu thủ chiến thắng, không khiến trận đấu công tâm hơn. Ngược lại, những hành động đó khiến hình ảnh đội tuyển đầy quyết tâm, lối đá đá cứng rắn, đẹp đẽ bỗng chốc tan biến.
Tifosi
* Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả