Hãy học Bác từ những điều giản dị nhất!
Câu chuyện tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng để thi công lắp đặt khẩu hiệu khu vực đồi Ông Tượng, TP Hòa Bình đang gây tranh luận trong cộng đồng. Theo thiết kế, Hòa Bình sẽ xây lắp dòng khẩu hiệu với 11 chữ là “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Thiết nghĩ, nếu nhớ ơn Bác thì nên học và làm theo tấm gương của Bác.
Học Bác từ những điều giản dị nhất
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác luôn dành mọi tình cảm cho đồng bào Việt Nam. Dù là một lãnh tụ, một người đứng đầu đất nước, một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới nhưng Bác luôn sống một cuộc sống giản dị, gần gũi với tất cả mọi người dân.
Chỉ cần tìm kiếm trên Google cụm từ “sự giản dị của Bác Hồ”, trong vòng vài giây sẽ có hơn một triệu kết quả được tìm ra. Nói vậy để thấy Bác Hồ là người vô cùng giản dị.
Quay lại với việc tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng phục vụ thi công lắp đặt dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, trước hết chúng ta cần thấy việc ghi nhớ, biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều cần thiết. Vậy nhưng có nhất thiết cần phải xây dựng khẩu hiệu một cách tốn kém như Hòa Bình đang thực hiện hay không? Thực tế, Hòa Bình không phải là tỉnh giàu. Đây là một trong những địa phương nghèo trên cả nước và hằng năm vẫn phải nhận sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Bình tính đến cuối năm 2019 là 11,36% (bằng 24.771 hộ nghèo). Khi mà người dân một số nơi cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc thì có lẽ việc thi công dòng khẩu hiệu với 11 chữ có giá gần 11 tỷ đồng là điều cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Việc Hòa Bình thi công dòng khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” làm tôi nhớ đến tác phẩm “Bệnh khẩu hiệu” mà Bác Hồ đã viết và đăng trên báo “Sự Thật” ra ngày 15/3/1949. Bác Hồ vẫn luôn dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được… Trước hết, mình phải làm gương…, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa”, “Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung đại khái, dẫn đến nói chung, ai cũng nói được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào”.
Nếu đã nhớ ơn Bác Hồ, nếu đã muốn học tập và làm theo gương Bác thì nên học Bác từ những điều giản dị. Chúng ta không cần đao to búa lớn, không cần khẩu hiệu hoành tráng, không cần chạy theo những giá trị phù phiếm hình thức. Bác Hồ của chúng ta là người: “cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu.” (đánh giá của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Bác đã nhiều lần khẳng định : “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Giá trị cao quý mà Bác để lại không phải là sự hào nhoáng bề ngoài mà đó là tấm lòng vì nước, vì dân. Vì vậy, thay vì xây dựng khẩu hiệu, thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nên phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể cũng như tận dụng tối đa các nguồn lực về vật chất, kĩ thuật, khoa học … để xây dựng Hòa Bình trở thành một địa phương giàu có, phồn vinh, để nhân dân phát triển, thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Đó mới là cách nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại thiết thực.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn của Đảng.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất là xây dựng một nước Việt Nam đoàn kết, vững mạnh, đảm bảo tất cả người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và được học hành. Đi liền với đó, cả nước cũng đang đẩy mạnh việc học tập Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung nguồn lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, đất nước ta còn nhiều khó khăn, người dân một số khu vực (đặc biệt là vùng núi, hải đảo) còn chưa được tiếp cận đầy đủ các thành tựu của phát triển; thậm chí, nhiều địa bàn tỷ lệ người nghèo còn cao, việc ăn chưa no, mặc chưa ấm vẫn còn tồn tại. Chính bởi vậy, chúng ta càng phải thực sự tiết kiệm, sử dụng các nguồn kinh phí một cách hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, tiêu ngân sách vào những việc không thực sự cần thiết.
Người xưa vẫn dạy “trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Nếu chúng ta thực sự làm cho dân, làm vì dân thì sẽ được người dân ủng hộ, giúp đỡ và nhớ ơn. Ngược lại, nếu chỉ chạy theo hình thức, chạy theo những khẩu hiệu sáo rỗng thì chỉ gây lãng phí, tốn kém mà không mang lại hiệu quả.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả