Hãy để giông bão dừng lại sau cánh cửa gia đình
Con người thích tự do, không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Lập gia đình là một quyết định có thể làm mất đi sự tự do vốn có khi ta còn độc thân. Đa số sau khi đã kết hôn, bức tường màu hồng không còn nữa. Trong mối quan hệ gia đình mỗi người không chỉ sống cho một mình mình, mà còn có trách nhiệm với người bạn đời, với con cái và với gia đình hai bên.
Vai trò của gia đình đối với mỗi đứa trẻ ở Việt Nam
Lịch sử nhân loại trải qua hàng triệu năm, nhưng chiến lược sinh tồn của con người khác với tất cả các loài còn lại. Trong thế giới sinh vật, các loài động vật sẽ ghép đôi với nhau và sinh ra con non, nhưng chúng sẽ chỉ nuôi dưỡng con trong một thời gian ngắn, tính theo ngày, theo tháng và còn lại là chuyện của luật tự nhiên.
Ở Việt Nam, thời gian để một đứa trẻ có thể trưởng thành, phát triển toàn diện và tự bước đi trong cuộc sống có thể là 18, 20, thậm chí là học xong đại học. Một thời gian rất dài đòi hỏi những ông bố, bà mẹ phải luôn luôn có mặt trong việc nuôi dưỡng, dạy dỗ. Và việc thiếu một trong hai người sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, định hình nhân cách của trẻ sau này. Không phải tự nhiên mà các tôn giáo, đạo lý hay những tư tưởng thời xưa khắt khe trong vấn đề ly hôn, rằng hai người khi đã đến với nhau và có con cái thì phải sống với nhau đến đầu bạc.
Nhưng rõ ràng kinh nghiệm ông cha ta cho thấy rằng, một gia đình thiếu khuyết và không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu về sau. Khi đứa trẻ đó lớn lên lập gia đình lại đi vào vết xe đổ của bố mẹ. Khi nền tảng yêu thương trong xã hội bị vỡ nát, chúng ta có thể mong chờ gì hơn vào cộng đồng này.
Như vậy, xét về tính cá nhân, gia đình vô cùng quan trọng đối với cả người trưởng thành và cả những đứa trẻ. Một gia đình đầy đủ và khỏe mạnh sẽ giúp tạo ra thế hệ mới có điều kiện sinh trưởng và được giáo dục tốt hơn trong môi trường lành mạnh.
Thực trạng đáng báo động tại Việt Nam
Nếu chúng ta không thể đối tốt với bố mẹ của mình là người nuôi nấng chúng ta cả một đời, chúng ta không thể bao dung, che chở cho người chồng, người vợ vốn là người gắn bó cả cuộc đời. Chúng ta không thể yêu thương và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái, thì lý do gì để chúng ta có thể đối xử tốt với những mối quan hệ ngoài xã hội? Thay vì dùng chiến tranh vũ trang giữa các quốc gia thì xung đột, bất ổn trong một gia đình sẽ phát huy tác dụng nhanh hơn để phá hủy quốc gia đó. Khi sự tha hóa trong xã hội, sự thiếu tin tưởng, sự thù ghét, thù hận đến từ chính những người thân trong gia đình, xã hội đó đang đi đến hồi thối nát và tự giết hại lẫn nhau.
Một gia đình không tốt sẽ tạo ra những thế hệ cũng chẳng mấy tốt đẹp. Tình trạng ly hôn trong xã hội hiện nay đang diễn ra với một số lượng lớn và ngày càng có xu hướng tăng, ở cả những nước phát triển lẫn những quốc gia đang phát triển. Tỷ lệ ly hôn ở Hoa Kỳ theo thống kê gần nhất là 53%, tức là cứ 1 trong 2 cặp kết hôn, sẽ có một cặp hôn nhân tan vỡ. Và trong số những cặp còn lại không ly hôn thì hạnh phúc cũng rất ít, có chăng là vì nghĩa, vì con cái, dư luận và họ chịu đựng. Tỷ lệ làm mẹ đơn thân cũng diễn ra với xu hướng tăng chóng mặt làm nhiều người ở Việt Nam tưởng đây là “trend” và cũng muốn học hỏi theo.
Trong số những phụ nữ đã kết hôn tại Việt Nam, có hơn 50% phụ nữ được hỏi đã cho biết từng bị bạo lực trong hôn nhân liên quan đến bạo lực thể xác, tinh thần và tình dục. Có đến 80% số vụ ly hôn là do bạo lực gia đình. Cảnh tượng đánh đập, mắng nhiếc, không tôn trọng nhau diễn ra trong gia đình khiến cho những đứa trẻ khóc ròng sợ hãi, tâm hồn chúng sẽ tổn thương như thế nào?
Một nghiên cứu về bé gái sống trong gia đình bố hay bạo hành mẹ, có hai xu hướng xảy ra. Một là nó sẽ rất căm ghét người bố đã gây ra nhiều đau khổ cho gia đình nhưng sẽ vô tình bị thu hút và cưới một người giống như bố mình, người đối xử không tốt với mình và lặp lại một hôn nhân đau khổ giống như người mẹ trong quá khứ. Hai là, những đứa trẻ này vì thiếu tình yêu thương từ nhỏ nên luôn mong muốn nhận được sự chú ý, và cho rằng phải cố gắng làm điều gì đó để chứng tỏ bản thân thì mới xứng đáng được yêu thương nên sẽ rơi vào những mối tình bị lợi dụng về tình cảm, về thể xác.
Và một người con trai trong gia đình bạo lực thì lớn lên cũng có xu hướng sử dụng bạo lực khi không thể kiểm soát vì cho rằng đó là hành vi để thể hiện sức mạnh. Chúng ta cũng không thiếu những trường hợp đã lên án bố dượng hãm hiếp con gái riêng của vợ mình và những rủi ro khác khi hôn nhân tan vỡ. Cùng với đó là tệ nạn xã hội gia tăng và đa số các vụ án giết người, những tội phạm đều xuất thân trong một gia đình không hạnh phúc.
Không ai muốn nhìn thấy, nghe thấy câu chuyện tương tự như người mẹ bỏ rơi con dưới hố ga ở Sơn Tây, Hà Nội. Đó không phải là một bi kịch không may, đó là kết quả của việc xem nhẹ giáo dục và coi thường những giá trị để gây dựng lên một gia đình hạnh phúc. Họ đã làm gì để cuộc sống của con cái mình chìm ngập trong đau khổ như vậy. Trước khi muốn sinh ra một đứa trẻ, hãy tự học cách yêu thương và trở thành những người bố, người mẹ, người vợ, người chồng tốt để làm gương cho con cái.
Hãy để giông bão dừng lại sau cánh cửa gia đình
Dĩ nhiên, không có gia đình nào là hoàn hảo bởi mỗi chúng ta không ai là hoàn hảo, những người đang phải tự học cách hoàn thiện hơn mỗi ngày. Nhưng giá như có một ai đó nói lên tầm quan trọng thực sự của một gia đình, rằng nó ảnh hưởng đến một con người và cả xã hội lớn như thế nào, đưa ra những định hướng cần thiết cho một hôn nhân thì đã không có những điều quá đáng tiếc xảy ra.
Chúng ta được học hàng ngày cách kiếm tiền, cách làm giàu, cách sống an nhiên, vui vẻ nhưng quên được dạy cách cống hiến, cách yêu thương và xây dựng một gia đình hạnh phúc. Làm sao chúng ta có thể tìm kiếm được hạnh phúc trong tiền tài, danh vọng để che lấp đi những sự cô đơn, thiếu thốn, không đầy đủ trong trái tim mình khi chưa được cảm nhận tình yêu từ gia đình.
Có những nhu cầu chính đáng của con người chỉ có thể được thỏa mãn trong hôn nhân. Có thể bạn đang rất vui vì tháng này làm được rất nhiều tiền, mua được những đồ mắc tiền, được đi du lịch đến bất cứ đâu mà mình muốn, đó là kết quả của sự miệt mài lao động cho sự nghiệp trong suốt những năm tháng thanh xuân. Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng vui vẻ như vậy, đó là chưa kể để đạt được đến một vị trí cao trong công việc, trong xã hội, bạn đã phải trải qua quãng thời gian khó khăn và “bầm dập”.
Khi trở về đến căn nhà của mình, chợt nhận ra bản thân rất cô đơn vì không có một ai ở bên cạnh mình lúc này, phải vượt qua tất cả mà không có một người để chia sẻ và giúp đỡ, mỗi sáng thức dậy và mỗi buổi tối. Những lúc ốm đau, bệnh tật, tai nạn sẽ khó để tránh khỏi trạng thái cô độc, tủi thân. Nếu như tiền tài, địa vị là thước đo của hạnh phúc thì giờ đây, hạnh phúc nhỏ nhất là nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ và có một mái ấm để trở về. Bạn chợt nhận ra sau cánh cửa gia đình mọi sự thật bình an, êm đềm dễ chịu. Khi đó giông bão thực sự dừng lại sau cánh cửa gia đình.
Han Cao
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả