Hãy để anh làm việc, đừng nên khen ngợi anh quá nhiều!
Vào cuối năm 2009, khi đó, tôi còn làm việc trong một doanh nghiệp cổ phần, mà trước đó là doanh nghiệp nhà nước, đang theo học lớp Nghiên cứu sinh tại đại học Thanh Hoa thì tôi được gọi về Móng Cái để giúp phiên dịch cho một vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh.
Khi gặp mặt đoàn công tác trong nhà ăn khách sạn, một người của Ủy ban tỉnh đã giới thiệu tôi với vị trưởng đoàn, một người rất trẻ, người nhỏ nhắn và rất thanh thoát, trông chỉ như hơn tôi vài tuổi, với nụ cười tươi tắn. Anh là Vũ Đức Đam, hồi đó đang là Phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh.
Anh nhìn tôi dò xét. Chắc anh nghĩ, sao cơ quan Ngoại vụ lại gọi một người ngoài biên chế, lại đang học ở Bắc Kinh, mặt mũi không kém phần “hầm hố” trở về từ hơn 3000 km, trong chuyến bay sớm nhất, để phiên dịch cho anh?
Đoàn xuất cảnh qua cửa khẩu, hai bên tiễn, đón với nghi lễ trọng thể, cờ, hoa và đội trống nghi thức. Điểm đến đầu tiên của Đoàn là thành phố Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, làm việc với các lãnh đạo cấp cao nhất của khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây, Trung Quốc. Tại nơi đón tiếp, có sự hiện diện của các ngài Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Tây và nhiều quan chức của cơ quan ngoại giao.
Tôi ngồi cạnh anh với vai trò phiên dịch buổi hội đàm. Tôi khẽ nói với anh, tay chỉ biển tên của anh đặt trước mặt: “Anh ơi, tên của anh, bên Trung Quốc họ viết sai rồi, chữ này trùng âm, nhưng không đúng nghĩa” tôi lại nói tiếp: “tên anh là Đam, tức trùng tên với nhà tư tưởng, triết học nổi tiếng Trung Quốc – Lão Tử. Lão tử họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, chữ Đam trong tiếng hán có bộ nhĩ (tai nghe), có nghĩa chỉ sự thông thái”. Nghe vậy, anh biểu hiện rất ngạc nhiên, anh nói: ” lúc bước vào, anh nhìn là biết tên viết sai, bên ta viết cho họ tên gì, thì bên TQ sẽ in ra tên đó, không phải lỗi của họ” tôi càng ngạc nhiên cách nghĩ của anh. Và tôi biết, anh không đơn giản chỉ là một chính trị gia. Lúc đó tôi đoán, anh chắc là con một nhà Nho mới đặt tên như vậy, vì chữ Đam không phải ai học tiếng Trung cũng biết đến. Nên sai là chuyện dễ hiểu. Tôi phục anh từ đó, và anh cũng từ đó mà tin tôi.
Về sau này, tôi đã đi với anh rất nhiều lần đến nhiều nơi của TQ, Hongkong và Macao trong các chuyến công tác. Có lần khi tôi học ở Bắc Kinh, tôi đã cùng anh leo lên tận đỉnh Vạn Lý Trường Thành, và khi đứng trên đỉnh Thiên Đàn, trung tâm Tp. Bắc Kinh, nơi các vị Hoàng Đế Trung Quốc lập đàn tế trời , anh nhắm mắt tâm niệm rồi hỏi tôi: “Vinh à, em vừa cầu gì”, tôi đáp “em xin tài lộc và học hành đỗ đạt” tôi lại hỏi, thế anh thì sao. Anh đáp: ” Anh vừa cầu đất nước bình an”. Tôi thầm nghĩ, mình nhảm nhí quá.
Thậm chí, có chuyến, anh để cả đoàn ở lại một thành phố xa xôi, giao phó đoàn thay mặt anh làm việc , rồi cùng với mình tôi, trở về Việt Nam qua cửa khẩu biên giới, để về tỉnh giải quyết việc gấp. Đi một mình với anh, khi thì ở sân bay, khi thì ngồi ô tô, gần một ngày đường, tôi thấy anh thật gần gũi, như một người bạn. Còn tôi thì thấy, trọng trách lớn lao vô cùng, trong đó, sự an toàn là quan trọng nhất.
Anh rất chú trọng nghi thức ngoại giao, từ việc ăn mặc thế nào, đeo đôi giày và tất, dùng ca vát màu gì khi ra nước ngoài và trong các buổi tiếp xã giao. Tham gia đoàn chính phủ đi Trung Quốc, quá trình đi lại, khảo sát thực địa, anh luôn ngồi ghế hàng sau cùng, xuống xe sau cùng và bước lên xe đầu tiên. Tôi học được anh ở sự khiêm nhường, chi tiết và chú trọng đến từng khâu nhỏ nhất khi giải quyết công việc.
Tôi học được anh nhiều điều, trong đó có một câu nói của anh, mà cứ ám ảnh tôi đến giờ. Tôi hỏi anh, khi còn phân vân có nên về tỉnh làm việc không, khi đó tôi vẫn còn làm doanh nghiệp. Anh nói: ” Vinh à. làm một doanh nhân tốt, sẽ hơn một ông quan tồi rất nhiều” . Ngày anh về rời vị trí bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh về Trung Ương, anh nói với tôi: ” Anh sẽ về Hà Nội, vì ở đó, anh giúp được nhiều cho đất nước hơn”. Điều đó làm tôi suy ngẫm lâu lắm.
Khi chia tay anh, Văn phòng Ủy ban tỉnh, có người tham khảo ý kiến tôi, nên tặng anh vật phẩm gì làm kỷ niệm, tôi nói, nếu mua được, hãy tặng anh một bức tranh lụa có vẽ cây trúc, vì tôi nghĩ, trúc giống với con người và nhân cách của anh.
Tôi chỉ tiếc, ngày tôi được “thu hút” về Văn phòng Ủy ban tỉnh Quảng Ninh làm việc, tháng 10/2011, thì trước đó 2 tháng, anh đã về làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ rồi.
Anh là người thích làm, chứ không thích được khen. Một người làm việc rất khoa học và nguyên tắc, có khả năng tổng hợp và trí nhớ tuyệt vời, khả năng ngoại ngữ rất tốt, thích thể thao. Trong một lần làm việc tại Huawei của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi phía bạn giới thiệu về công nghệ viễn thông của Huawei cho nguyên Thủ tướng, phiên dịch của Bộ ngoại giao đã bị “mắc kẹt” về ngôn ngữ chuyên ngành, anh đã hỏi bạn bằng tiếng Anh để giải thích cho nguyên Thủ tướng hiểu rõ hơn và thay vị trí phiên dịch lúc đó. Sau đó, anh giới thiệu tôi với nguyên Thủ tướng, để tôi dịch các phần còn lại, vì lúc đó, tôi luôn đứng cạnh anh, với vai trò dịch cho anh.
Sau 10 năm, anh giờ đã là Phó Thủ tướng của Chính phủ. Anh không muốn được nhiều người khen, và càng không muốn được cộng đồng mạng và truyền thông tâng bốc anh như lúc này, dù những lời khen đó là đúng sự thật, nhưng điều đó không giúp anh làm việc có hiệu quả hơn, đôi khi còn bị phân tâm. Nhất là trong lúc này, anh phụ trách Bộ Y tế, dịch bệnh ngày càng còn phức tạp hơn nhiều, sẽ khiến anh càng phân tâm hơn vì anh không thích điều đó.
Hãy yên lặng để anh và những người cộng sự của anh làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Đường chúng ta đi