Hãy cứu Nga ra khỏi “cuộc hôn nhân tồi tệ” với Trung Quốc – Ván bài của ông Biden đã bắt đầu!
Các chuyên gia cho rằng, Washington nên vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giúp Moscow thoát khỏi cuộc hôn nhân “đồng sàng dị mộng” với Bắc Kinh.
Theo tạp chí Foreign Affairs, khi Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm một chiến lược hiệu quả để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden đã đúng khi dựa dẫm vào một trong những lợi thế rõ ràng nhất của họ: Mạng lưới liên minh toàn thế giới.
Nhưng ngay cả khi ông Biden đang dốc sức xây dựng liên minh vững mạnh để chế ngự Bắc Kinh, ông cũng cần phải chú trọng một chiến lược khác: Làm suy yếu các mối quan hệ đối tác quốc tế của Trung Quốc.
MỸ CẦN TÌM CÁCH “CHÈO KÉO” NGA
Washington không thể ngăn cản sự trỗi dậy đang rất mạnh mẽ và tham vọng của Bắc Kinh, nhưng có thể hạn chế ảnh hưởng của gã khổng lồ châu Á này bằng cách kéo đối tác chính của Trung Quốc là Nga về phía mình.
Thật sự, quan hệ đối tác giữa Trung Quốc với Nga đặt ra nhiều thách thức đáng kể hơn cho Mỹ trong chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Bởi nhờ sự hậu thuẫn vững chắc của Moscow, Bắc Kinh tự tin vươn vòi ở nhiều khu vực, trong nhiều lĩnh vực trên thế giới.
Nhìn bề ngoài, mối quan hệ giữa Trung-Nga dường như rất bền chặt nhưng thật ra nó đang âm ỉ bùng cháy bởi đó là một mối quan hệ không đối xứng, một mối quan hệ kết hợp giữa một Trung Quốc đang lên, tự tin và tự trọng với một nước Nga trì trệ hơn.
Sự bất cân xứng đó mang lại cho ông Biden cơ hội rõ ràng: Có thể ly gián hai đồng minh này bằng cách khiến Nga hoài nghi về việc Trung Quốc đang cố tình tìm cách vượt mặt Moscow ở mọi mặt.
Bằng cách giúp Nga khắc phục những lỗ hổng trong mối quan hệ với Trung Quốc, khuyến khích Moscow dần rời xa Bắc Kinh, trên thực tế, là Mỹ cũng đang tự giúp mình.
Việc tách Nga khỏi Trung Quốc cũng như là một ván bài thử nghiệm tham vọng của cả hai nước, giúp Mỹ và các đồng minh phương Tây thuận đường bảo vệ các giá trị và thể chế tự do của họ cũng như định hình một hệ thống quốc tế hòa bình trong một thế giới ngày càng đa cực và đa dạng về ý thức hệ.
MÂU THUẪN NGA-TRUNGTỪ GÓC ĐỘ “HÔN NHÂN GIA ĐÌNH”
Trung và Nga có thể đã có một “cuộc hôn nhân” thuận lợi và hiệu quả…
Nó bao gồm các mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc, cùng nhau nỗ lực giảm bớt sự thống trị của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu, chia sẻ công nghệ kỹ thuật số, hợp tác quốc phòng (chẳng hạn như các cuộc tập trận quân sự chung và chuyển giao các hệ thống và công nghệ vũ khí tiên tiến từ Nga cho Trung Quốc).
Việc Nga nghiêng về Trung Quốc khiến họ phải đánh đổi chịu sự ghẻ lạnh của phương Tây. Bắc Kinh đã đáp lại, nghiêng về phía Moscow để tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và chiến lược với Mỹ ngày càng gia tăng.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau hoặc nói chuyện qua điện thoại khoảng 40 lần.
… Nhưng hiện nay cuộc hôn nhân này đang dần “đồng sàng dị mộng”
Trên thực tế, hai nước không phải là đối tác tự nhiên. Về mặt lịch sử, họ từng là đối thủ cạnh tranh, và nguồn gốc dẫn đến sự cạnh tranh lâu dài đó chưa bao giờ biến mất. Điện Kremlin rất nhạy cảm với thực tế quyền lực hiện có và biết rõ rằng, một nước Nga chậm chạp với khoảng 150 triệu dân không thể sánh được với một Trung Quốc năng động với gần 1,5 tỷ dân.
Nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp 10 so với Nga. Trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ, Trung Quốc nằm ở một tầm cao mới vượt xa hoàn toàn so với Nga. Sáng kiến Vành đai-Con đường (BRI) của Trung Quốc đã thâm nhập sâu hơn vào phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga ở Trung Á. Điện Kremlin cũng lo ngại những tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Việc Nga vẫn đi cùng Trung Quốc bất chấp thực tế bất đối xứng như vậy là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự không hài lòng của Moscow đối với phương Tây. Tuy nhiên, mâu thuẫn âm ỉ giữa Trung – Nga sẽ chỉ tăng lên theo thời gian và sẽ trở thành nguồn cơn gây khó chịu ngày càng lớn đối với Điện Kremlin.
Theo tờ Foreign Affairs, Washington cần phải tận dụng sự khó chịu đó và thuyết phục Nga rằng, “họ sẽ tốt hơn cả về mặt địa chính trị và kinh tế nếu chống lại Trung Quốc và nghiêng về phương Tây”.
THÁCH THỨC VỚI TT BIDEN RẤT LỚN,HƠN CẢ THỜI NIXON
Nhưng cũng theo Foreign Affairs, thách thức mà ông Biden đang đối mặt sẽ phức tạp hơn so với thách thức mà Tổng thống Mỹ Richard Nixon từng trải qua vào đầu những năm 1970.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Nixon đã tìm cách tiếp cận với Trung Quốc và thành công trong việc khuấy động quan hệ Trung Quốc-Liên Xô. Vào thời điểm ông Nixon thăm Trung Quốc năm 1972, Bắc Kinh và Moscow đã “đường ai nấy đi”.
Ông Nixon sau đó gây bất ngờ với quyết định đỉnh cao trong chiến lược “ly gián” Trung- Nga là bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung vào năm 1979.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung-Nga bắt đầu khôi phục quan hệ. Trong suốt những năm 1990, hai nước đã giải quyết một số tranh chấp biên giới còn lại, và vào năm 2001 đã ký Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện.
Cả hai dần tăng cường hợp tác quân sự và quan hệ thương mại, với đường ống dẫn dầu đầu tiên từ Nga sang Trung Quốc được hoàn thành vào năm 2010.
Bắc Kinh và Moscow cũng bắt đầu củng cố vị thế tại Liên hợp quốc và hợp tác trong các sáng kiến nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây, chẳng hạn như thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2001 và cái gọi là nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) vào năm 2009.
Mối quan hệ càng sâu sắc dưới thời ông Tập và Putin. Dựa trên mối quan hệ hợp tác quân sự bắt đầu từ những năm 1990, Nga đã và đang giúp Trung Quốc giải quyết các ưu tiên quốc phòng hàng đầu bằng cách cung cấp máy bay chiến đấu phản lực, hệ thống phòng không tối tân, tên lửa chống hạm và tàu ngầm.
Trong những năm gần đây, khoảng 70% vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc là của Nga. Việc bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc cũng giúp Nga thúc đẩy nền kinh tế và giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc nguồn cung cấp ở các tuyến hàng hải dễ bị tổn thương.
Sự hợp tác trên nhiều khía cạnh này rất ấn tượng và mang tính hệ quả, nhưng nó vẫn rất mong manh và dễ vỡ do cả hai vẫn thiếu tin cậy lẫn nhau.
Và sự chênh lệch giữa hai quốc gia ngày càng hiện rõ. Nga chắc chắn cảm thấy khó chịu khi Trung Quốc đang ngày càng vượt mặt rõ rệt trong trong nhiều lĩnh vực.
Nếu ngay lúc này Washington đề nghị Nga hợp tác để giảm căng thẳng với phương Tây thì khó thành công. Thay vào đó, Washington cần tính toán để thay đổi chiến lược rộng lớn hơn là để Điện Kremlin thấy rằng, hợp tác nhiều hơn với phương Tây có thể giúp Nga “trám” được các lỗ hổng đang gia tăng trong mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Trung Quốc.
Chính quyền ông Biden nên thúc ép các đồng minh khác có các cuộc đối thoại tương tự với Nga, nhất là Ấn Độ. Mỹ và các đồng minh cũng nên giúp Nga giảm sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng vào Trung Quốc.
Mỹ và các đối tác đồng thời nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và nên công bố các bước rõ ràng để Moscow có thể “tâm phục khẩu phục”.
Bắc Cực là một khu vực khác mà Washington có thể giúp Moscow thấy rõ những mặt trái trong chiến lược của việc tiếp tay cho những tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Washington và Moscow hầu như không để mắt đến khu vực này nhưng thông qua Hội đồng Bắc Cực và đối thoại song phương, họ nên phát triển một bộ quy tắc mạnh mẽ để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh có nhiều nghi ngại rằng, Bắc Kinh đang “mượn tay” Nga thúc đẩy tham vọng ở Bắc Cực.
Cuối cùng, theo Foreign Affairs, Washington nên khuyến khích Moscow giúp thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các khu vực đang phát triển, bao gồm Trung Á, Trung Đông rộng lớn hơn và châu Phi.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thành công hơn nữa nếu Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực chiến lược trên nhiều vùng biển mà họ đang tuyên bố chủ quyền phi pháp và không còn có thể trông chờ vào sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự của Nga.
Nam Anh