+
Aa
-
like
comment

Hãy bắt đầu ngay khi chưa quá muộn nếu không sẽ phải trả giá đắt do sự ô nhiễm môi trường đem lại

Đỗ Mạnh - 24/09/2020 18:31

Ngày 22/9, chỉ một cơn mưa nhỏ cả thành phố Hà Nội đứng im không nhúc nhích “Tắc đường”. Đường nào cũng tắc, đường to tắc, đường nhỏ tắc, ngõ ngách cũng tắc. Nạn tắc đường giờ thực sự đã trở thành nỗi sợ hãi của người dân Hà Nội. Trước đây giờ cao điểm mới tắc mà chỉ tắc ở những ở những ở một số nơi trong thành phố. Nay thì bất kể sáng tắc, trưa tắc, chiều cũng tắc. Tắc đường bất chấp mưa nắng ra đường là tắc.

Chiều hôm đó, cả phố Nguyễn Trãi đông đặc một đường xe, xe nọ nối đuôi xe kia nhích từng bước một. Có người thậm chí nhìn thấy nhà mình rồi còn phải chờ cả mấy tiếng sau mới về đến nhà. Mệt ngoài, căng thẳng mỗi lần ra đường giờ ai có việc phải đi đâu đều thấy kinh hãi, khiếp sơ. Nếu có thời gian có dịp  dạo một vòng xung quanh thành phố chúng ta sẽ rất tự hào về những thành quả mà  chúng ta đã làm được trong thời gian qua trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Những cánh đồng ngoại ô cỏ mọc um tùm ngày nào nay được thay bằng những con đường rộng thênh thang và những tòa nhà cao ngất 34-35 tầng. Cầu vượt nhan nhản khắp thành phố,những  đường tàu điện trên cao sừng sững như những con rắn uốn lượn, luồn lách trên những con phố. Giờ đây trên phố hầu như người ta ít thấy bóng dáng nhưng chiếc xe đạp mà một thời là biểu tượng của thành phố có nhiều xe đạp vào loại bậc nhất thế giới. Trên các con phố giờ đây người ta chỉ thấy nườm nượp những ô tô, xe máy.

Tắc đường trên đường Nguyễn Trãi Thanh Xuân Hà Nội ngày 22/9/2020

Người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng tự hào về sự phát triển của Hà Nội bao nhiêu thì lại khiếp sợ nạn tắc đường bấy nhiêu. Mấy năm gần đây, khu vực đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc chung cư tại Hà Nội. Theo tính toán, dọc trục đường Nguyễn Tuân dài 720 m có hai mươi dự án chung cư được xây với khoảng 6.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán. Nếu tính bình quân mỗi gia đình có 4 nhân khẩu, 2 xe máy và ½ trong số đó có ô tô thì con đường trên con đường này mỗi ngày phải phục vụ sự đi lại cho 24.000 dân 12 ngìn xe máy và 3000 xe ô tô. Vậy nếu con đường này chỉ phục vụ riêng những dân cư trong những chung cư trên con đường này đã đủ tắc rồi chứ chưa nói đến nó còn phải gánh thêm bao nhiêu người dân thành phố qua lại. Nhưng Hà Nội đâu có chỉ riêng khu này, Timescity, Roal City, Mỹ Đình, Smartcity, Khu Ttrung Hòa Nhân Chính, Khu Linh Đàm, Định Công, Hà Đông, Xa la vv… và rất nhiều khu khác. Phải nói thành thật rằng chúng ta đã sai ngay từ khâu quy hoạch, đất càng đắt giá thì tỷ lệ cao tầng càng cao, mật độ xây dựng càng không đúng chuẩn. Đúng thôi vậy chẳng cần phải tìm hiểu thêm cũng dễ dàng biết được tại sao Hà Nội cứ mưa là ngập và lúc nào cũng tắc đường.

Hình ảnh Đường Nguyễn Tuân đang gồng mình chịu đựng sức ép của 20 dự án chung cư

Mấy năm gần đây mặc dù chính quyền Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng, đường xá mở ra nhiều, các phương tiện công cộng cũng đã được nâng cấp và đầu tư hiện đại tuy nhiên tắc vẫn hoàn tắc bởi đường mở đến đâu là chung cư mọc lên đến đó.

Trong khi đó những biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân thì chưa có hiệu quả, phương tiện giao thông ngày càng nhiều lên làm cho tốc độ mở mang đường xá không theo kịp tốc độ phát triển của ô tô, xe máy. Từ tình trạng trên mấy năm gần đây chất lượng không khí ở thủ đô đã xấu đi rất nhiều đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn, khói, bui và chất thải độc hại khác.

Chúng ta hãy bình tĩnh dừng lại đôi chút để nhìn nhận cái được, cái mất để xem xét một cách nghiêm túc mật độ xây dựng với một chuẩn mới, cộng với sự tính toán sao cho mật độ dân trên 1 km phải giảm xuống nếu không muốn tắc đường và ô nhiễm. Không thể đổi đất lấy ô nhiễm, lấy ô nhiễm môi trường, không thể vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thệ hệ con cháu mai sau. Đừng vì quá tham lam mà bắt con cháu phải gánh chịu và gánh trên vai gánh nặng của những sai lầm từ quy hoạch. Một mặt cần tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông , hệ thống vận tải giao thông công cộng song phải nâng cao hiệu quả quản lý và hạn chế xe tư nhân. Hạn chế và hạn chế ngay việc xây nhà cao tầng nay trong nội đô. Các khu đô thị mới cần xây ở những thành phố vệ tinh làm nam châm thu hút để giãn mật độ cho trung tâm

Để sớm giải quyết nạn tắc đường chúng ta không cấm người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quản lý bằng phí. Lấy mốc là Bờ Hồ để tính phí gửi xe. Khu vực trung tâm gần Bờ Hồ  với bán kính 1km giá gửi xe ô tô hàng tháng không phải chỉ 3-4 triệu/1 xe/1 tháng như hiện nay mà phải 10  triệu/1xe/1 tháng. Với khoảng cách trung tâm từ Bờ Hồ từ 2-4 km giá gửi xe có thể sẽ là từ 6-8 triệu/xe/1 tháng . Giá đó sẽ giảm dần xuống tùy theo khoảng cách so với trung tâm bờ hồ. Biểu giá không cố định nó có thể phải tăng lên theo mức độ tắc đường.  Những gia đình không chịu được giá cao xin mời ra những bãi giữ xe xa hơn để gửi. Song song với việc nâng giá gửi xe cần có giải pháp thu phí xe đi vào trung tâm, quy định thời gian dừng đỗ xe sao cho hợp lý nhằm tránh tắc đường.

Để tránh ngập chính quyền thành phố một mặt đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước cũng cần sớm đề ra chương trình tận dụng những nơi công cộng như công viên, trường học và những vị trí đất công khác để xây dựng những hầm chưa nước ngầm mà không tốn phí giải phóng mặt bằng với các mục đích:

• Phục vụ làm chỗ thoát nước nhan và là nơi tích trữ nước

• Là những hầm chứa nước phục vụ mục đích cứu hỏa

• Là nguồn nước phục vụ tưới cây và các nhu cầu khác.

Chúng ta cũng có thể tiến hành đấu thầu để huy động nguồn vốn xã hội, những nhà đầu tư bỏ vốn được phép khai thác có thời hạn những khoàng đất trên bề mặt để bù lại vốn đầu tư.

Hiện nay có thể nói một cách công bằng và đúng sự thật là chúng ta đang quá tải về giao thông và sức ép quy hoạch. Những nhà quy hoạch kiến trúc đang rất lúng túng và chưa có được một giải pháp dài hạn. Tư duy nhiệm kì đang làm gián đoạn những bài toán quy hoạch vì vậy không mang tính kế thừa. Rõ ràng là chúng ta đã nói quá nhiều mà chưa có giải pháp cụ thể. Nhiễu khi chỉ vì nể nang mà làm cho những con đường phải uốn khúc một cách mềm mại để trở thành những cái gai giũa lòng thành phố.

Một thủ đô văn minh của một đất nước ngàn năm văn hiến, chúng ta đã từng chẳng tiếc máu xương,  mồ hôi sức lực để làm nên một Việt Nam vẻ vang như hôm nay. Không có lẽ chúng ta không dám hi sinh những quyền lợi vật chất bé nhỏ để giải phóng cho chính chúng ta, cho con cháu chúng ta cho đồng bào ta và rộng ra là cho đất nước ta được hay sao?

Hãy tuyên truyền rộng hơn nữa, sâu hơn nữa, để lãnh đạo gương mẫu để cho nhân dân noi theo. Để mỗi người thêm ý thức và làm việc có trách nhiệm hơn cho đất nước. Để cho chúng ta, cho các thế hệ con cháu chúng ta mai sau  sống trong hòa bình, hạnh phúc, được sống trong một môi trường không ô nhiễm, bệnh tật, và đặc biệt không còn phải chịu cảnh đi đường bị ngập nước và tắc đường.

Hãy bắt tay ngay từ bây giờ khi còn chưa quá muộn, bằng không chúng ta sẽ phải trả giá đát cho sự chậm trể do ô nhiễm môi trường đem lại

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều