+
Aa
-
like
comment

“Hậu sự cố” của việc nước sạch nhiễm bẩn ai đảm bảo sự cố nước sạch không xảy ra một lần nữa?

24/10/2019 16:10

Mấy ngày gần đây, đi đâu cũng thấy người ta truyền tai nhau về câu chuyện bán “nước sạch mà không sạch” của Công ty ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà. Sau khi nguyên nhân nước ô nhiễm được phát hiện, không ít người đã rùng mình khi hình dung đến cái gọi là “hậu sự cố”. Đó là việc cắt nước, là xử lý ô nhiễm đầu nguồn, là súc rửa đường ống, bể chứa các cấp, bể dự trữ tại các chung cư cao tầng… Và bây giờ, nỗi lo ấy đã thành hiện thực.

Sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải đã thực sự bùng phát thành cuộc khủng hoảng nước sạch ở Hà Nội sau khi Viwasupco thông báo dừng cấp nước vô thời hạn và rất nhiều vấn đề được đặt ra xung quanh sự cố này.

Cuộc sống người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội vốn đã bị đảo lộn sau khi phát hiện có mùi lạ trong nước do Tổng công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp, nay thực sự trở nên hỗn loạn sau khi công ty này thông báo dừng cấp nước vô thời hạn từ ngày 15/10.

Thành phố phải điều xe téc chở nước sạch “cấp cứu dã chiến” để giải quyết tình huống
Thành phố phải điều xe téc chở nước sạch “cấp cứu dã chiến” để giải quyết tình huống

Thực ra, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã không sử dụng nguồn nước sông Đà để ăn uống từ trước đó, nhưng dù sao vẫn có thể dùng trong sinh hoạt khác như giặt giũ, vệ sinh… Còn một khi nguồn nước bị cắt hẳn thì thực sự là một tai họa.

Người dân Thủ đô chắc hẳn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi ám ảnh về sự mất nước. Nhưng những đợt cắt nước trước đây chỉ xảy ra cục bộ, trong phạm vi nhỏ nên vẫn còn có lối thoát. Còn lần này, việc cắt nước diễn ra trong phạm vi rộng với hàng triệu dân thì nó trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự. Nhất là khi dư luận đề cập đến việc ngoài chỉ tiêu styren thì nguồn nước này còn những chỉ tiêu nào vượt ngưỡng không, hay có người liên tưởng đến một cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Thành phố phải điều xe téc chở nước sạch “cấp cứu” để giải quyết tình huống. Nhưng số xe téc cũng chỉ có hạn nên lượng nước cấp cứu cũng chỉ như muối bỏ bể. Đã thế, có phải ai cũng có điều kiện, sức khỏe, thời gian… để chầu chực cho từng can nước đâu.

Cả tuần nay, người dân khu vực Tây Nam thành phố đã phải mua nước đóng chai để ăn uống. Nhưng còn giặt giũ, vệ sinh thì sao, chẳng lẽ cũng lại mua từng chai Lavie để đổ nhà vệ sinh? Và, đối với những hộ nghèo thì ngay cả việc mua nước đóng chai để ăn uống cũng đã là cả một vấn đề trong chi tiêu.

Người dân càng hoảng loạn hơn khi trong thông báo của Viwasupco không hề đề cập đến thời hạn cấp nước trở lại. Thế là, các siêu thị, cửa hàng trong hai ngày qua đã phải chứng kiến một cuộc đổ bộ thực sự để giành từng chai nước. Nguy cơ đục nước béo cò là thấy rõ và Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương đã phải có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội về việc ngăn chặn tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng nước đóng chai, đóng bình do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm styren.

Ngay từ khi nguyên nhân nước ô nhiễm được phát hiện, không ít người đã rùng mình khi hình dung đến cái gọi là “hậu sự cố”. Đó là việc cắt nước, là xử lý ô nhiễm đầu nguồn, là súc rửa đường ống, bể chứa các cấp, bể dự trữ tại các chung cư cao tầng… Và bây giờ, nỗi lo ấy đã thành hiện thực.

Đến lúc này, nhiều người mới nghĩ đến chữ “nếu”. Nếu Viwasupco có hệ thống quan trắc tốt để phát hiện sự cố ngay từ đầu… Nếu ngay sau khi phát hiện việc đổ trộm dầu thải và khi thấy dầu thải chảy vào nguồn nước, Viwasupco kịp thời dừng vận hành nhà máy thì đâu đến nỗi. Nếu thế, nguồn nước bẩn đã được ngăn chặn kịp thời, không đi vào nhà máy, không đi vào đường ống và càng không có điều kiện đi vào các bể dự trữ… Như vậy, chỉ cần xử lý được ô nhiễm đầu nguồn là hệ thống lại có thể tiếp tục vận hành.

Không có nước vài giờ đã thấy mệt mỏi, huống chi nhiều khu vực không hứng được một giọt nước nào trong nhiều ngày liền. Trên mạng xã hội, người dân sinh sống ở Hà Nội kêu trời vì không có nước cho ăn uống.

Khắp các góc quán, tiệm cà phê…, câu chuyện nước sạch được mọi người bàn tán xôn xao. Ở các khu chợ, có lẽ chưa khi nào tiểu thương bán thùng chứa nước “được mùa được giá” như lúc này. Còn nhiều tiệm tạp hóa, siêu thị mini trong các khu dân cư, nước uống đóng chai cỡ lớn (loại 5 lít trở lên) “cháy” hàng vì nhu cầu tăng đột biến.

Khổ sở nhất là các chung cư, nhất là các hộ ở tầng trên cùng bởi vừa xa chỗ cấp nước “dã chiến”, lại ở tầng cao, nước gom góp được chút ít thì cư dân tầng dưới “hút” sạch. Nhiều gia đình có trẻ sơ sinh ứa nước mắt vì đồ thay ra không có nước để giặt nên hôi thối. Trẻ em không có nước tắm sinh ra rôm sảy…

Trước đợt nắng nóng đỉnh điểm tháng 7 vừa qua Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành khu vực Trung Bộ lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.

Hình ảnh người dân xếp hàng đợi đến 1, 2 giờ đêm để lấy được vài xô nước, hệt như thời bao cấp. Năng lực cấp nước sạch miễn phí của TP chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi nước “bẩn” lại bị cắt vô thời hạn để xúc xả đường ống, dân cư nhiều khu vực của Hà Nội rơi vào cảnh “khát” nước thực sự. Nhiều người dân đã huy động hết cả bồn tắm, xô, chậu, cái thì đi xếp hàng lấy nước sạch về nấu ăn, cái thì hứng nước bẩn để còn xả… toilet.

Dư luận truyền tay nhau tấm ảnh dân rồng rắn mang xô chậu xếp hàng chờ lấy nước sạch trên một chiếc xe đời cũ. Nhìn thoáng qua, ai cũng quả quyết đây là tấm ảnh được giữ lại từ thời bao cấp, những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, chất lượng ảnh thật tốt.

Những người tinh ý thì nói không phải, bởi họ nhận ra chiếc xe máy SH đời mới màu trắng đậu bên kia đường. À, thế hóa ra đây là hình ảnh mới, mà đúng mới thật, Hà Nội tháng 10/2019.

Dân rơi vào trạng thái hoang mang tới cả một tuần trời mà hoàn toàn không thấy ai đả động gì việc nguồn nước thay thế hay phương án nào khả dĩ cho người dân. Lác đác vài khu chung cư xin được nước sạch, người lớn trẻ nhỏ rồng rắn xếp hàng từ chiều tới khuya lấy nước về dùng tạm. Cảnh tượng náo loạn, thảm cảnh còn quá cả thời bao cấp những năm 60 của thế kỷ trước.

Dân khổ, kêu ầm trời, nhưng doanh nghiệp thì vô cảm, coi đó như không phải việc của mình. Chẳng khác gì vụ cháy nhà máy Rạng Đông mới đây, người dân một lần nữa tự phải lo cho chính tính mạng, sức khỏe của mình trước thay vì chờ đợi một động thái từ chính quyền và doanh nghiệp.

Sau mỗi vụ việc, doanh nghiệp bị phạt vài ba chục triệu, một vài cá nhân nào đó đứng ra chịu trách nhiệm là họ nghĩ đã xong việc với dân.

Nhưng cái quan trọng là phần gốc thì chẳng ai thèm quan tâm. Nước sạch bị “đầu độc”, xử lý xong rồi thì sao nữa? Liệu nhà máy nước có cam kết thay đổi cách vận hành vì người dân hay không? Hay lại nói kiểu bỏ mặc dân rằng “Không dám chắc xử lý được ô nhiễm nước…”.

Phải nói rằng, biết nước bị nhiễm độc nhưng vẫn im lặng để dân sử dụng là tội ác và những kẻ gây tội ác phải bị xử lý nghiêm để răn đe. Và làm như vậy cũng là góp phần ngăn ngừa thảm hoạ khủng khiếp có thể xảy ra cũng như kéo ngược cuộc sống trở lại thời kỳ chưa có văn minh.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều