Hậu bầu cử Mỹ: Mâu thuẫn dâng cao giữa phe ủng hộ ông Trump và phe phản đối
‘United States of America’ và ‘The Divided States of America’. Chữ ‘divided’ (chia rẽ) đã thay cho chữ ‘united’ mang ý nghĩa đoàn kết, tập hợp những khác biệt. Hai tuần sau ngày bầu cử 3-11, nước Mỹ chưa bao giờ chia rẽ đến thế.
Tổng thống Donald Trump, trong dòng tweet gây sốc ngày 15-11, viết ông Biden “chiến thắng trong một cuộc bầu cử gian lận”. Như để đính chính từ “chiến thắng”, ông đăng tiếp sau đó dòng tweet khẳng định không hề thừa nhận thua cuộc và tiếp tục công kích kết quả bầu cử.
Trong diễn biến liên quan, những người ủng hộ và phản đối ông Trump tiếp tục đối đầu nhau.
Tại sao truyền thông đưa tin giả liên tục cho rằng Joe Biden sẽ lên làm tổng thống mà không cho phép chúng tôi chỉ ra điều mà chúng tôi chuẩn bị làm. Hiến pháp vĩ đại của chúng ta đã bị vi phạm nặng nề như thế nào trong cuộc bầu cử 2020. Có lẽ hiến pháp đã bị vi phạm ở mức chưa từng có trước đây!
Tổng thống DONALD TRUMP viết trên Twitter tối 15-11
Làm tổng thống chỉ là một công việc tạm thời. Chúng ta không ở trên các quy tắc, không đứng trên luật. Đó là bản chất của nền dân chủ Mỹ.
Cựu tổng thống BARACK OBAMA kêu gọi ông Trump chấp nhận kết quả bầu cử
Mâu thuẫn và chia rẽ
Đài Al Jazeera của Trung Đông hôm 6-11 đã chạy một dòng tít lớn lấy lại tên một bộ phim truyền hình Mỹ: “The Divided States of America”.
Cách chơi chữ của Al Jazeera dựa trên tên chính thức của Mỹ là “United States of America” (Hợp chúng quốc Hoa Kỳ). Chữ “divided” (nghĩa là chia rẽ) đã thay cho chữ “united” mang ý nghĩa đoàn kết, tập hợp những khác biệt – điều mà người Mỹ luôn tự hào kể từ khi lập quốc.
Hơn một tuần sau bài viết trên của Al Jazeera và gần nửa tháng sau cuộc bầu cử 3-11, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nước Mỹ sẽ thôi chia rẽ.
Với hơn 78 triệu phiếu bầu, ông Biden là ứng viên tổng thống nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất trong lịch sử Mỹ. Nhưng Tổng thống Trump cũng không hề kém cạnh, khi kiếm được 73 triệu phiếu bầu và xếp thứ hai trong số các tổng thống đương nhiệm nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất lịch sử.
Những con số đó đã cho thấy nước Mỹ ra sao sau ngày bầu cử.
Nói như cựu tổng thống Barack Obama trên Đài CNN ngày 16-11, “những con số đó nói lên sự chia rẽ sâu sắc của nước Mỹ” và chúng khiến ông cảm thấy lo lắng cho nền dân chủ Mỹ.
Những người yêu và ghét ông Trump đã có các cuộc đụng độ lẻ tẻ gần Nhà Trắng hồi cuối tuần trước. Cảnh sát đã bắt giữ hàng chục người thuộc cả hai phe.
Một người ủng hộ ông Trump mô tả trên Bloomberg không khí lúc đó căng thẳng như một cuộc nội chiến, khi người ta lao vào xé bỏ các biểu ngữ, chà đạp lên chúng và ném chai nước, bắn pháo sáng vào đồng loại.
Trên mạng xã hội, dù không có đổ máu nhưng những người thuộc cả hai phe sẵn sàng lao vào nhau, dùng những từ ngữ cay nghiệt nhất để miệt thị lẫn nhau.
Sự chia rẽ còn diễn ra trong Đảng Cộng hòa, với những người nằm bên ngoài vòng tròn thân tín của ông Trump.
Theo Hãng thông tấn Bloomberg, những người này ngày càng thể hiện sự thất vọng với việc tổng thống “từ chối nhận thất bại”, cho rằng điều này có nguy cơ làm gia tăng sự nghi ngờ hệ thống bầu cử Mỹ trong 73 triệu người đã bỏ phiếu cho ông Trump.
Đảng Cộng hòa cần những người này cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, họ cần những người ủng hộ ông Trump nhưng lại không thích cách tổng thống đang làm.
Ông Trump tiếp tục chiến đấu
Ngày 15-11 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump một lần nữa đả kích giới truyền thông và những người ủng hộ ông Biden khi đăng lại báo cáo của một giáo sư đại học nói rằng bất kỳ ai đã bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ là “kẻ ngu dốt, chống Mỹ và chống Thiên chúa giáo”.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cùng ngày đã rút một số đơn kiện ở Pennsylvania, bang chiến trường góp phần vào chiến thắng của ông Biden (như cách truyền thông Mỹ tuyên bố). Các vụ kiện giờ đây sẽ tập trung vào cáo buộc các quan chức bầu cử là đảng viên Dân chủ đã cho cử tri sửa phiếu bầu qua thư một cách bất hợp pháp.
Trên Twitter tối cùng ngày, ông Trump tuyên bố sẽ còn nhiều đơn kiện khác được đệ trình nhưng không phải tất cả đều tới từ chiến dịch tranh cử của ông. Những đơn kiện đó, theo ông Trump, xuất phát từ sự phẫn nộ của những người chứng kiến hiến pháp Mỹ bị xâm phạm và những chiêu trò đã được tiến hành để thay đổi kết quả bầu cử.
Ông Trump đồng thời cho biết ông tiếp tục chiến đấu. Phó tổng thống Mike Pence cũng khẳng định cụm từ “không bao giờ bỏ cuộc” (never give up) khi nói chuyện tại một hội thảo hôm 14-11.
Đài CNN, vốn không thích ông Trump, đã chỉ trích “sự ngoan cố” của tổng thống đang làm ảnh hưởng hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới, khiến nhiều người nghi ngờ về sự toàn vẹn của hệ thống bầu cử và các giá trị dân chủ Mỹ.
Trong khi đó, cựu tổng thống Obama lên truyền hình CBS nói rằng các tổng thống Mỹ là “những người được tạm thời trao cho Phòng Bầu dục”.
“Và khi hết thời gian, nhiệm vụ của bạn là đặt đất nước lên hàng đầu và nghĩ xa hơn cái tôi của mình, lợi ích của bản thân và cả những thất vọng của bản thân. Lời khuyên của tôi dành cho Tổng thống Trump là nếu ông muốn được ghi nhớ như một người đặt đất nước lên hàng đầu trong chương cuối này của trò chơi thì đã đến lúc ông làm điều tương tự”, ông Obama nói.
DUY LINH/TTO