+
Aa
-
like
comment

Háo hức đường cao tốc về miền Tây

08/02/2021 07:58

Chưa xong nền đường, nhiều đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được trải tạm đá dăm để kịp thông xe. Ước tính 40% lượt xe sẽ chuyển sang đường mới, giảm ách tắc cho quốc lộ 1.

cao toc Trung Luong - My Thuan anh 1
Háo hức đường cao tốc về miền Tây

“Từ dạo cái xe tải đầu tiên đổ đất xuống mặt ruộng, đổ đến đâu là trôi đến đấy”, anh Tuấn nhớ về khoảng ruộng mênh mông nước trước nhà, nay đã có nền đường cao tốc chạy qua.

Dưới mặt nước mênh mông ấy, có chỗ là ruộng, có chỗ là ao, đầm… Suốt nhiều năm trời, nhà thầu thi công phải móc hết lớp bùn nhão bên dưới trước khi đổ cát và các lớp cấp phối lên trên để tạo nền đường.

Thời điểm mặt ruộng trước nhà anh Tuấn bắt đầu được san lấp là năm 2017, 8 năm kể từ ngày khởi công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Sau 11 năm, công trình mới ấn định thời điểm về đích là trong năm 2021.

“Chia lửa” với quốc lộ 1 

Từ nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) nhìn về miền Tây, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chạy thẳng tắp tới chân trời. Những điểm đứt đoạn dọc tuyến do vướng mắc mặt bằng và đói vốn đã được nối liền sau hơn 10 năm chờ đợi.

Ngày 28/12, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã tổ chức kiểm tra, chạy thực nghiệm thông tuyến từ Thân Cữu Nghĩa đến An Thái Trung. Việc chạy thực nghiệm được thực hiện trong điều kiện 100% nền đường đã được trải cấp phối đá dăm.

cao toc Trung Luong - My Thuan anh 2
Một đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được lu lèn để chuẩn bị thông xe tạm vào Tết Tân Sửu.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Tuấn và các công nhân trên công trường, nhiều đoạn chỉ được trải tạm một lớp đá dăm mỏng. Sau buổi chạy thực nghiệm, nhà thầu lại bới hết đá dăm ra, tiếp tục lu lèn, gia tải nền đất yếu.

“Từ nay đến lúc thông xe phục vụ Tết Tân Sửu còn mấy ngày nữa, đơn vị thi công tranh thủ thời gian đó để tiếp tục gia tải mặt đường”, bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Tiền Giang, giải thích.

Làm sao thì làm, phải thông xe phục vụ nhân dân 5 ngày trước và sau Tết như Thủ tướng đã quyết định

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang

Ngày 17/1, Sở GTVT Tiền Giang đi khảo sát toàn tuyến, yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện những đoạn chưa đảm bảo an toàn giao thông.

Khi được thông xe tạm, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ đón các loại ôtô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn, tốc độ cho phép là 40 km/h và chỉ được lưu thông một chiều.

“Làm sao thì làm, phải thông xe phục vụ nhân dân 5 ngày trước và sau Tết như Thủ tướng đã quyết định, đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông”, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon nói.

Theo ông Bon, lưu lượng phương tiện qua quốc lộ 1 là 20.000 lượt/ngày. Tuyến đường tạm khi mở ra có thể gánh bớt 8.000 lượt/ngày (40% lưu lượng). “Nhờ đó, các nút giao phía quốc lộ 1 có thể không còn ùn tắc hoặc ùn tắc rất ít”, ông Bon kỳ vọng.

Những ngày qua, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (chủ đầu tư) đã phối hợp các đơn vị liên quan lắp đặt các chốt chặn đảm bảo an toàn tại nhiều khu vực trọng yếu của cao tốc. Công tác này đã hoàn thành 100% yêu cầu đề ra.

Theo phương án phân luồng, xe cộ từ TP.HCM đi đến điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Trung Lương có thể chạy thẳng sang cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để về miền Tây (Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang…). Chỉ những phương tiện đi Mỹ Tho, Bến Tre mới phải rẽ sang quốc lộ 1.

Tại công trường, một số gói thầu đã trải đến lớp cấp phối đá dăm thứ 5, 6, trong khi một số gói mới trải được 1, 2 lớp. Các lớp đá dăm này được lu lèn chặt, đảm bảo độ cứng để xe cộ dưới 2,5 tấn lưu thông. Tuy nhiên, việc di chuyển qua mặt đường chưa hoàn thiện có thể tạo ra lượng bụi đất lớn.

Giải tỏa ùn tắc, hút nhà đầu tư

Tôi gặp anh Chính tại một bến xe đưa đón công nhân dọc quốc lộ 1, đối diện khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành). Trong cái lán nhỏ phía sau bãi đỗ xe, người đàn ông ngoài 40 tuổi ngồi lướt báo mạng trong lúc chờ công nhân tan ca.

“Tui chỉ biết cao tốc sắp thông xe trên báo, còn tui không đi đường đó, chở công nhân từ đây về Cai Lậy toàn đi quốc lộ 1 không à”, anh Chính bộc bạch. Tuy không rành đường cao tốc, nam tài xế thuộc từng điểm nghẽn trên quốc lộ 1 về miền Tây.

cao toc Trung Luong - My Thuan anh 4
Nút giao Thân Cửu Nghĩa đang được hoàn thiện, dự kiến là điểm đấu nối các khu công nghiệp với tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.

Anh bảo từ KCN Tân Hương về thị xã Cai Lậy chỉ 35 km, đi vào chiều thứ 2 chỉ hết 45 phút, nhưng vào chiều thứ 6 thì “kẹt thấy ớn”, “mất một tiếng rưỡi, có khi lâu hơn”. Từ ngã tư Đồng Tâm về đến cầu Long Định, xe nhích từng mét cùng với xe container, xe con, xe máy… “Cậu nhà báo viết thế nào mà Nhà nước xây cho chúng tôi cái cầu vượt qua ngã tư Đồng Tâm thì mừng quá”, anh Chính cười xòa.

Ngã tư Đồng Tâm (quốc lộ 1 giao với tỉnh lộ 878) là điểm đen ùn tắc suốt nhiều năm vì nằm trên trục đường về miền Tây của tất cả phương tiện ra khỏi cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Ở chiều ngược lại, hàng dài container từ khu công nghiệp cũng chen chúc qua ngã tư này để lên cao tốc về TP.HCM.

Một cây cầu vượt như ước mơ của tài xế Chính chỉ giải quyết được kẹt xe tại một nút giao. Về lâu dài, các khu công nghiệp phải có đường đi thẳng lên cao tốc để giảm tải cho quốc lộ và tối ưu chi phí logistics.

Việc có thêm tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thu hút nhà đầu tư đến mở nhà xưởng nhiều hơn nữa

Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang

Theo ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, nhiều tuyến đường từ khu công nghiệp nối vào cao tốc đang được giải phóng mặt bằng, chỉ chờ các nút giao của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoàn thành là có thể đấu nối.

Việc cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận về đích cũng giải tỏa được nhiều tâm tư của ông Trường. Ông cho biết rất nhiều nhà đầu tư “ngắm nghía” mảnh đất Tiền Giang vì quỹ đất rộng và nguồn nhân lực dồi dào. Họ chỉ lo về hạ tầng phụ trợ như điện, nước và đặc biệt là giao thông kết nối.

Mỗi lần phải trả lời băn khoăn của nhà đầu tư, ông Trường lại mang những quy hoạch đường sá ra để thuyết phục. “Nhưng thú thật, tôi chỉ quản lý được những thứ trong hàng rào khu công nghiệp, việc phát triển đường sá ở bên ngoài là của địa phương và các nhà đầu tư, nhà thầu, nhanh hay chậm là ở họ”, ông Trường tâm sự.

cao toc Trung Luong - My Thuan anh 5
Khu công nghiệp Long Giang nằm sát điểm nối giữa cao tốc TP.HCH – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận nhưng không có đường dẫn thẳng lên cao tốc vì nút giao Thân Cửu Nghĩa chưa hoàn thành.

Theo Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon, các nút giao dọc cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ kết nối các khu công nghiệp rất thuận lợi, thu hút thêm các nhà đầu tư đến. Địa phương thậm chí sẽ xây đường nối thẳng từ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đến tỉnh lộ 865 đi Đồng Tháp, Long An.

“Riêng tuyến đường kết nối cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận với khu công nghiệp Long Giang, chúng tôi chỉ còn vướng 4 km với hơn 30 hộ dân đang giải phóng mặt bằng, trong năm nay sẽ triển khai nốt”, lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang chia sẻ.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Nguyễn Nhật Trường cho biết 70-80% nguồn thu ngân sách của Tiền Giang đến từ các khu công nghiệp của tỉnh. Việc có thêm tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thu hút nhà đầu tư đến mở nhà xưởng nhiều hơn nữa. Quy hoạch khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2 đã nằm trên giấy suốt 10 năm sẽ được xúc tiến thời gian tới.

“Tương lai, nhiều tỉnh lân cận có thể thiếu nguồn nhân lực vì công nhân Tiền Giang sẽ đổ hết về quê làm việc. Để cạnh tranh tốt, chúng tôi chỉ ưu tiên những ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, không ô nhiễm môi trường, mang lại thu nhập tốt cho người lao động”, ông Trường chia sẻ.

Ngọc Tân/ ZF

Bài mới
Đọc nhiều