+
Aa
-
like
comment

Hành vi trục lợi từ chuyến bay giải cứu phải bị lên án và chịu sự trừng phạt

23/01/2022 04:05

“Tất cả hành vi trục lợi, tiêu cực và làm thay đổi mục đích nhân đạo của các chuyến bay phải bị lên án và chịu sự trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”….

Trục lợi từ chuyến bay giải cứu: phải bị lên án và chịu sự trừng phạt - 1
Khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, Tổ quốc đã dang tay đón về gần 20.000 người con trở về. (Ảnh: HRT).

Báo chí trong nước tháng 12/2021 tường thuật lại câu chuyện về một người Việt ở Hoa Kỳ “lận” đôla tìm đường về quê mẹ bằng cách qua Campuchia “tuy khổ nhưng rẻ hơn”. Tổng chi phí về nước hết khoảng 1.800 – 1.900 USD (khoảng 44 triệu đồng).

Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam kể: “Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3-4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD;  từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội”.

Tuy nhiên, câu chuyện có lẽ không chỉ dừng ở chữ “đắt”. Cuối tháng 12 vừa rồi, một người bạn của tôi vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ (diện học bổng Chevening của Chính phủ Anh) trở về nước gọi cho tôi không giấu nổi sự bức xúc, tức giận lẫn buồn tủi.

Do đường bay thương mại quốc tế giữa Anh và Việt Nam chưa được mở lại nên cô bạn tôi phải tìm đến các chuyến bay charter do công ty du lịch thuê nguyên chuyến. Mất 70 triệu đồng cho “chuyến bay nhân đạo”, vật vờ ở sân bay 6 giờ đồng hồ, hạ cánh ở Hà Nội nhưng phải vào cách ly tại Thanh Hóa. Mang tiếng là ở khách sạn 5 sao nhưng bữa thì chỉ có cá chỉ vàng khô với cơm, bữa thì 5 miếng chả “mỏng dính”, ăn xong thì cả đoàn bị ngộ độc thực phẩm song không biết kêu ai.

Bạn tôi bảo với tôi rằng, không phải không chịu được khổ, không phải chưa từng trải qua vất vả, nhưng cách mà doanh nghiệp đối xử với những người dân xa quê trở về là quá tệ, cả trên phương diện kinh tế cho đến phương diện nhân văn.

Tôi không rõ sẽ còn có biết bao nhiêu người Việt xa quê trở về phải đi qua những trải nghiệm đáng quên như vậy để có thể đặt chân trước hiên nhà, đoàn tụ cùng người thân.

Chuyến bay giải cứu công dân

Người bạn tôi vốn làm ở ngân hàng, thu nhập cao và chương trình học được tài trợ, do đó, vấn đề kinh tế không quá nặng nề. Có điều, nếu chi trả một số tiền lớn để nhận về một dịch vụ tệ hại, ai mà không ấm ức? Hơn nữa, với những người dân lao động phải gom góp, “cân đo đong đếm”, co kéo đủ loại chi phí mới “dám” trở về, thì cách đối xử này càng không thể nào chấp nhận được.

So sánh chênh lệch giữa giá bay giải cứu của Vietnam Airlines, TS Lương Hoài Nam đánh giá, số tiền để công dân Việt hồi hương đã tăng lên 3-4-5-6 lần. Đó là giá gói “combo về nước” mà khách hàng trả cho đại lý.

Câu hỏi được đặt ra, với sự chênh lệch lớn như vậy thì tiền sẽ chảy vào túi ai? Túi của các hãng hàng không hay túi của các cơ sở lưu trú? Các đại lý sẽ hưởng lợi bao nhiêu từ hành trình hồi hương của đồng bào ta?

“Chúng ta thừa hiểu câu chuyện ở đây là gì. Không thể vì lợi ích của một số đường dây chặt chém như vậy”, ông Nam nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng là tất cả hành vi trục lợi, tiêu cực và làm thay đổi mục đích nhân đạo của các chuyến bay phải bị lên án và chịu sự trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.

Cha ông xưa có câu “nước đục thả câu”, điều này rất đúng ở vào bối cảnh hiện tại khi mà các đường bay quốc tế chưa nối lại, người dân phải phụ thuộc vào các chuyến bay charter của công ty du lịch. Nhưng sự trục lợi từ nỗi bĩ cực của đồng bào là hành vi phản nhân đạo, phản kinh doanh. Thời đại nào rồi mà còn tư duy ấu trĩ như vậy?!

Đây nhẽ ra là thời điểm để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, lấy lòng tin từ khách hàng thì nhiều doanh nghiệp lại làm ngược lại. Họ có thể chặt chém, kiếm chác trong hiện tại, nhưng làm ăn chụp giật sẽ không thể tồn tại lâu dài. Khách hàng là người Việt thì khiếp đảm, còn khách quốc tế, tôi nghĩ, họ có lẽ chỉ một đi mà không trở lại!

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings cho rằng, đã đến lúc các chuyến bay cứu trợ phải kết thúc sứ mệnh và vai trò lịch sử của nó. Phải mở lại các đường bay thương mại thường lệ quốc tế, càng sớm càng tốt. Chính phủ cần mở lại nền kinh tế, mà đầu tiên bắt đầu từ giao thông vận tải, đặc biệt mở cửa với quốc tế.

Chưa rõ “sự trừng phạt nghiêm khắc” cụ thể là gì nhưng cách thức làm ăn như trên phải bị chấm dứt, không thể để đồng bào chịu khổ, bị trục lợi thêm một ngày nào nữa, càng không cho phép doanh nghiệp bôi xấu hình ảnh đất nước trong mắt du khách quốc tế!

Bích Diệp

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều