+
Aa
-
like
comment

Hành trình xâm phạm của tàu cẩu Trung Quốc theo thời gian, vị trí và vận tốc

Nguyễn Anh - 05/09/2019 10:20

Theo thông báo của Cục Hải sự Bắc Hải (Trung Quốc) tàu cẩu Lam Kình có một nhiệm vụ lắp đặt công trình tại vị trí có tọa độ 20°48’55.80″N/108°53’58.20″E ở Bắc Hải từ ngày 28/8 đến ngày 3/9. Nhưng thực tế sau đó lại là một hành trình khó hiểu.

Tàu cẩu Lam Kình
Tàu cẩu Lam Kình

Nhưng đến ngày 5/8, tàu Lam Kình rời cảng Trạm Quan tới Bắc Hải với vận tốc trung bình 8 knots và giảm dần tốc độ khi bắt đầu vào sâu trong khu vực Bắc Hải lúc 4h sáng ngày 25/8.

Tàu tới khu vực làm nhiệm vụ vào khoảng 5h chiều ngày 25/8. Vận tốc chuyển động của tàu trong khu vực làm nhiệm vụ là 0-1 knots, với mô hình là những đường đi ngắn như trong hình, gợi ý rằng tàu đang tiến hành hoạt động lắp đặt công trình. Tới 21h47’ ngày 26/8, tàu tăng vận tốc lên trên 3 knots và bắt đầu di chuyển ra ngoài, gợi ý rằng tàu đã kết thúc hoạt động lắp đặt ở đây.

Sau đó tàu Lam Kình vào sâu gần bờ biển Bắc Hải, chỉ cách bờ biển khoảng 15 hải lý. Tại đây tàu cũng giảm tốc độ xuống dưới 1 knot và có mô hình chuyển động zigzag. Nhiều khả năng, tàu vào đây chỉ là để neo đậu.

Lam Kình bắt đầu tăng tốc rời khỏi khu vực vào lúc 10h7’ ngày 30/8/2019 với vận tốc 9 knots. Tàu bắt đầu giảm tốc xuống 6 knots và bắt đầu có chiều hướng đi xuống phía nam vào lúc 10h49’ ngày 31/8/2019. Tại thời điểm này, tàu cách vịnh Yingge của đảo Hải Nam 16.1 hải lý, cách cảng Tam Á của đảo Hải Nam khoảng 54 hải lý.

VÀO VÙNG BIỂN VIỆT NAM

Sau đó Lam Kình nhanh chóng tăng vận tốc lên tầm từ 7-8 knots liên tục xuống sâu phía nam trên một đường thẳng. Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình kể từ khi rời khỏi Bắc Hải, Vịnh Bắc Bộ xuống phía nam là một đường thẳng khá ổn định chứ cũng không có dấu hiệu bị cản trở (ví dụ bởi bão).

Cho tới khi xuống sâu điểm có toạ độ 14.9885 – 109.6302 vào lúc 15h45’ ngày 1/9, tàu bất ngờ giảm tốc độ xuống dưới 4 knots, đi theo những đường zigzag vào sâu trong bờ biển Việt Nam ở tốc độ tầm 0-1 knots.

Điểm tàu vào sâu nhất có toạ độ 14.9888 – 109.3367, nằm trong lãnh hải của Việt Nam, vào lúc 8h27’ ngày 3/9.

Ảnh 7 và 8 dưới đây là sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình tại khu vực sâu trong bờ biển Việt Nam, gần đó có dự án Cá Voi Xanh mà Việt Nam hợp tác với tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ, lô 119 và 120 cũng hợp tác với một số đối tác quốc tế.

Thông tin từ một chuyên gia cho biết, lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam đã và đang theo dõi chặt chẽ động thái của con tàu này.

Xác nhận thông tin về sự xuất hiện của tàu cẩu Trung Quốc trong khu vực, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở ở Singapore, nói thêm rằng vị trí di chuyển của tàu Lam Kình là trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), chứ không phải bên trong lãnh hải (trong vòng 12 hải lý).

“Đi kèm theo nó là mấy tàu vận tải khác, nhưng người ta thấy các tàu vận tải đó không có các khung nhà giàn hay khung giàn khoan cố định nào. Và kèm theo nó còn có hàng chục tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi hộ tống. Cảnh sát biển của Việt Nam cũng đưa tàu bám sát để theo dõi”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.

TS. Hà Hoàng Hợp không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể từ một mũi khác kéo giàn khoan vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam và lúc đó sẽ “rất to chuyện”.

Vào lúc 7h30’ ngày 4/9, tàu Lan Kình bắt đầu quay lại về hướng bắc với tốc độ 8 knots theo hướng trở về Trạm Giang, Trung Quốc.

CÁC CÂU HỎI ĐẶT RA

Có nhiều ý kiến đặt ra cho câu hỏi vì sao tàu Lam Kình đi xuống phía nam thay vì quay trở lại Trạm Giang sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Hải. Một số nhà quan sát cho rằng trên đường đi tàu Lam Kình gặp bão và do vậy phải lánh xuống phía nam. Mặt khác, đây là một chiếc tàu chuyên thực hiện những công trình lớn của quốc gia và quốc tế. Kế hoạch hành trình hẳn phải được chuẩn bị kỹ càng bao gồm cả dự báo thời tiết. Cả hành trình đường đi của tàu xuống phía nam là một đường thẳng suốt không có dấu hiệu bị cản trở.

Cũng có ý kiến cho rằng việc tàu xuống phía nam tránh bão là vô lý vì tàu hoàn toàn có thể ghé vào Hải Nam ở gần đó.

Có lẽ chúng ta sẽ chỉ có thể xác định được bão có đúng là nguyên nhân khiến tàu phải lánh xuống phía nam khi biết được 2 thông tin: (1) số liệu chính xác về tình hình thời tiết trong khu vực trên đường đi của tàu Lam Kình và (2) cách thức điều hành, lên kế hoạch hành trình của những chiếc tàu như thế này. Hiện chúng tôi chưa có đủ thông tin để có thể đánh giá.

Nhận định thứ nhì, là Trung Quốc có hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển Việt Nam và lãnh hải Việt Nam. Đối với nhận định này, hiện giờ chúng tôi cũng chưa có bằng chứng trực tiếp để có thể kết luận chính xác.

Dù sao thì tàu cẩu Lam Kình đã đang trên đường trở về Trạm Giang. Chúng tôi tạm khép vụ việc này cho tới khi có thông tin mới hơn.

Ảnh 1: Tổng quan sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 5/8-4/9.
Ảnh 1: Tổng quan sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 5/8-4/9.
Ảnh 2: Thông báo của Cục Hải sự Bắc Hải (Nguồn: Đặng Sơn Duân).
Ảnh 2: Thông báo của Cục Hải sự Bắc Hải (Nguồn: Đặng Sơn Duân).
Ảnh 3 và 4: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình khi ở khu vực hoạt động lắp đặt công trình từ chiều ngày 25/8 tới tối ngày 26/8.
Ảnh 3: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình khi ở khu vực hoạt động lắp đặt công trình từ chiều ngày 25/8 tới tối ngày 26/8.
Ảnh 4: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình khi ở khu vực hoạt động lắp đặt công trình từ chiều ngày 25/8 tới tối ngày 26/8
Ảnh 4: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình khi ở khu vực hoạt động lắp đặt công trình từ chiều ngày 25/8 tới tối ngày 26/8
Ảnh 5: Tàu dừng chân ở Bắc Hải cho tới 10h ngày 30/8/2019.
Ảnh 5: Tàu dừng chân ở Bắc Hải cho tới 10h ngày 30/8/2019.
Ảnh 6: Đường đi của tàu Lam Kình khi bắt đầu xuống phía nam, cách cảng Tam Á khoảng 54 hải lý.
Ảnh 6: Đường đi của tàu Lam Kình khi bắt đầu xuống phía nam, cách cảng Tam Á khoảng 54 hải lý.
Ảnh 7: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình tại khu vực sâu trong bờ biển Việt Nam
Ảnh 7: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình tại khu vực sâu trong bờ biển Việt Nam
Ảnh 8: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình tại khu vực sâu trong bờ biển Việt Nam
Ảnh 8: Sơ đồ hoạt động của tàu Lam Kình tại khu vực sâu trong bờ biển Việt Nam

Có ý kiến đặt ra, tầu cần cẩu Lam Kinh có thật quay trở về !? Có công trình trên biển Đông mà cần đến tầu này ? Tầu đi kiểu zigzag để làm gì ? Và tại sao lại vào sâu lãnh hải Việt Nam, rồi lại quay về ? Nếu đi thẳng một mạch trên vùng được phép thì chẳng ai chú ý. Chắc đây là cuộc ”biểu diễn” hàng hóa để chuẩn bị cho bước tiếp theo…cao thủ hơn ?

Ý kiến khác cho rằng, thời gian này khủng hoảng Hong Kong là vấn đề đau đầu, nghiêm trọng nhất đối với lãnh đạo Trung quốc. Càng giảm thiểu được sự chú ý quốc tế, đặc biệt của người dân trong nước đối với Hong Kong chừng nào hay chừng đó. Nên họ cho tàu Lam Kình vô sâu trong lãnh hải Việt Nam e cũng vì một trong những ý đồ đó?.

Nguyễn Anh (Nguồn ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic).

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều