Hành trình vào chốn giang hồ của Đường nhuệ
Căn bệnh mê kỷ lục cao, to đã đầy rẫy trong xã hội. Có một câu hỏi được đặt ra rằng có nhất thiết phải là to, cao, dày, nặng mới là tiêu chuẩn của đẹp hay không?
Căn bệnh mê kỷ lục cao to đầy rẫy ngoài xã hội. Nào là ly cà phê kỷ lục (3.600 lít) vượt cả ly cà phê bự nhất của Mỹ (chỉ chứa được 2.500 lít). Nào là chiếc bánh chưng khổng lồ nặng gần 3 tấn, bánh giầy nặng hơn 5 tạ… Mới đây nhất là chiếc áo dài “Dấu ấn thời gian” có chiều dài 189m, nặng 200kg, đính đá và in nổi 468 hoa văn họa tiết cổ vừa được xếp hạng kỷ lục. Nhiều người đã chua chát thốt lên “cứ cái gì siêu to khổng lồ” là sẽ xác lập kỷ lục ở Việt Nam.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều kỷ lục Việt Nam hiện đang được các doanh nghiệp nắm giữ và phần lớn những kỷ lục ấy gắn liền với hoạt động quảng bá của doanh nghiệp. Điều đó không ai cấm và trên thực tế, nó đã mang lại hiệu quả truyền thông quảng bá nhất định.
Tất nhiên, những kỷ lục được xác lập đều phải thỏa mãn các tiêu chí theo quy định với sự thẩm định của gần 100 thành viên hội đồng xác lập kỷ lục. Với những kỷ lục này, người viết không khỏi băn khoăn: có gì ở những thứ to nhất, dài nhất ấy? Bởi, không ít kỷ lục sau khi được tung hô tại lễ công bố thì người dân cũng quên luôn bởi chẳng để lại ấn tượng nào đặc biệt.
Những kỷ lục được xác lập, được tung hô phải chăng chỉ thỏa mãn được sự hiếu kỳ ở một thời điểm hay chỉ là cuộc đua để sở hữu những cái “nhất”, để thỏa mãn thói háo danh của một bộ phận không hề nhỏ, mà những cái “nhất” ấy có hay không có cũng chẳng ảnh hưởng đến ai.
3.000 kỷ lục Việt Nam đã được xác lập nhưng có bao nhiêu trong số đó đã đóng góp được và đóng góp như thế nào vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước? Bao nhiêu kỷ lục đã quảng bá được đời sống văn hóa và con người Việt Nam ra với quốc tế?
Không quá khó để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thích hoành tráng, thích phô trương hình thức hào nhoáng kiểu trọc phú này. Cốt lõi vẫn là ở văn hóa. Cho dù mình nhỏ bé nhưng mình đứng trên một cái nền, cái phông văn hóa chắc chắn, dày dặn thì mình vẫn cao lớn. Ngược lại nếu cái gốc rễ văn hóa yếu, mỏng, thấp thì dù có cao to lênh khênh đến mấy cũng vẫn là thấp bé thôi.
Pho tượng đẹp nhất của đời Lý (còn lại đến hôm nay) cũng chỉ cao chưa tới 2 thước. Hai pho tượng thị giả ở chùa Bút Tháp, những con rối nước, những con chó đá ở cổng làng, thậm chí những con tò he… nhỏ xinh mà vẫn tuyệt đẹp.
Cần phải thống nhất tư tưởng không phải cứ to là đẹp. Cứ muốn tuyên truyền là cố quyền lãng phí. Đã đến lúc cần quy định chặt chẽ hơn về các tiêu chí đánh giá, tập trung nhiều hơn về mặt hàm lượng nội dung và chiều sâu văn hóa của một công trình, một vật phẩm, một sản phẩm để công nhận kỷ lục là điều hết sức cần thiết. Đừng biến danh hiệu kỷ lục thành một cuộc đua vô nghĩa của thói háo danh!
Công Luân