“Hành trình” Ukraine: Từ cường quốc quân sự đến “kẻ ăn bám vũ khí” phương Tây
Nếu nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev còn sống, chắc chắn Ukraine sẽ là nỗi thất vọng lớn nhất của ông. Thời hậu Thế chiến thứ II, khi còn là một phần của Liên Xô, hằng năm Ukraine đều nhận một khoản đầu tư lên tới 20% số tiền đến từ ngân sách Liên Bang. Với số tiền khổng lồ từ ngân sách chung đó, Ukraine có thể nói là đã thành công bước ra từ trong đống hoang tàn của chiến tranh. Từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến thứ II, Ukraine đã từng bước chuyển mình trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của cả khối Liên Xô.
Mọi việc bắt đầu sau khi Tổng Bí Thư Joseph Stalin qua đời vào năm 1953 và Nikita Khrushchev lên nắm quyền lãnh đạo Liên bang Xô viết. Hơn cả Stalin, Khrushchev không những tỏ ra thân thiện và gần gũi hơn với Kiev, mà còn nhiều lần tổ chức kỷ niệm, nhấn mạnh tình hữu nghị giữa hai quốc gia Ukraine và Nga. Cũng dưới thời Khrushchev, bán đảo Crimea, vốn thuộc Nga trong nhiều thế kỷ, đã được chuyển cho Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine quản lý. Sự hậu đãi của Liên Xô, mà cụ thể là đến từ nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev, đã đưa Ukraine trở thành cái nôi tinh hoa châu Âu thời đó. Không chỉ trở thành một nước dẫn đầu châu Âu về sản xuất công nghiệp, Ukraine còn là hạt nhân trung tâm quan trọng của ngành công nghiệp vũ khí quân sự và nghiên cứu kỹ thuật cao của Liên xô. Hàng loạt những tinh hoa cũng theo đó mà liên tục được sản sinh trên khắp đất nước Ukraine.
Kiev thời Liên Xô từng sở hữu cho mình một đội ngũ sĩ quan, cán bộ khoa học và kỹ thuật quân sự hùng hậu nhất của khối Liên Bang. Chưa kể, đất nước xinh đẹp này từng nhận được khoảng 700 xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, những nhà máy có khả năng sản xuất hầu như tất cả các loại phương tiện kỹ thuật quân sự cho các lực lượng vũ trang. Nói chung, so với Nga, nền công nghiệp quốc phòng quân sự Ukraine không hề thua kém, mà còn có phần vượt trội hơn.
Kiev, “đứa con cưng” hậu Liên Xô
Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, theo thỏa thuận “phân chia tài sản” lúc bấy giờ tại Hội nghị Belaveskaia Pusha vào tháng 12/1993, Ukraine đã được thừa kế một quân đội cực mạnh. Họ sở hữu 3 quân khu thuộc tuyến chiến lược thứ hai, 3 tập đoàn quân không quân, cùng với cả kho vũ hạt nhân chiến lược lớn thứ 3 thế giới. Thời điểm tuyên bố độc lập và thành lập nhà nước Cộng Hòa Ukraine, Kiev vẫn là “đứa con cưng”, vừa có tiếng, vừa có miếng. Nói không ngoa, Cộng hòa Ukraine vừa ra đời đã ngậm chặt “chiếc thìa vàng” của Liên Xô.
Các đơn vị về tay Ukraine đều được trang bị một khối lượng rất lớn vũ khí, khí tài tác chiến hiện đại. Trong biên chế Ukraine bấy giờ là 6.500 chiếc xe tăng, 7.150 xe bọc thép, 1.500 máy bay, 350 chiếc tàu chiến, 1.272 đầu đạn hạt nhân sử dụng cho tên lửa xuyên lục địa và 2.500 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Không chỉ có vậy, Ukraine còn sở hữu một đội máy bay ném bom chiến lược liên lục địa siêu thanh đáng gờm nhất nhì thế giới. Chưa kể, Ukraine còn độc quyền trong lĩnh vực không gian thời hậu Xô viết, chuyên sản xuất các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa vũ trụ sử dụng nhiên liệu lỏng hạng nặng. Công nghệ lẫn dây chuyền sản xuất các tàu sân bay, các máy bay vận tải quân sự hạng nặng, động cơ máy bay lên thẳng, tất cả đều nằm trong tay Ukraine.
Nếu tính theo hai tiêu chí: Số lượng xe tăng và máy bay chiến đấu thì Quân đội Ukraine năm 1993 có thể được xếp vào hàng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Còn xét tổng thể, lực lượng vũ trang Ukraine thời điểm đó vượt trội hơn hẳn so với lực lượng vũ trang Nga, vì Nga chỉ được thừa kế các quân khu yếu (do ở tuyến chiến lược thứ 3) với các sư đoàn khung, vũ khí lạc hậu và một số các đơn vị trước đó đóng quân tại Đông Âu rút về nước.
Thậm chí gần 10 năm sau, cho đến tận năm 2000, khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống thì nước Nga gần như đã đứng bên bờ vực suy kiệt. Đồng Rube siêu mất giá, siêu thị kệ hàng trống rỗng. Tàu ngầm bắn tên lửa rơi ngay trước mặt, tàu chiến đi theo trình diễn thì không bao lâu phải dùng tàu khác kéo về, tàu vũ trụ bay chưa đến 50 km đã nổ tung.
Còn trong tay Ukraine, “đứa con cưng của Liên Xô”, vẫn là hai mẫu xe tăng chiến đấu hạng nặng chính của Liên Xô T-80 và T-64, đều chưa bao giờ được xuất khẩu mà phần lớn đều đang được sản xuất trên lãnh thổ Ukraine. Thậm chí, Ukraine còn sở hữu các nhà máy đóng tàu đứng vào hàng có công suất lớn nhất trên thế giới. Nhà máy đóng tàu ở Ukraine là nhà máy duy nhất trên thế giới ngoài Mỹ có khả năng đóng các siêu tàu sân bay, như các các tàu lớp Ulyanovsk có trọng lượng trên 85.000 tấn. Những công nghệ mà Ukraine kế thừa từ Liên Xô, nhiều năm sau vẫn nằm trong “top” đầu danh sách vũ khí bí mật được các nước săn đón.
Điều đó cho thấy, Ukraine không chỉ kế thừa những kho vũ khí khổng lồ, mà cả phần lớn công nghệ lõi, nền tảng công nghiệp quốc phòng và công nghệ dân dụng của Liên Xô. Với các nhà máy sản xuất một loạt các hệ thống vũ khí tiên tiến kể trên, Ukraine được kỳ vọng sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng ở Châu Âu, không thua kém và thậm chí là “đối trọng” của Nga trên bàn cờ thế giới.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Nhìn vào Ukraine hôm nay, chẳng một ai mà không tiếc nuối cho họ. Sở hữu những chìa khóa để có thể trở thành siêu cường thế giới, nhưng Ukraine đã đánh mất tất cả để giờ đây, đến những vũ khí đơn giản cũng phải chìa tay xin viện trợ từ “đồng minh” Mỹ và NATO.
Đánh mất “chiếc thìa vàng”
Hôm 24/2 vừa qua, Đại sứ của Ukraine tại Vương quốc Anh, ông Vadym Prystaiko đã nói với thế giới rằng: “Ukraine hiện đã không còn đủ thiết bị quân sự để tự vệ”. Lời phát biểu diễn ra trong bối cảnh Nga đang đẩy nhanh một chiến dịch “phi quân sự hóa” Ukraine.
“Chúng tôi đang chịu đựng một cuộc chiến thực sự… Xe tăng, máy bay trực thăng, máy bay liên tiếp bị bắn hạ”, Đại sứ Prystaiko nói. Ông thừa nhận Ukraine khó bảo vệ một số khu vực, vì Nga đã phong tỏa Biển Đen và Biển Azov.
Ông Prystaiko nói rằng, việc Nga phong tỏa biển đang hạn chế khả năng của Ukraine trong việc đưa quân tiếp viện và tiếp tế. Theo ông, Ukraine sẽ cần “khá sớm, khá nhiều” viện trợ nhân đạo vì phía Nga “đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Đáp lại, động thái từ các quan chức quốc phòng Mỹ chỉ là lời “trấn an” rằng vũ khí đang được đưa tới Đông Âu…
Câu hỏi khiến người ta đau lòng nhất giờ đây, là số vũ khí của Liên Xô khi xưa ấy, bây giờ đã lạc trôi về đâu? Vì sao Ukraine lại phải chìa tay xin sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây một cách “nhục nhã” đến như vậy?
Câu trả lời thường được nhắc tới là nằm ở việc Ukraine thiếu thốn tiền bạc cho công tác bảo dưỡng. Thế nhưng, câu trả lời chính xác hơn vẫn là sách đối ngoại cực đoan của Ukraine.
“Vỗ béo” cho các tập đoàn công nghệ quốc phòng phương Tây
Từ khi “rước” Mỹ về nhà, ngành xuất khẩu vũ khí Ukraine bắt đầu rơi vào tình cảnh “bị chọc gậy bánh xe”. Mỹ đã đứng ra gây áp lực để ngăn Ukraine thực hiện một số thương vụ vũ khí béo bở với các đối tác ngoài phương Tây. Đáng chú ý nhất trong số đó là việc phá hủy loạt máy bay ném bom Tu-160 giao đoạn 1998.
Tu-160 là dòng máy bay ném bom mà Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô, có năng lực thuộc hàng bậc nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Trị giá mỗi chiếc Tu-160 lên đến hàng trăm triệu USD, được cả Nga và Trung Quốc đặc biệt quan tâm và ngỏ ý mua lại. Nếu ký kết thành công, Ukraine đã có thể thu lợi từ các gói dịch vụ đi kèm như các hợp đồng hiện đại hóa và tân trang, hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các tên lửa phóng từ trên không và thậm chí có thể hỗ trợ lâu dài để sản xuất máy bay ném bom có khả năng tương tự.
Thế nhưng, để làm hài lòng Mỹ, Ukraine đã quyết định… phá hủy chúng mà chẳng nhận được một đồng nào.
Thảm cảnh “bị chọc gậy bánh xe” còn tiếp tục lan tới ngành đóng tàu Ukraine. Với sự can thiệp của phương Tây, Kiev tiếp tục phải hủy bỏ việc bán tàu sân bay lớp Đô đốc Kuznetsov đã hoàn thiện một phần cho Trung Quốc. Điều này buộc Trung Quốc phải mua con tàu còn đầy thiếu sót về kỹ thuật, thông qua một công ty tư nhân với giá chỉ 20 triệu USD, chấm dứt triển vọng chuyển giao công nghệ sinh lợi và các hỗ trợ khác vốn có lợi cho cả hai bên.
Chính vì những thương vụ làm ăn béo bở đều bị Mỹ nắm quyền sinh sát, nên nền công nghiệp quốc phòng Ukraine đã rất nhanh chóng bị suy kiệt vì thiếu tiền. Không bán được hàng, cơn khát tiền bắt đầu làm “thối rữa” luôn cả quân đội Ukraine. Các trang thiết bị có trong biên chế Ukraine bắt đầu gặp nhiều hỏng hóc, thậm chí là xuống cấp. Nhưng chính vì thiếu tiền để duy trì, đã khiến trang bị kỹ thuật quân sự của Ukraine không được bảo dưỡng, nâng cấp, khiến các linh kiện bị hư hỏng, dẫn đến hết hạn sử dụng, và cuối cùng là bán tống bán tháo cho nước ngoài, thực chất không ai khác ngoài EU.
Nói cách khác, sự kiệt quệ của công nghiệp quốc phòng Ukraine lại mang về những mối lợi béo bở cho phương Tây khi thu gom các thiết bị, khí tài với cái giá cực kỳ rẻ mạt. Không chỉ vậy, nó còn giúp các nước đảo ngược công nghệ (reverse-engineering) để củng cố thêm nền tảng công nghệ quốc phòng của phương Tây.
Trong khi đó, một số nước tách ra từ Liên Xô cũ giờ đây đã từng bước xây dựng nền kinh tế và sở hữu một quân đội chất lượng cao, cùng các vũ khí cải tiến mạnh mẽ. Còn lực lượng vũ trang Ukraine lại rơi vào vòng xoáy trì trệ và hỗn loạn, “vỗ béo” cho các tập đoàn công nghệ quốc phòng châu Âu…
Sau 20 năm, số lượng vũ khí trang bị của nước này chỉ còn khoảng từ 1/2, thậm chí là 1/3 những gì được hưởng từ Liên bang Xô Viết. Phương tiện kỹ thuật quân sự và vũ khí còn sử dụng được trong các lần tác chiến khi cần thiết, trên thực tế, chỉ bằng một nửa các con số trên.
Tất cả đều do thiếu kinh phí bảo dưỡng, và nguồn tài chính để chế tạo phụ tùng thay thế.
Nhiều khách hàng mua sắm vũ khí của Ukraine dần tỏ ra bất mãn với Kiev, khi họ chỉ mua được những “vũ khí, khí tài dư thừa” và những loại đã lạc hậu của Liên Xô. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết những gì Ukraine đem bán không lạc hậu hơn là mấy so với những gì mà Ukraine hiện đang có trong biên chế. Khách hàng rời bỏ Ukraine để sang Nga. Cuối cùng, Kiev không chỉ gánh còng lưng nhiều khoản viện trợ của quốc tế, mà còn phải tìm cách cầu viện vũ khí của phương Tây.
Ngay cả kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới cũng bị Ukraine tự tay phá hủy. Năm 1994, Ukraine ký kết Bản ghi nhớ Budapest để loại trừ vũ khí hạt nhân nhằm đổi lấy “sự đảm bảo an ninh” sau khi Liên Xô tan rã. Giờ đây, sự thật về lời hứa “đảm bảo an ninh” đã quá rõ ràng. Tất cả những gì đọng lại là sự cay đắng và cảm giác bị phản bội.
Andriy Zahorodniuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từng nói: “Chúng tôi đã cho đi khả năng hạt nhân mà không có gì đáp lại.”
Lời kết
Ukraine có nhiều sơ hở, một trong số đó là để bên ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ của mình. Việc không tự lực tự cường đã khiến Ukraine rơi vào “thảm cảnh” như ngày nay. Kiev vốn từ ban đầu đã nằm ở thế trên. Họ không cần hạ mình dưới trướng của phương Tây, thay vào đó, Mỹ và các nước Châu Âu khác còn phải tìm đến tận nơi, để được tiếp cận công nghệ của Liên Xô từ Ukraine.
Song, bất chấp những di sản được kế thừa từ Liên Xô đó, lực lượng vũ trang và nền công nghiệp của Ukraine đã lao dốc, suy giảm nặng nề trong ba thập kỷ qua. Liên Xô chỉ mới tan rã cách đây 31 năm, vậy mà ngành công nghiệp quân sự Ukraine cũng tan rã theo với tốc độ nhanh hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra. Nếu nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev còn sống và chứng kiến tình cảnh hiện nay, chắc chắn Ukraine sẽ là nỗi thất vọng lớn nhất của ông.
Huy Hoàng